Hồi những năm 60-70 của thế kỉ trước, mùa cưới ở Hà Nội thường là tiết cuối thu, chớm đông. Khi gió heo may chuyển mùa se lạnh là lúc nhiều cặp uyên ương chuẩn bị cho hạnh phúc lứa đôi. Đám cưới hồi ấy thường được tổ chức theo lối đời sống mới, nghĩa là không có tiệc mặn mà đa phần chỉ bánh, kẹo, thuốc lá, chè mạn, liên hoan văn nghệ…
Một đám cưới khá sang trọng thời bao cấp |
Mùa chim làm tổ
Những tháng vào vụ cưới, các dịch vụ ăn theo bắt đầu trở nên nhộn nhịp. Đầu tiên là phòng cưới cho thuê. Những phòng cưới sang trọng nằm trên phố Bà Triệu như: Trăm Hoa, Hòa Bình hay phòng cưới Phú Gia trên phố Hàng Trống… luôn kín chỗ. Muốn thuê thì phải đặt trước 1-2 tháng. Còn lại đa phần được tổ chức ở các hội trường cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… Tiếp đến là các dịch vụ cho lễ ăn hỏi. Các cửa hàng làm bánh cốm, bánh xu xê (hay phu thê), bánh đậu xanh trên phố Hàng Than cũng luôn tấp nập. Các cửa hàng may đo áo dài cô dâu trên đường Lương Văn Can, Cầu Gỗ, Hàng Gai thì làm việc hết công suất.
Ngày ấy, đám cưới luôn phải chuẩn bị trước hàng tháng trời. Gia đình nhà trai lo đi sắm sửa, mua bán theo tiêu chuẩn do Nhà nước quy định. Đầu tiên phải mang giấy đăng ký kết hôn kèm theo hộ khẩu đến công ty kinh doanh đồ gỗ mua chiếc giường đôi, loại giường giẻ quạt đóng bằng gỗ tạp, quét phẩm đỏ thay cho đánh véc-ni. Khéo chọn thì được đôi dát giường phẳng, không thì toàn là dát vênh như chiếc bánh đa.
Rồi được mua màn tuyn, vỏ chăn hoa, ruột chăn bông, đôi chiếu hoa, xô đựng nước, bếp dầu, chậu tắm dành cho em bé, 5m vải phin trắng và mấy mét vải xô cho phụ nữ dùng… theo đúng tiêu chuẩn. Vài ngày trước lễ cưới thì đôi bên gia đình đến các quầy bách hóa để mua bánh, kẹo, thuốc lá, chè gói theo tiêu chuẩn. Cũng cần nói thêm, các mặt hàng phân phối phục vụ cho liên hoan, tiệc cưới, luôn được ưu tiên loại chất lượng ngon như bánh quy gai, bánh vừng vòng, kẹo Hải Châu, thuốc lá thì có Điện Biên, Tam Đảo, Đ’rao giấy bạc.
Vào dịp này, bạn bè, đoàn thể đều xúm vào giúp đỡ cô dâu chú rể rất nhiệt tình. Nhóm trang trí phòng cưới sẽ đi thuê phông, mua giấy màu, xốp để về cắt chữ. Trên phông bao giờ cũng phải có đôi chim bồ câu chạm mỏ vào nhau cắt bằng xốp trắng tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu. Hàng chữ cắt dán cầu kì, nổi bật bao giờ cũng là “Chúc mừng hạnh phúc hai bạn” hay “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Đấy là tổ chức ở hội trường cơ quan, nhà máy, xí nghiệp thì phải tự túc chứ còn ở các phòng cưới cho thuê thì thường có đầy đủ từ phông, trang trí chữ, loa đài cho đến đĩa tách, chén uống nước, lọ cắm hoa thủy tinh. Các dãy bàn được trải khăn trắng, mỗi bàn một lọ hoa tươi mà chủ yếu là thược dược, đồng tiền điểm vài cành violet. Các đĩa bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí, thuốc lá được bạn bè cô dâu đến giúp bày biện.
