Bắc Đới Hà là khu nghỉ mát nổi tiếng của Trung Quốc, nhưng "nhiệt độ chính trị" tại đây sẽ tăng cao vào đầu tháng 8, khi các lãnh đạo tề tựu.
Cảnh quan Bắc Đới Hà. Ảnh: Kyodo. |
Từ năm 1953, các lãnh đạo đương chức và nghỉ hưu Trung Quốc bắt đầu tới Bắc Đới Hà, khu nghỉ dưỡng nằm cạnh biển Bột Hải, cách thủ đô Bắc Kinh 280 km về phía đông, vào mỗi mùa hè để trốn tránh cái nóng ở thủ đô và bàn bạc về những vấn đề quan trọng của đất nước.
Ông Mao Trạch Đông được cho là từng ở Bắc Đới Hà ít nhất 4 tháng năm 1954. Truyền thống này chấm dứt trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1969-1976), nhưng được nối lại vào năm 1984, khi ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu đi nghỉ hè ở đó.
Chính quyền Trung Quốc thường không thông báo chính thức về cuộc họp Bắc Đới Hà, nhưng sự kiện thường diễn ra vào đầu tháng 8. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác vắng mặt trong các bản tin hàng ngày trên truyền hình nhà nước, giới quan sát cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy hội nghị Bắc Đới Hà đã bắt đầu.
"Bắc Đới Hà là nơi các lãnh đạo cấp cao có thể gặp nhau trong các cuộc họp không chính thức để trao đổi quan điểm của họ về các chính sách lớn, do đó, sự kiện này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách của Trung Quốc", Alfred Wu, phó giáo sư tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore, nói.
Cuộc họp năm nay sẽ được theo dõi rất chặt chẽ vì giới lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt với một loạt thách thức chưa từng có. Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học King, London, cho biết ông tin rằng trọng tâm của cuộc họp năm nay sẽ là quan hệ Mỹ - Trung.
"Tôi cho rằng cuộc họp này sẽ tập trung nhiều vào các vấn đề bên ngoài hơn bao giờ hết, bởi hiện giờ ông Tập và các lãnh đạo khác cũng chưa biết nên đối phó với Mỹ như thế nào", Brown nói.
Cuộc họp Bắc Đới Hà diễn ra sau hơn một năm Mỹ - Trung ăn miếng trả miếng trong chiến tranh thương mại. Hai bên đã đánh thuế với hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, trong khi đàm phán thương mại trực tiếp chỉ được bắt đầu vào hai ngày cuối tháng 7.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý "đình chiến" khi gặp nhau bên lề hội nghị G20 hồi cuối tháng 6. Tuy nhiên, các đòn thuế quan đã gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế. Nếu cuộc chiến thương mại toàn diện xảy ra, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Quan hệ song phương cũng trở nên căng thẳng trên nhiều lĩnh vực như công nghệ, vấn đề Đài Loan, an ninh khu vực và toàn cầu. Mỹ đã liệt một số công ty Trung Quốc vào danh sách đen, bao gồm tập đoàn viễn thông Huawei, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng biện pháp tương tự nhưng hạn chế hơn.
Trên bề mặt, cuộc đối đầu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xoay quanh vấn đề công bằng thương mại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thực chất nó là một phần của cạnh tranh địa chính trị chiến lược giữa hai nước.
Từ khi nắm quyền, ông Tập đã công khai thể hiện tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc sánh ngang với Mỹ, khi tăng cường tuyên truyền về thành tựu của đất nước trên trường thế giới và các chính sách ngoại giao tranh giành ảnh hưởng quyết liệt. Có ý kiến trong nội bộ chính trường Trung Quốc rằng đó là yếu tố khiến mối quan hệ Mỹ - Trung xấu đi nhanh chóng trong những năm gần đây.
Cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ - Trung cũng phơi bày sự phụ thuộc của Trung Quốc vào khoa học và công nghệ nước ngoài, tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế và vị thế thực sự của Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Brown dự đoán rằng khi không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi làm thế nào để đối phó với những thách thức từ chính quyền Trump, ông Tập có thể chủ yếu dành thời gian tại Bắc Đới Hà để lắng nghe ý kiến từ các cựu lãnh đạo.
"Cuộc họp sẽ không phải là để chỉ đạo mà nghiêng nhiều hơn về hướng xác định mức độ nghiêm trọng của các vấn đề họ đang đối mặt với Mỹ và cách đối phó - nên tiếp tục cách tiếp cận thận trọng hay đi theo hướng quyết đoán hơn", Brown nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 8/2018. Ảnh: Reuters. |
Chuyên gia Alfred Wu nói rằng các cuộc biểu tình ở Hong Kong cũng sẽ là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của các lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Đới Hà năm nay.
