Giáo sư Quarraisha Abdool Karim cùng chồng của mình là Giáo sư Salim Abdool Karim được Giải thưởng VinFuture Đặc biệt năm 2021 dành cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Sau khi trở về từ VinFuture, Giáo sư Karim đã được bầu làm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2026. Tham gia VinFuture 2022 với vai trò là thành viên Hội đồng sơ khảo Giải thưởng, Giáo sư mong muốn giúp ngành khoa học Việt Nam có thể vươn tầm thế giới.
Năm ngoái, bà và chồng tham gia VinFututure với vai trò là ứng viên và được trao giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển”. Năm nay bà quay lại với vị trí thành viên Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture mùa 2. Có lý do gì đặc biệt cho sự trở lại này không?
Giải thưởng VinFuture không đơn giản chỉ về các khám phá, đổi mới mà những khám phá này phải có tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Đây là điều làm nên sự khác biệt của VinFuture và cũng là mục đích sống tôi luôn tìm kiếm.
Tôi luôn muốn xem các nhà khoa học khác đang làm gì, nghiên cứu gì để thế giới ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Đó là lý do tôi không hề ngần ngại khi nhận được lời mời tham gia chương trình.
Năm nay tôi rất vinh dự khi tham gia với vai trò mới là thành viên của Hội đồng sơ khảo Giải thưởng. Tôi rất ấn tượng với số lượng đề cử đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí tôi thấy có những người đã từng nhận các giải thưởng lớn và giá trị thế giới cũng có trong danh sách đề cử. Điều này cho thấy các nhà khoa học rất trân trọng giá trị mà Giải thưởng VinFuture mang lại.
Hơn nữa, với vai trò mới này, tôi có cơ hội được biết nhiều hơn về các công trình khoa học từ nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt là có cơ hội biết trước điều gì sẽ xảy ra (cười).
Sau khi tham gia VinFuture mùa 1 và về nước, các đồng nghiệp của bà có quan tâm hơn về VinFuture không?
Ồ, tất nhiên rồi. Mọi người đều rất hào hứng khi biết tôi đến Việt Nam. Họ bảo tôi kể về Việt Nam, về các nhà khoa học ở đây. Vì vậy, cũng bắt nguồn từ chuyến thăm đó, chúng tôi đã thiết lập chương trình trao đổi sinh viên y khoa giữa Việt Nam và Nam Phi. Hiện nay, chúng tôi cũng đang có các bài giảng, dự án nghiên cứu và hợp tác giữa các nhà khoa học 2 nước.
Bà từng tham gia nhiều hội đồng giải thưởng khác như hội đồng giải thưởng Gairdner Foundation của Canada, hội đồng giải thưởng của Quỹ Nghiên Cứu Quốc Gia Nam Phi... Vậy theo bà, đâu là sự khác biệt lớn nhất giữa VinFuture và những giải thưởng bà đã tham gia?
Cá nhân tôi thấy sự khác biệt lớn nhất giữa VinFuture và các giải thưởng khác là sự khám phá (discovery) mà khám phá chỉ là bước đầu tiên của nghiên cứu khoa học thôi. Thực ra, trong số các đề cử năm nay, có rất nhiều dự án mới trong giai đoạn đầu của nghiên cứu.
Nhưng vấn đề quan trọng là sức ảnh hưởng và khả năng tác động của các nghiên cứu. Không quan trọng là nghiên cứu đang ở giai đoạn nào. Đây là điều mà tôi ấn tượng nhất.
Hơn nữa, với các giải thưởng khác, họ chỉ có một giải thôi nhưng VinFuture có rất nhiều hạng mục khác. Bên cạnh giải thưởng chính còn có các giải thưởng cho nhà khoa học nữ, cho các nước đang phát triển. VinFuture tạo ra một sân chơi công bằng cho các nhà khoa học trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Như mọi người đều biết, tiền thưởng của VinFuture còn lớn hơn của Nobel nhưng những giá trị mà VinFuture mang lại còn lớn hơn như vậy. VinFuture sẽ trở thành một trong những giải thưởng tầm cỡ thế giới như Thụy Sĩ có Nobel, Nhật Bản có Inamori,... Và sau này với Việt Nam sẽ là VinFuture.
Giải thưởng này sẽ đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới trong giới khoa học. Lý do quan trọng là VinFuture không phải chỉ về những đổi mới mà còn là những tác động làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.
Trong năm vừa rồi, bà có nhiều hoạt động kết nối các nhà khoa học Việt Nam với thế giới. Mặc dù đến từ một quốc gia rất xa Việt Nam, ấn tượng đặc biệt gì khiến bà quyết định có những hoạt động này?
Nhờ giải thưởng VinFuture mà tình bạn đã được thiết lập dựa trên cơ sở hợp tác. Chúng tôi đã có các chương trình trao đổi sinh viên giữa 2 quốc gia, tôi cũng thường lui tới Việt Nam để tham gia các hội thảo.