Đám cưới thời trước không thể thiếu câu khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” |
Vũ khúc đoàn viên
Đến ngày đón dâu, những gia đình giàu có sẽ thuê vài xe ô tô con, theo sau là 2 chiếc xe khách hiệu Hải Âu chở gia đình nhà trai, nhà gái. Còn lại bạn bè cô dâu, chú rể phần đông là đi xe máy các thể loại như: Simson, Minks, Babetta, cá xanh, cá vàng (Peugeot)… bám theo. Họ cũng đủ kinh tế để thuê phòng cưới, ban nhạc sống, ca sĩ chuyên nghiệp về biểu diễn. Thường thì sẽ có một ông bầu chuyên làm công việc nhận hợp đồng tổ chức chương trình văn nghệ trong tiệc cưới.
Một ban nhạc đầy đủ nhạc cụ thường gồm 6 nhạc công: Accordeon, trống, Sacxophone, Clarinet, Trombet, Guitare hoặc Contrebass. Họ chủ yếu là dân chơi nhạc nghiệp dư, đôi khi cũng có một vài nhạc công chuyên nghiệp ở các đoàn ca múa đến kiếm thêm vào các buổi tối. Đám cưới có ban nhạc sống bao giờ cũng khiến không khí hôn lễ thêm sang trọng, hoành tráng.
Khi tiếng pháo nổ râm ran cũng là lúc cô dâu thướt tha trong tà áo dài trắng, tay ôm bó lay ơn khoác tay chú rể trong bộ complet màu tím than bước xuống ô tô cùng tiến vào phòng cưới. Đúng lúc đó, tiếng kèn Trombet và Saxophone nổi lên giai điệu Pasodoble rồi tiếp theo là Goodbye Shanghai, La Panoma… những bản nhạc rất thịnh hành cho đám cưới thời ấy. Đồ mừng tặng cô dâu, chú rể lần lượt được mang lên chiếc bàn phủ vải đỏ. Chúng thường là những bộ ấm tách sứ được bọc trong giấy bóng kính buộc nơ đỏ, hộp cốc thủy tinh, phích nước, chậu men, xoong nhôm… Không khí liên hoan hát hò đến tận gần khuya mới chịu tàn.
Tình nghèo
Ấy là đám cưới của những người có điều kiện, còn đám cưới nghèo thì lại khác. Tôi có dịp được mời đi dự đám cưới một người bạn với những sự tình trắc trở trong ngày đôi uyên ương nên duyên vợ chồng. Hai anh chị đều là giáo viên một trường trung học ven đô. Họ đã yêu nhau nhiều năm và hứa cùng nhau xây tổ ấm sống trọn đời. Nhưng khổ nỗi còn nhiều khó khăn phía trước.
Thứ nhất là gia đình cô gái nhất quyết không đồng ý cho kết hôn vì anh là dân tỉnh lẻ, thêm nữa hai anh chị đều nghèo, lương giáo viên ba cọc ba đồng, tiền đâu mà tổ chức đám cưới. Mối tình ấy tuy nhiên được các đồng nghiệp trong trường ủng hộ, vun vào. Thoạt đầu công đoàn trường đến gia đình nhà gái vận động nhưng không ăn thua. Song mọi sự cũng đi đến hồi kết. Cô gái quyết định cùng người yêu đến UBND xã xin đăng ký kết hôn, kèm theo giấy giới thiệu của nhà trường, chứng nhận cả 2 là giáo viên của trường và đều chưa có gia đình.
Để chuẩn bị cho ngày cưới, họ bàn nhau từ mấy tháng trước rồi lên kế hoạch mỗi kỳ lương, sau khi trừ tiền bếp ăn tập thể đi, số còn lại họ bỏ ống. Khi đã có khoản tiết kiệm kha khá, đôi bên ấn định ngày lên xe hoa. Công đoàn trường lại đứng lên lo liệu từ A đến Z. Đầu tiên là “tổ ấm”. Với sự giúp đỡ của Ban giám hiệu, công đoàn trường đi đến quyết định phân cho anh chị 1/2 căn phòng rộng 12m2 mà một giáo viên nam đang ở. Trước ngày cưới vài tuần, mấy người bạn mua tre, cót ngăn thành 2 phòng. Diện tích như vậy thì cũng chỉ đủ để kê cái giường đôi và bộ bàn ghế con. Nhìn căn phòng hạnh phúc, anh chị mừng rơi nước mắt, phấn khởi thầm cảm ơn lãnh đạo nhà trường chu đáo.
