Nếu vì đồng tiền, nếu đề cao thu nhập lên trên hết, sẽ không một giáo viên nào chọn nghề cả.
Làm nghề giáo là chia sẻ tình yêu thương và kiến thức (Ảnh minh họa).
Lương giáo viên từ khi vào ngành đã thấp cho đến khi về hưu vẫn chẳng hề có sự biến động đáng kể. Thế nhưng, xã hội vẫn tìm cách chỉ trích khi phụ huynh tri ân thầy cô bằng một hai món quà, khi giáo viên dạy thêm bằng chính chuyên môn của mình.
Nhiều giáo viên đã phải bỏ nghề vì không thể sống được bằng nghề, họ phải chấp nhận công việc như chế biến thuốc, tổ chức đám cưới, bán hàng online.
Chọn nghề giáo tưởng là nhàn hạ chỉ có quần áo tươm tất lên lớp giảng những điều hay lẽ phải.
Sự thật đằng sau mỗi tiết dạy trên lớp là vài ba tiết thầy cô dành thời gian chuẩn bị các loại giáo án khác nhau mà mỗi năm mỗi đổi thay. Các thể loại sổ sách, thủ tục hành chính đã chiếm lượng lớn thời gian dành cho việc dạy.
Một năm giảng dạy trôi qua rất nhanh bởi người giáo viên quay cuồng trong những đợt ôn luyện và thi cử của học sinh, thanh tra, kiểm tra của giáo viên.
Ngoài trường lớp người giáo viên còn có gia đình, ngoài học sinh người giáo viên còn có con cái, đôi khi họ chỉ được phép lựa chọn một bên thôi là nghĩ cho hạnh phúc bản thân hay lo cống hiến chuyên môn. Khi bản thân chưa lo được thì chuyên môn sao có thể vẹn toàn?
Người giáo viên đang phải từ bỏ cách dạy “thương cho roi cho vọt” để học cách yêu thương, dù học sinh có ngỗ ngược đến đâu. Lên lớp họ vẫn là những cô Tấm, những hoa hậu thân thiện dù có bị lấn át dù tri thức mà họ truyền đạt có bị xem nhẹ.
Mỗi phụ huynh đều có những đòi hỏi và kỳ vọng ở người giáo viên. Chúng tôi cũng coi học sinh như con của mình, cũng đau lòng khi học sinh của mình mắc lỗi, cũng cáu bẳn nặng lời khi học sinh cãi lại.
Chúng tôi luôn lấy việc dạy học làm người là cái gốc, luôn muốn học sinh không chỉ có tài năng mà còn có nhân cách. Nhưng, đó hoàn toàn không phải là gánh nặng mà người giáo viên phải chịu trách nhiệm. Các em cũng cần sự bao bọc yêu thương quan tâm của chính gia đình và xã hội.
Người làm nghề giáo viên mong mỏi sự thấu hiểu từ xã hội.
Có lẽ, bởi vì giáo dục chưa bao giờ được trả về với giá trị thực chất của nó, nên người thầy vẫn chưa bao giờ được là chính mình. Vẫn với những tiết dạy trình diễn, những điểm số cho vừa lòng nhau và những bài văn mà trăm bà ngoại như một.
Bản chất mỗi giáo viên đều rất ham học hỏi, say mê chuyên môn nên họ cũng sẵn sàng đổi mới kể cả là đổi mới quan điểm dạy học. Nhưng, đừng để giáo viên chỉ canh cánh nỗi lo bị sai, bị chỉnh, bị đánh giá và xử lý, kỷ luật.
Ngược lại hãy để giáo viên được làm thực chất có sai có sửa, hãy để giáo viên tin vào sự đổi mới và thấy được hiệu quả từ chính học sinh của mình.
Gác lại bộn bề lo toan cuộc sống, người giáo viên vẫn có những hứng khởi từ sự trưởng thành của các thế hệ học trò. Đôi khi sự tri ân chỉ là lời xin lỗi của một học trò hư sau nhiều năm ra trường, là lá thư người học trò gửi gắm bao tâm sự cảm xúc, là tiếng gọi thầy cô thân thương mỗi lúc hỏi bài chưa hiểu.
Chúng tôi, những người giáo viên cũng hiểu rằng chính những con người cao quý mới làm nên nghề nghiệp cao quý.
Phong bì ngày 20.11: Giáo viên muốn nhận, phụ huynh mới tặng được
“Ban đầu, việc tặng phong bì có thể xuất phát từ việc thuận tiện, dần dần nó khiến cho món quà mất hết ý nghĩa ... |
Những áp lực “bủa vây” nhà giáo trong xã hội hiện đại
Trong những ngày cả nước tôn vinh, tri ân đội ngũ làm nghề trồng người cao quý, bên cạnh những “dấu lặng” ngậm ngùi như ... |
http://www.nguoiduatin.vn/nhung-con-nguoi-cao-quy-moi-lam-nen-nghe-nghiep-cao-quy-a346328.html
Ngày đăng: 12:00 | 16/11/2017
/ Trịnh Quỳnh/nguoiduatin.vn