Quan hệ thân thiết giữa Triều Tiên và Liên Xô nguội lạnh trong những năm 1990 nhưng khởi sắc trong những năm 2000 dưới thời Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước khi hội đàm diễn ra tại khuôn viên Đại học Liên bang Viễn Đông ở t Vlapostok, Nga, hôm 25/4. Ảnh: AFP. |
Cuối Thế Chiến II, Liên Xô được nửa phía bắc của bán đảo Triều Tiên tin tưởng, còn Mỹ chiếm được lòng tin của phía nam. Moskva đã ủng hộ Kim Nhật Thành, người từng lãnh đạo một đội quân Triều Tiên trong quân đội Liên Xô, lên làm lãnh đạo và ông đã sáng lập nhà nước Triều Tiên năm 1948.
Hai năm sau, chiến tranh Triều Tiên nổ ra, khiến 4 triệu người thiệt mạng trước khi hai miền ký kết hiệp định đình chiến năm 1953. Suốt chiến tranh, Triều Tiên được Trung Quốc và Liên Xô hậu thuẫn.
Khi Chiến tranh Lạnh diễn ra giữa Liên Xô và phương Tây ngày càng sâu sắc, Triều Tiên đã được Liên Xô viện trợ nhiều, trong đó có vũ khí và nhiên liệu. Theo hiệp ước do Kim Nhật Thành và Nikita Khrushchev ký năm 1961, Liên Xô cam kết sẽ bảo vệ Triều Tiên trong trường hợp bị tấn công.
Kim Nhật Thành từng tới Moskva hai lần, năm 1984 và 1986 và gặp lãnh đạo Mikhail Gorbachev lần đầu trong chuyến thăm thứ hai.
Mối quan hệ đặc biệt kết thúc vào năm 1990, khi Gorbachev thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, Triều Tiên cáo buộc đồng minh phản bội. Liên Xô tan rã năm 1991, mở ra một chế độ mới ở Nga, thiện chí với phương Tây hơn. Năm 1992, tổng thống Boris Yeltsin tuyên bố hiệp ước 1961 vô nghĩa, chỉ "tồn tại trên giấy tờ".
Ngay khi lên làm tổng thống, Putin đã làm sống lại mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên, lúc này do Kim Jong-il lãnh đạo sau khi Kim Nhật Thành qua đời năm 1994.
Vài tháng đầu trong nhiệm kỳ tổng thống năm 2000, ông đã tới Bình Nhưỡng và trở thành lãnh đạo Nga đầu tiên tới thăm Triều Tiên. Putin và Kim Jong-il đồng ý đưa quan hệ hai nước trở lại đúng hướng và ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự lớn.
Năm 2001 và 2002, Kim Jong-il tới Moskva đàm phán với Putin. Năm 2003, khi quốc tế quan ngại Triều Tiên đang bí mật phát triển vũ khí hạt nhân, Nga đã tham gia vòng đàm phán 6 nước đầu tiên với mục tiêu khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Kim Jong-il thực hiện chuyến đi thứ ba và cũng là chuyến cuối cùng tới Nga năm 2011, 4 tháng trước khi qua đời và con trai Kim Jong-un lên nắm quyền. Năm 2014, Moskva hủy 90% số nợ của Bình Nhưỡng từ thời Liên Xô.
Thế vận hội mùa đông vào tháng 2/2018 ở Hàn Quốc đánh dấu sự bắt đầu giai đoạn giảm nhiệt căng thẳng ngoạn mục giữa hai miền Triều Tiên và Mỹ.
Vài tháng sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Singapore. Lãnh đạo Triều Tiên cam kết "hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn" trên bán đảo.
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai vào tháng tháng 2 năm nay tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận chung, Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm vũ khí.
Cuộc gặp của Kim với Putin đang diễn ra tại Nga sẽ là cuộc gặp đầu tiên của lãnh đạo Triều tiên với một nguyên thủ quốc khác sau khi trở về từ Hà Nội.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Hy vọng nào từ Thượng đỉnh Nga - Triều Tiên?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến Nga hôm 24-4 để dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Vladimir Putin. ... |
Ngày đăng: 15:00 | 25/04/2019
/ VnExpress