Phong trào biểu tình ban đầu được tổ chức để phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi, nhưng trong vài tuần qua đã biến tướng thành phong trào phản đối trưởng đặc khu Carrie Lam được Bắc Kinh hậu thuẫn cũng như ảnh hưởng của chính quyền trung ương với đặc khu. Một số người biểu tình quá khích thậm chí đã tấn công văn phòng liên lạc của Bắc Kinh ở Hong Kong, điều bị chính quyền Trung Quốc đại lục lên án gay gắt.
Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể coi các cuộc biểu tình này là thách thức nghiêm trọng nhất đối với chính quyền trung ương kể từ khi Hong Kong được Anh trả lại cho Trung Quốc năm 1997. Bắc Kinh cũng lo lắng tình trạng bất ổn liên tục ở thành phố có thể làm tổn thương lợi ích quốc gia của Trung Quốc về kinh tế, chính trị và ngoại giao. Các lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thảo luận và xác định các biện pháp để đối phó với tình hình này trong thời gian ở lại Bắc Đới Hà.
Vấn đề Đài Loan cũng sẽ là chủ đề được quan tâm tại hội nghị này. Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đã xuống mức thấp nhất kể từ khi bà Thái Anh Văn, người không thừa nhận nguyên tắc "Một Trung Quốc", trở thành lãnh đạo hòn đảo từ năm 2016.
Dưới thời bà Thái, Đài Loan tăng cường mua sắm vũ khí cho lực lượng phòng vệ, thắt chặt quan hệ quân sự, an ninh với Mỹ. Bắc Kinh cảm thấy họ chỉ có hy vọng cải thiện quan hệ nếu Đài Loan có lãnh đạo mới trong kỳ bầu cử sắp tới.
Trong khi đó, chính quyền Trump coi đảng của bà Thái Anh Văn là đồng minh quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bắc Kinh lại hậu thuẫn ứng viên Quốc Dân đảng Hàn Quốc Du, thị trưởng Cao Hùng, người ủng hộ nguyên tắc "Một Trung Quốc". Bắc Kinh cho rằng nếu ông Hàn chiến thắng trong cuộc bầu cử, đó sẽ là cơ hội để quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đạt được tiến bộ.
Mặc dù đảng Dân Tiến (DPP) của bà Thái đã thất bại trước Quốc Dân đảng trong cuộc bầu cử địa phương năm ngoái, triển vọng tái đắc cử của bà đã gia tăng đáng kể vì lập trường cứng rắn của đảng này trước các lời đe dọa từ Bắc Kinh cũng như sự ủng hộ của họ với người biểu tình ở Hong Kong.
Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức sau 6 tháng nữa và các lãnh đạo Bắc Kinh trong cuộc họp Bắc Đới Hà nhiều khả năng sẽ phải thảo luận một số biện pháp để giúp ứng viên mình ủng hộ giành được thắng lợi.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng phải bàn bạc về các biện pháp phục hồi đà đi lên của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống mức 6,2% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 3/1992. Không chỉ vậy, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn dần dần giảm tốc trong thập kỷ qua, từ mức 14,23% năm 2007 xuống 9,5% vào năm 2011, 7,3% vào năm 2014 và 6,6% vào năm ngoái.
Xu hướng giảm này ngày càng rõ rệt từ năm ngoái và các số liệu mới nhất đang khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng khi nào mức tăng trưởng có thể chững lại, đòi hỏi phải có một cuộc "đại tu" cơ bản hệ thống kinh tế.
Các nhà phân tích tin rằng ông Tập sẽ sử dụng các cuộc họp ở Bắc Đới Hà để đạt được sự đồng thuận giữa các lãnh đạo đương chức và về hưu Trung Quốc về cách xử lý tác động chính trị từ cuộc chiến thương mại, cuộc biểu tình ở Hong Kong và các vấn đề cấp bách khác.
Tất cả những vấn đề này đều có ý nghĩa chiến lược đối với lợi ích và sự phát triển cốt lõi của Trung Quốc, liên quan đến việc liệu họ có thể đạt được hai mục tiêu lớn mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vạch ra là trở thành "xã hội khá giả" vào năm 2021 và biến Trung Quốc thành "một quốc gia giàu có, mạnh mẽ, dân chủ, văn minh và hài hòa" vào năm 2049.
Phương Vũ (Theo SCMP)
Thách thức ông Tập cần giải quyết trong cuộc họp kín ở Bắc Đới Hà
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các vấn đề y tế, tài chính trong nước có thể được bàn thảo tại Bắc Đới ... |
Vai trò của các cựu lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc họp kín ở Bắc Đới Hà
Các chính sách của ông Tập có thể bị cựu lãnh đạo mổ xẻ và yêu cầu thay đổi khi Trung Quốc đang trong căng ... |
Ngày đăng: 20:53 | 30/07/2019
/ vnexpress.net