Mua rau củ quả sơ chế, thuê nhà tốn hơn 1/4 thu nhập mỗi tháng... là bạn đang vứt tiền qua cửa sổ mà không nhận ra.
Các chuyên gia tài chính đều tư vấn: càng nhiều cách tiết kiệm càng tốt. Tuy nhiên, mọi người có xu hướng quản lý tiền kém đi theo thời gian. Rất nhiều người, kể cả những người luôn quan tâm đến ngân sách cá nhân, đã và đang lãng phí tiền bạc hoặc mua sắm quá phù phiếm: từ mua phiếu giảm giá đến tắm nước quá nóng.
Dưới đây là 10 hành vi lãng phí tiền mà nhiều người không thấy, theo liệt kê của Business Insider:
1. Không bao giờ kiểm tra số tiền đã chi tiêu
"Một trong những sai lầm lớn nhất mà mọi người mắc phải với tiền là không biết nó đi đâu", chuyên gia tài chính cá nhân người Mỹ Ramit Sethi nhận xét. "Đã bao nhiêu lần bạn mở các hóa đơn, nhăn mặt, sau đó nhún vai và nói, 'Tôi không nghĩ mình lại tiêu nhiều thế?".
Để tránh bị bất ngờ khi không biết tiền đi đâu, Sethi khuyên mỗi người nên có ý thức hơn về chi tiêu: Hãy dành 50% thu nhập cho nhà cửa và tiêu dùng hàng ngày, 5% cho các khoản đầu tư, phần còn lại cho tiết kiệm và giải trí, hưởng thụ.
2. Tiền thuê nhà tốn hơn một phần tư thu nhập hàng tháng
Nhà ở chiếm trung bình 37% tiền lương mang về nhà của người Mỹ. Cắt giảm chi phí nhà ở có thể giúp bạn tiết kiệm hơn nhiều so với ngừng mua cà phê và bơ, nhà hoạch định tài chính Lauren Lyons Cole nói. Cole đề nghị tìm nhà có chi phí chiếm 25% hoặc ít hơn so với thu nhập sau thuế của bạn, và bỏ số tiền dư ra vào tài khoản hưu trí. "Động thái tài chính tốt nhất bạn có thể thực hiện là chuyển đến một ngôi nhà ít tốn kém hơn", Cole nói.
3. Khoản tiền trả cho xe cộ hàng tháng lẹm vào tiết kiệm của bạn
Nhiều người tốn tiền cho xe hơi đến mức không còn tiền để tiết kiệm. Ảnh: innov8security |
Sau nhà ở, vận chuyển thường là chi phí lớn thứ hai của một hộ gia đình. Người Mỹ chi trung bình 725 đô la/tháng (hơn 16 triệu đồng/tháng) cho một chiếc xe hơi hạng trung điển hình và chi phí bảo hiểm có thể còn cao hơn nếu chủ nhân có điểm tín dụng xấu. Nhiều người tốn tiền cho ôtô đến mức không thể trả các khoản nợ khác hoặc tiết kiệm cho nghỉ hưu.
4. Lạm dụng thẻ tín dụng (ngay cả khi bạn thanh toán thẻ đúng hạn)
Một dấu hiệu lớn cho thấy bạn chi tiêu quá nhiều với thẻ tín dụng là mua sắm trực tuyến hoặc đến trung tâm mua sắm khi buồn chán. Ruth Soukup, tác giả của cuốn Living Well Spending Less đã rơi vào sai lầm đó khi chồng đi làm và cô ấy ở nhà: "Tôi đã bội chi, mặc dù tôi không chi tiêu nhiều tiền hơn mình đã có", Soukup nói. Để tránh bội chi bằng tín dụng, hãy đặt giới hạn chi tiêu hàng tuần hoặc khóa thẻ tạm thời, Soukup gợi ý.
5. Dùng phiếu giảm giá tại cửa hàng tạp hóa
Việc dùng phiếu giảm giá đôi khi giúp bạn mua hàng rẻ hơn nhưng đa số mọi người sau đó lại dành số tiền tiết kiệm được để mua đồ ăn nhẹ đóng gói sẵn, đầu bếp Beth Moncel của blog thực phẩm Budget Bytes cho biết.
Thay vào đó, Moncel khuyên người tiêu dùng nên mua các loại hạt hoặc đồ ăn nhẹ với số lượng lớn, rồi tự mình đóng gói thành các phần nhỏ hơn.
"Nếu tôi có thời gian, tôi sẽ đến chợ của nông dân và siêu thị bán buôn vì họ có những mặt hàng rẻ hơn so với các cửa hàng tạp hóa thông thường", Moncel nói.
6. Không quản lý những gì bạn chi tiêu cho các dịch vụ thuê bao
Bạn có thể chi tiêu cho các đăng ký dịch vụ trên thiết bị kỹ thuật số nhiều hơn bạn nghĩ. Nếu bạn muốn cắt giảm các chi tiêu với các dịch vụ kỹ thuật số, hãy hủy các dịch vụ bạn không sử dụng trong tháng vừa qua hoặc chia sẻ các dịch vụ với người khác.
7. Mua thực phẩm sơ chế
Mua rau củ quả cắt gọt sẵn, bạn tuy tiết kiệm được thời gian nhưng sẽ phải trả tiền cho sự tiện lợi và bao bì. Ảnh: The Motley Fool. |
Mua rau và trái cây cắt sẵn có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian vào bếp, nhưng bạn lại phải trả tiền cho sự tiện lợi và bao bì. Một trái xoài keo gọt sẵn trong siêu thị có giá 19.000 đồng, trong khi bạn mua một quả còn nguyên chưa đến 10.000 đồng.
8. Mua các mặt hàng phi thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa
Các cửa hàng tạp hóa có thể là một nơi tuyệt vời để bạn mua các thực phẩm giảm giá, nhưng bạn sẽ tốn kém hơn khi mua các mặt hàng phi thực phẩm như đồ gia dụng, xà phòng và tã. Tốt nhất, bạn chỉ mua thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa và đến một cửa hàng chuyên về đồ gia dụng mua đồ gia dụng, bạn sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn.
9. Mua nước đóng chai mỗi ngày
Những người uống nước đóng chai nước chú ý: Không chỉ đang phá hủy trái đất, bạn còn đang lãng phí tiền của mình. Nếu bạn khăng khăng chọn một chai dùng một lần mỗi khi đến cửa hàng, bạn sẽ tiêu tiền một cách không cần thiết.
10. Tắm vòi hoa sen thật lâu và nước thật nóng
Cảm giác tắm nước nóng trong mùa đông thật dễ chịu, nhưng sau đó hóa đơn tiền điện của bạn sẽ không dễ chịu chút nào. Trên thực tế, nước nóng chiếm 12% hóa đơn năng lượng của một hộ gia đình.
Để tiết kiệm tiền và tiết kiệm năng lượng hơn, hãy nhanh chóng ra khỏi vòi sen, sử dụng bóng đèn led và đóng tủ lạnh khi bạn còn băn khoăn nên ăn gì.
Hoàng Anh (Theo Business Insider)
6 dấu hiệu bạn đang nhiễm 'virus nghèo khó'
Một người nghĩ mình nghèo thường cố chứng minh mình "không đến nỗi nào", mua quà đắt tiền, đãi khách bằng những đồng cuối cùng. |
Ngày đăng: 12:09 | 21/05/2019
/ VnExpress