Từ tháng 2, hàng hóa phải ghi rõ xuất xứ, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% sẽ được giảm xuống còn 8%...

Giảm thuế VAT xuống 8%

Theo Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện từ 1/2 đến hết 31/12/2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% sẽ được giảm 2% trong năm 2022, xuống còn 8%.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định giảm thuế VAT mà không phân biệt đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức hay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Do vậy, việc áp dụng giảm thuế sẽ không phân biệt phương pháp tính thuế là phương pháp khấu trừ hay phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu.

Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định trên. Thuế VAT được giảm trực tiếp ngay khi xuất hóa đơn.

Việc giảm thuế VAT sẽ không áp dụng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bên cạnh chính sách giảm VAT, Nghị định 15 cũng cho phép tính khoản chi ủng hộ, tài trợ phòng chống dịch Covid-19 vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022.

Không được viết tắt nơi sản xuất hàng hóa

Từ 15/2, Nghị định 111 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43 của Chính phủ về nhãn hàng hóa sẽ có hiệu lực. Nghị định mới sửa đổi, bổ sung nội dung về xuất xứ hàng hóa, trong đó tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình. Việc này phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ như "sản xuất tại", "chế tạo tại", "nước sản xuất", "xuất xứ", "sản xuất bởi", "sản phẩm của" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như "lắp ráp tại", "đóng chai tại", "phối trộn tại", "hoàn tất tại", "đóng gói tại", "dán nhãn tại" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.

Được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng

Từ 15/2, Nghị định 134 của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực thi hành.

Theo đó, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng. Cá nhân này cũng phải được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cũng phải hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Người lao động thời vụ được làm thêm đến 40 giờ mỗi tháng

Từ 1/2, Thông tư 18 do Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội ban hành quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng sẽ có hiệu lực.

Theo đó, thay vì 32, số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 mỗi tháng. Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần cũng tăng lên 72 một tuần (trước đây là 60). Tổng giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm trong một ngày không quá 12.

Hàng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người lao động. Chủ sử dụng phải bố trí để người lao động được nghỉ ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác...

Quan tâm chính sách Tết cho công nhân, đảm bảo an ninh trật tự Quan tâm chính sách Tết cho công nhân, đảm bảo an ninh trật tự

Ngay sau khi Công ty TNHH Pouchen Việt Nam ở phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai công bố mức thưởng Tết, chiều ...

Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 1/2022 Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 1/2022

Tuổi nghỉ hưu của người lao động tiếp tục được điều chỉnh tăng; tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu của tháng 12-2021 cho một ...

https://nghenghiepcuocsong.vn/nhung-chinh-sach-co-hieu-luc-tu-thang-2/

Ngày đăng: 08:06 | 01/02/2022

P.V (Tổng hợp) / Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống