Cha mẹ tốt là cha mẹ dạy con biết đâu là giới hạn và trẻ không thể có mọi điều chúng muốn. Nếu không học được điều này, chúng sẽ trở thành người phụ thuộc.
Đời sống vật chất quá đầy đủ: Bạn có nhận thấy con mình có quá nhiều đồ chơi, quần áo hay giày dép đẹp không? Chúng sẽ thường không dùng hết những vật dụng này bởi có quá nhiều. Đã đến lúc bạn cân nhắc lựa chọn những đồ mà con ít dùng đến để ủng hộ từ thiện và tặng lại cho những người khác. Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế sắm đồ mới cho con. Điều này sẽ dạy con hiểu được giá trị của vật chất và học cách chia sẻ những gì mình có với những người xung quanh.
Quá nhiều quà làm trẻ lầm tưởng đây là điều nó phải có. Ảnh: T. L. |
Không khước từ yêu cầu của con: Đây chính là một dấu hiệu cho thấy bạn đang làm hư con cái khi không bao giờ từ chối mọi yêu cầu của con. Bạn đang ngầm đưa ra một thông điệp với con rằng, tất cả những gì chúng cần làm là đòi hỏi hay van nài cha mẹ và chúng sẽ đạt được điều mình muốn. Khi trưởng thành, chúng phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và sẽ bị bất ngờ khi phát hiện ra mọi việc không đơn giản như vậy. Mọi thứ đều có giá của nó.
Lâm vào cảnh nợ nần: Tất nhiên là bạn luôn muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất, chẳng hạn như một món quà Giáng sinh thật đắt đỏ. Nhưng có nhiều cách tốt hơn để dành tặng con những món quà ý nghĩa mà không cần tiêu tốn quá nhiều tiền. Cũng có thể bạn có đủ tiền để mua quà cho con nhưng không nhất thiết phải làm như vậy. Nếu luôn sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để mua cho con những món quà đắt đỏ thì bạn đang làm hư con.
Chi tiền cho con nhiều hơn chính bản thân: Bà mẹ nào cũng có tâm lý con là trên hết, vậy nên không có gì là khó hiểu khi con thậm chí còn đầy đủ mọi thứ hơn chính bạn. Đây cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn đang nuông chiều con quá mức. Chúng không định phải có riêng một máy tính bảng loại mới nhất, laptop hay quần áo hàng hiệu… Học cách chia sẻ là một điều hay, vì vậy trẻ có thể dùng chung một số đồ dùng với cả gia đình hay tận dụng quần áo của anh chị em.
Con hay mè nheo: Những câu nói chẳng hạn như "Mẹ ơi, bạn bè con ai cũng…" hoặc "Con rất thích món đồ này" là câu cửa miệng của trẻ. Trẻ thường dùng cách này để có được thứ mình muốn. Nếu bạn đáp ứng yêu cầu của trẻ hết lần này đến lần khác thì chúng sẽ hiểu rằng, chỉ cần mè nheo và nhõng nhẽo với bạn sẽ là được chấp thuận. Đây không phải điều bạn muốn con học được và chính bạn sẽ là người phải trả giá cho việc này.
Luôn nhượng bộ con: Bạn có bao giờ nhượng bộ mọi yêu cầu của con để đổi lại việc chúng không làm phiền mình? Thực tế, việc này sẽ mang lại nhiều rắc rối hơn bạn tưởng đồng thời vô tình, bạn đã làm hư con. Chúng sẽ hiểu rằng, bạn sẽ đáp ứng mọi điều chúng muốn. Bạn hãy nghĩ đến hậu quả lâu dài của việc này.
Con không cảm thấy vui vẻ: Cuối cùng, nếu con bạn không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì chúng đang có như đồ chơi, quần áo đẹp hay những chuyến đi du lịch, chắc chắn con bạn đã được nuông chiều quá mức. Những gì chúng muốn là sự quan tâm chú ý của bạn, chứ không phải tiền của bạn. Vì vậy, hãy cho con thấy vật chất không phải thứ mang lại hạnh phúc mà việc dành nhiều thời gian cho con mình để chúng tận hưởng tình cảm ấm áp của bạn mới là thứ quan trọng nhất.
Cha mẹ tốt là cha mẹ dạy con biết đâu là giới hạn và trẻ không thể có mọi điều chúng muốn. Nếu không học được điều này, chúng sẽ trở thành người phụ thuộc.
Ngày đăng: 11:48 | 23/09/2019
/ laodong.vn