Nơi tổ chức đám cưới cách khu tập thể trường khoảng 3km. Đấy là hội trường của một xí nghiệp kết nghĩa với nhà trường, vì vậy mà bàn ghế, khăn trải, cốc tách, lọ hoa, phông bạt… đều được phòng hành chính xí nghiệp cho mượn chứ không phải thuê. Đôi bạn bận rộn nhất là đi mua sắm đồ dùng tiêu chuẩn ngày cưới, nhất là chiếc giường cưới mua tận xí nghiệp gỗ mà phải đi lại đến 3 lần mới có hàng ưng ý, còn đâu toàn loại tồn kho, hầu hết đã mối mọt, cong vênh.
Đồ dùng mua theo tiêu chuẩn cưới được giá ưu tiên nên không tốn kém mấy, nhưng với lưng vốn của đôi giáo viên nghèo thì vẫn phải tính chi ly từng đồng mới đủ. Thiếp cưới mua loại rẻ nhất ở cửa hàng tạp hóa. Hoa tươi thay bằng hoa giấy. Tiêu chuẩn thuốc lá mỗi loại được mua 1 tút loại có giấy bạc, nhưng anh chỉ để lại tút thuốc Tam Đảo và Đ’rao để mời khách, còn tút Thăng Long và Điện Biên mang bán lấy tiền dùng vào việc khác. Mấy gói chè Hồng Đào cũng để lại và thay vào đó là chè lạng Phú Thọ. Trước ngày cưới 1 hôm, bố chú rể đi tàu hỏa từ quê mang theo đôi gà và vài cân gạo cho con trai. Do chỗ ở trong trường chật chội, thu xếp mãi anh mới tìm được cho bố chỗ ngủ qua đêm ở thư viện trường sau khi xếp 2 chiếc ghế băng ốp vào nhau.
Rồi ngày trọng đại đến. Hôm ấy là tối thứ bảy, một ngày đẹp trời tiết chớm đông se lạnh. Cô dâu, chú rể được 2 người bạn chở trên 2 chiếc xe máy. Cô dâu mặc áo dài trắng, tay ôm bó lay ơn, chú rể cũng áo vét tím than, sơ mi trắng, cà vạt. Theo sau là các bạn hữu trên vài chục chiếc xe đạp đưa dâu. Tiếng pháo nổ vang rền phủ thắm cửa hội trường. Không khí rộn ràng từ lúc cô dâu chú rể bước vào hôn trường.
Anh thợ ảnh nghiệp dư là giáo viên cùng trường loay hoay với chiếc máy Goorki, cứ chụp được vài pô lại phải dừng vì không lên được phim. Cuối cùng cũng đến màn tặng phẩm. Đồ mừng là những chậu men, ấm tách, cốc thủy tinh, bát ăn cơm, xoong nhôm… trên dán chi chít hoa và những ngôi sao xanh đỏ bằng giấy trang kim. Sau phần văn nghệ “cây nhà, lá vườn”, đám cưới kết thúc trong không khí vui tươi, lành mạnh. Cô dâu chú rể lâng lâng trở về phòng uyên ương rộng 6m2 đã được các bạn gái trang trí rất đẹp và ấm cúng. Tiếc là không có kiểu ảnh nào chụp đôi vợ chồng trên chiếc giường cưới do máy ảnh bị hóc phim.
Xem loạt ảnh này mà rưng rưng nhớ thời bao cấp
Tem phiếu mua thịt, mua vải, mua dầu, hình ảnh các cửa hàng mậu dịch, cảnh chen nhau xếp hàng nhận đồ bao cấp... từ ... |
Ăn chơi thời bao cấp
Thành ngữ “Tay chơi Hà Nội” hẳn là chưa có tuổi đời lâu lắm. Nó sẽ chỉ được lưu hành công khai vào sau Cách ... |
Ngày đăng: 11:00 | 06/06/2021
/ anninhthudo.vn