Rất nhiều thanh niên miền Bắc lứa 7X còn nhớ, họ đến với tình yêu bóng đá từ truyện ngắn “Có một mùa bóng đá” của Lưu Văn Khuê.
Ra mắt cuối những năm 1980, cuốn sách của nhà văn đất Cảng Hải Phòng Lưu Văn Khuê đã tạo nên một “cơn sốt” trong giới nam sinh cấp 2, 3. Câu chuyện cuốn hút về những cậu học sinh mê bóng đá, với những trận đấu, giải đấu giữa các lớp, các trường, đan xen trong những tình huống quan hệ học đường, ứng xử giữa bạn bè, với thầy cô, phụ huynh đã khiến các độc giả nhí hết sức say mê.
Do thời những năm 1980, giới trẻ không có nhiều trò chơi, nên sách, truyện luôn được học sinh yêu thích. Cuốn Có một mùa bóng đá được những cậu học trò chuyền tay nhau đọc đến rách nát, kể cả những bạn không thích đá bóng.
Hình ảnh từ phim U14 đội bóng trong mơ dựng từ truyện Có một mùa bóng đá (trên) và hai cuốn sách bóng đá được yêu thích trước đây. |
Ai đọc cũng hồi hộp và thích thú thả mình sống cùng với các cầu thủ của phường Bạch Đằng trong truyện, với huấn luyện viên Lương cùng câu “chỉ đạo” cửa miệng: “Đá thoáng ra” nổi tiếng. Những nhân vật Hòa “ngố”, Tiến “đen”, Điệp “cẳng cò”, Duy “béo”, Sáng “Lomonosov” được miêu tả sinh động, gần gũi, càng khiến giới học sinh yêu thích. Đặc biệt, hành trình của đội bóng phường Bạch Đằng với những bất ngờ, trắc trở khiến người đọc hồi hộp theo dõi từng trang, rồi vỡ òa với cái kết như một giấc mơ.
Năm 2004, truyện ngắn này đã được dựng thành phim điện ảnh với tên U14 đội bóng trong mơ, nhưng không gây được nhiều tiếng vang như Có một mùa bóng đá hai mươi năm trước.
Những lớp độc giả lớn hơn sẽ nhớ cuốn truyện Hiệp đầu 0-1 của tác giả người Ba Lan Adam Bahdaj, được NXB Kim Đồng phát hành với bản dịch của Thanh Thủy. Câu chuyện trong sách cũng là hành trình đi cùng tình yêu thể thao chân chính của các cậu bé 13, 14 tuổi như Ma-nhút, Pê-rê-ca hay những cuộc cạnh tranh giữa các đội bóng thiếu nhi “Cơn lốc” và “Nữ thần cá”.
Dù ở lứa tuổi thiếu nhi, nhưng những diễn biến hấp dẫn trong và ngoài sân cỏ, có cả những mưu toan, biến cố, đến cách bảo vệ danh dự và đi đến chiến thắng của các cầu thủ nhí khiến người đọc bị cuốn hút từ đầu đến cuối.
Những năm 1980, độc giả cả nước đều yêu thích các tác phẩm của nhà văn châm biếm nổi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin. Bên cạnh các tác phẩm châm biếm, ông còn có một truyện vừa được người hâm mộ thể thao yêu thích, là cuốn Vua bóng đá. Cuốn truyện vẫn mang văn phong châm biếm đặc trưng của Azit Nexin, dựng lên câu chuyện về hành trình đặc biệt của một thanh niên hậu đậu, thiếu năng khiếu thể thao để đi đến vị trí một ngôi sao, thậm chí là ngôi Vua bóng đá.
Tuy vậy, câu chuyện cũng chỉ là cách để Azit Nexin vạch ra những mặt xấu của nền thể thao gắn liền với lừa dối và hạ thấp phẩm giá con người, một nền thể thao bị những kẻ giàu có lũng đoạn, đi ngược lại với khát vọng của đông đảo người hâm mộ và nhân dân.
Những bộ truyện tranh Tsubasa, Hậu Tsubasa, Jindo... thu hút lớp trẻ yêu bóng đá một thời. |
Đến đầu những năm 1990, khi trào lưu truyện tranh (manga) Nhật Bản tràn vào Việt Nam, lớp trẻ yêu bóng đá bắt đầu bị thu hút bởi chàng cầu thủ đội trưởng Tsubasa trong bộ truyện Tsubasa - Giấc mơ sân cỏ của tác giả Takahashi Yōichi. Đến nay thì tất cả người hâm mộ đều biết, tác giả lấy cảm hứng từ nguyên mẫu cầu thủ nổi tiếng Nhật Bản Kazu Miura.
Không chỉ giới trẻ Việt Nam, đến cả những danh thủ nước ngoài như Zinedine Zidane, Alessandro del Piero, Andres Iniesta đều cũng từng thừa nhận đã được truyền cảm hứng từ nhân vật đội trưởng Tsubasa trong bộ truyện tranh này. Từ bộ truyện Giấc mơ sân cỏ, cùng với những “anh em” của nó như Jindo - Đường dẫn tới khung thành, Jindodinho… mà hàng nghìn bạn trẻ đã quyết tâm theo đuổi đam mê với sân cỏ.
Gần đây, những cuốn tự truyện của các HLV, cầu thủ cũng liên tiếp được dịch xuất bản, như của Rio Ferdinand, Roy Keane, Sir Alex Ferguson, Jose Mourinho, Ibrahimovic... đều được đông đảo độc giả hâm mộ bóng đá đón nhận, nhưng không còn tạo những “cơn sốt” như các cuốn truyện kể trên.
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết, ở miền Nam trước đây, thanh niên mê bóng đá đều say mê với truyện vừa Bồn lừa. Không chỉ lớp độc giả thiếu nhi, đến người lớn mê bóng đá cũng yêu thích cầu thủ Bồn lừa với đôi chân ma thuật của Đội tuyển Thiếu niên Sài Gòn - người từng làm kinh ngạc cả vua bóng đá Pele!
Lọt ảnh nhạy cảm trong sách “Anh hùng Héc-quyn”: Cẩu thả với trẻ là khó chấp nhận “Cần phải cấm những hình ảnh khỏa thân, nội dung nhạy cảm trong sách thiếu nhi. Vì như thế là phản giáo dục”, nhà văn ... |
Nhan nhản truyện thiếu nhi “nhạy cảm”, phụ huynh hoang mang Từ cổ vũ bạo lực, dạy con trẻ nói dối, cho đến những hình ảnh nhạy cảm là những điều xuất hiện ngày càng nhiều ... |
https://news.zing.vn/nhung-cuon-sach-hap-dan-ve-chu-de-bong-da-post815279.html
Ngày đăng: 14:18 | 27/01/2018
/ Zing