Gần đây tôi đã được bầu làm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới, và trong Ban Chấp hành của Viện có một nhà toán học người Việt là GS Lê Tuấn Hoa. Nhân cơ hội này, tôi được gặp gỡ các nhà khoa học Việt Nam khác, cùng giúp đỡ, tìm cách nâng tầm những công trình của họ lên toàn cầu.
Một nhiệm vụ khác là tăng cường nhận thức về khoa học Việt Nam trên cộng đồng thế giới. Như bạn thấy Việt Nam có rất nhiều nhà vật lý học, nhà toán học… Họ rất xuất sắc. Tôi muốn thấy thêm những nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực sinh học, y tế… Từ đó, chúng tôi có những đề xuất, kế hoạch để giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn nữa.
Trong quá trình tham gia những hoạt động này, bà đánh giá đâu là khó khăn lớn nhất mà các nhà khoa học ở Việt Nam đang gặp phải?
Tôi nghĩ đây không chỉ là khó khăn ở Việt Nam mà các nơi khác đều gặp điều này. Đó là hiện nay mọi người không đặt nặng vấn đề nghiên cứu. Đây là một ngành không phổ biến. Bạn thấy đấy, thông thường mọi người sẽ chọn ngành y khoa, chính trị, kinh tế… nhưng rất ít người theo đuổi khoa học. Vì vậy, chúng ta cần nâng cao vị thế của ngành này.
Nếu nhìn vào từ quần áo, điện thoại rồi ngay tòa nhà chúng ta đang đứng, đó đều là thành quả nghiên cứu khoa học từ các ngành khác nhau. Nên tôi hy vọng người trẻ thấy được khoa học sẽ dẫn dắt mọi người đến với một cuộc sống tốt đẹp hơn như thế nào, họ sẽ có nguồn cảm hứng, đam mê theo đuổi nó chứ không chỉ đơn thuần quan tâm tới TikTok, Instagram hay Kim Kardashian…
Khoa học không chỉ là việc chúng ta quan tâm tới mình mà còn chăm sóc cho những người xung quanh. Đó là những gì khoa học làm, tôn trọng chính bản thân mình, tông trọng môi trường, cộng đồng, văn hóa. Và thông qua khoa học, chúng ta sẽ có một cuộc sống, một tương lai tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cũng là một vấn đề khó khăn đối với các nước đang phát triển. Chúng ta không có hoặc có rất ít cơ hội có được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học hay thử nghiệm lâm sàng.
Vậy theo bà, đâu là cách để các quốc gia đang phát triển vượt qua những trở ngại này?
Rào cản luôn đi kèm với cơ hội. Tôi được truyền động lực bởi một vị giáo sư và điều này đã trở thành tư tưởng của tôi. Đó là khi cơ hội tới thì phải đảm bảo chắc chắn mình sẵn sàng. Thách thức đối với các quốc gia đang phát triển là hạn chế số lượng nhà khoa học đủ kỹ năng và giới hạn công nghệ không đủ cập nhật. Chúng ta cần xem ai có kỹ năng gì, đóng góp gì và trở thành một phần đội ngũ ra sao. Khi đó, chúng sẽ có đội ngũ khoa học toàn diện.
Trong khi diễn ra đại dịch Covid-19, lần đầu các rào cản được phá bỏ. Đây là lần đầu khả năng tiếp cận vắc xin là công bằng và bình đẳng toàn cầu. Thời Covid-19, khi chúng ta còn đang tìm sản phẩm nào điều trị căn bệnh thì WHO đưa ra nền tảng đoàn kết, để rà soát mọi phác đồ. Nhờ đoàn kết chúng ta có thể chia sẻ phát kiến y học lâm sàng.
Thông thường phải mất đến 10 - 20 năm để kiểm chứng một khám phá hay công trình khoa học. Nhưng với nền tảng đoàn kết cho chúng ta phản ứng nhanh chóng hơn. Tức là đổi mới sáng tạo có thể tăng tốc việc giải quyết vấn đề của nhân loại. Do đó, chúng ta cần chung tay thu hút sự tham gia các quốc gia và các tài năng, nhằm tạo ra cơ chế đoàn kết như vậy để hành động.
Bản thân tôi đã được hưởng lợi từ những người cố vấn cũng như từ các mối quan hệ đối tác trong suốt sự nghiệp của mình. Vì vậy, nếu tôi tìm thấy những người hào hứng với việc thực hiện loại nghiên cứu mà tôi đang làm, thì tôi rất vui khi được cộng tác. Đó là một điểm chung kết nối các nhà khoa học, niềm đam mê nghiên cứu và mong muốn mang lại giá trị tốt đẹp, cải thiện cuộc sống của mọi người.
Nếu làm một mình, dù có chăm chỉ thế nào bạn cũng sẽ không thể giải quyết vấn đề nhanh chóng được, nhất là trong nghiên cứu khoa học. Nhưng khi có sự hợp tác, điều này sẽ khác. Không phải mọi người vẫn hay nói muốn đi xa hãy đi cùng nhau sao (cười).
Cảm ơn Giáo sư!
Ngày đăng: 14:56 | 20/12/2022
Anh Ngọc - Thiết kế: Hải An /