Giáo viên luôn muốn phụ huynh tin tưởng và tôn trọng họ, không tham gia quá nhiều nhưng cũng không phớt lờ cuộc sống ở trường của trẻ.
Tạp chí Your Family thực hiện một cuộc khảo sát xem nhà trường và giáo viên mong muốn phụ huynh sẽ làm gì với học sinh của họ. Và dưới đây là những câu trả lời được nhiều người đưa ra.
1. Tham gia vừa phải vào cuộc sống của con
Các bậc phụ huynh tham gia quá nhiều vào cuộc sống của con ở nhà và cả ở trường, trong khi một số khác lại hoàn toàn không quan tâm. Các giáo viên cho rằng phụ huynh cần cố gắng đạt được sự cân bằng, mức độ tham gia có thể thay đổi theo lứa tuổi của con.
Ví dụ, ở trường mầm non, phụ huynh có thể liên hệ hàng giờ với giáo viên. Nhưng tới cấp trung học, mọi liên hệ bị hạn chế trong các cuộc họp định kỳ giữa phụ huynh và giáo viên hay những cuộc điện thoại, email bất thường về vấn đề học tập, sức khỏe hay chuyện đột xuất trong gia đình.
2. Quan tâm đến những hoạt động cơ bản của con
Có những khía cạnh nhất định của cuộc sống mà chỉ phụ huynh mới có thể quản lý và nên quản lý như việc ngủ, tập thể dục hay dinh dưỡng của con. Những điều cơ bản này sẽ giúp con có cách hành xử đúng đắn và học tập tốt hơn.
Ảnh minh họa: Understood
3. Hỗ trợ những gì đang xảy ra trong lớp học
Nhiều phụ huynh cho rằng nhà trường và giáo viên nên đảm nhiệm toàn bộ công việc nuôi dạy trẻ. Nhưng giáo viên nhận định sự hợp tác giữa hai bên sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho con.
"Cha mẹ không thể từ bỏ trách nhiệm của mình. Trẻ học 24/7. Chúng tôi chỉ dạy chúng vài giờ mỗi ngày. Rất có ích nếu cha mẹ quan tâm đến việc học ở nhà của con", Debbie de Jong, một chuyên gia hỗ trợ học tập ở Nam Phi nói.
4. Xây dựng tính độc lập
Khoảng cách giữa hỗ trợ và can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con là rất mong manh. Các giáo viên mong muốn phụ huynh để con độc lập hơn. Khi còn nhỏ, hãy để chúng học cách tự sắp xếp hay mặc quần áo. Một đứa trẻ luôn mong đợi cha mẹ làm mọi thứ sẽ gặp phải những khó khăn nhất định khi ở trường.
5. Tin tưởng và tôn trọng giáo viên
Nhiều giáo viên thấy rằng phụ huynh thường nhanh chóng đổ lỗi, chỉ trích thay vì hợp tác tìm hiểu vấn đề. Phụ huynh là người bạn của trường học chứ không phải kẻ thù. Họ nên biết rằng giáo viên có cơ hội gặp gỡ nhiều học sinh, có kỹ năng, cách nhìn nhận khác phụ huynh và có thể mang lại những điều gì đó khác biệt cho cuộc sống của những đứa trẻ.
Tuy nhiên, có những lúc phụ huynh cần phản hồi, phản ứng ngay lập tức với giáo viên và nhà trường nếu trẻ đang bị đe dọa, gặp nguy hiểm hoặc kết quả học tập giảm sút mạnh.
6. Sử dụng đúng kênh liên hệ với giáo viên
Các trường thường tổ chức cuộc họp phụ huynh định kỳ trong năm. Đây là thời điểm tốt để thảo luận các vấn đề chung về trẻ. Nếu có việc khẩn cấp, hãy đặt một cuộc hẹn. Không phải mọi vấn đề đều đòi hỏi một cuộc họp chính thức. Ở cấp tiểu học, khi phụ huynh có xu hướng giao tiếp nhiều hơn với giáo viên, họ có thể liên hệ một cách tự phát.
7. Hiểu về giải thưởng và hình phạt
Các vấn đề xung quanh khen thưởng và trừng phạt thường rất khó khăn để nhà trường và phụ huynh đàm phán. Giáo viên hiểu phụ huynh cảm thấy thế nào khi con không được nhận giải thưởng hay không được để cử vào một vị trí trong ban cán sự lớp. Cùng với đó, họ cũng không muốn thấy việc làm sai trái của con bị trừng phạt.
Một đứa trẻ đôi khi sẽ gặp rắc rối hoặc cảm thấy thất vọng, đó là một phần trải nghiệm học tập. Phụ huynh và nhà trường nên khuyến khích con lựa chọn, và giúp con biết rằng có thể có những hậu quả đối với lựa chọn được đưa ra.
Nhan nhản truyện thiếu nhi “nhạy cảm”, phụ huynh hoang mang
Từ cổ vũ bạo lực, dạy con trẻ nói dối, cho đến những hình ảnh nhạy cảm là những điều xuất hiện ngày càng nhiều ... |
Giảm tải chương trình, các kỳ thi để học sinh được ngủ, được chơi
Áp lực học tập, thi cử, điểm số đã khiến học sinh (HS) bị thiếu ngủ trầm trọng, cảm thấy mệt mỏi khi phải tới ... |
Phụ huynh \'đánh vật\' đưa con tới trường ngày rét
Để kịp vào lớp lúc 7h30, hai con chị Minh phải thức dậy từ 6h15. Những ngày giá rét, chúng vật vã, không chịu rời ... |
Ngày đăng: 11:38 | 22/01/2018
/ https://vnexpress.net