Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhắc lại những năm tháng vinh dự và tự hào được là người chiến sĩ cận vệ, làm nhiệm vụ bên Bác, ông Lê Đình Uyển (87 tuổi) ở xóm Trung Thành, xã Phong Thịnh (Thanh Chương) không khỏi bồi hồi, xúc động.

Xa nhà 6 năm, vợ mới biết chồng đi làm chiến sĩ cận vệ

nhung cau chuyen xuc dong cua nguoi chien si bao ve bac ho
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh chung với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ (1/1/1962). Chiến sĩ Lê Đình Uyển (đứng thứ 3 từ trái sang, hàng sau cùng). Ảnh tư liệu do NVCC.

Trong ngôi nhà gỗ cũ kỹ giữa làng, vợ chồng ông Uyển vẫn sống bình dị như bao gia đình nông dân khác. Điều đặc biệt, gian ngoài của ngôi nhà ấy, treo trang trọng những tấm ảnh được chụp ở Phủ Chủ tịch đã nhuốm màu thời gian. Theo ông Uyển, đó là những kỷ vật quý giá còn lưu giữ được, trong những ngày ông là chiến sĩ cận vệ của Bác Hồ.

Vợ chồng ông cưới nhau năm 1951, sau đó, cả 2 vợ chồng đều thay nhau đi dân công hỏa tuyến, phục vụ các chiến dịch ở Tây Bắc, Thượng Lào… Đầu năm 1955, khi đang làm Trưởng công an xã ở địa phương, ông nhận được lệnh đi học ở trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh) rồi được điều về làm nhiệm vụ tại Cục Cảnh vệ, Bộ Công an, mà cụ thể là bảo vệ phủ Chủ tịch và bảo vệ Bác Hồ.

Do đặc thù nhiệm vụ trong điều kiện lúc đó, nên ông Uyển đi công vụ nhiều năm mà gia đình vẫn không hề biết ông làm việc gì, ở đâu. Khi cải cách ruộng đất diễn ra, do nghi ngờ ông Uyển đi tù nên gia đình ông bị địa phương quy kết vào “hàng phản động”. Ông Lê Đình Soán – anh cả của ông Uyển lúc ấy đang làm Chủ tịch xã thì bị bắt, bà Phan Thị Toan – vợ ông, đang nuôi 2 con nhỏ cũng bị triệu tập lên ban cải cách để giải trình.

Bà Toan nhớ lại: “Ngày đó, căng thẳng lắm, người ta cứ đổ oan cho gia đình tôi là phản động, nhưng tôi vẫn kiên quyết bác bỏ, bảo vệ danh dự đến cùng. Tôi hỏi lại ban cải cách “Các ông nói chồng tôi đi tù, thì giam ở nhà tù mô. Họ im lặng”.

nhung cau chuyen xuc dong cua nguoi chien si bao ve bac ho
Ông Lê Đình Uyển trong quân phục Đại tá công an. Ảnh: Huy Thư.

Cũng vì địa phương quy kết gia đình ông vào “hàng phản động”, nên ông Uyển cũng bị điều chuyển công tác, ông kể: “ Một buổi tối, đang lúc nửa đêm, tôi bất ngờ được lệnh rời khỏi đơn vị, thôi nhiệm vụ ở Phủ Chủ tịch, mà không biết lý do vì sao”. Nửa năm sau, khi nhận được lá thư của bà Toan gửi ra cho ông, viết kín 4 trang giấy, kể hết sự tình đau khổ, oan sai của gia đình mình trong cải cách ruộng đất, thì cũng chính là lúc ông được khôi phục lại công tác. Ông Uyển cho rằng: “Nhờ lá thư của bà Toan – mà trên Cục, trên Bộ đã hiểu rõ vì sao gia đình tôi bị quy kết “hàng phản động” nên đã khôi phục nhiệm vụ cho tôi”.

Tháng 3/1957, ông được về phép thăm nhà. Chấp hành nguyên tắc “3 không” của đơn vị (không nghe, không thấy, không biết), lần về quê ấy, ông cũng không “tiết lộ” thông tin gì, nên gia đình tuyệt nhiên cũng không thể biết được ông đi làm gì, ở đâu.

Bà Toan chia sẻ: “Hỏi thì ông không nói, viết thư thì cứ gửi theo hòm thư, thành ra lúc xong phép, ông đi, tôi cũng chỉ biết là ông đi làm nhiệm vụ”. Cho đến cuối tháng 12/1961, nhờ có một người trong làng làm việc ở Thị xã Vinh về nhà kể: “Tôi thấy tận mắt, ông Uyển ăn mặc lịch sự, chỉnh tề đi với Bác Hồ về thăm quê” mọi người trong nhà bà Toan và cả làng mới vỡ lẽ “từ trước đến nay ông Uyển đi làm chiến sĩ bảo vệ Bác Hồ”.

Những kỷ niệm không quên về Bác

Trong rất nhiều câu chuyện xúc động về Người thì lối sống giản dị, tấm lòng nhân hậu bao dung của Người chính là những câu chuyện khắc ghi trong ông cho đến bây giờ.

Ông Uyển kể, Bác rất tích cực trong việc rèn luyện sức khoẻ, sáng nào Người cũng dậy sớm, tập thể dục với anh em. Trong phủ Chủ tịch, buổi tối thứ 7, thường tổ chức văn nghệ hoặc chiếu phim, Bác đến khi đội ngũ đã chỉnh tề và thường nhắc anh em phục vụ chuẩn bị bánh kẹo để Người dành tặng cho các em nhỏ.

Ngày đó, nơi Bác ở cũng như phòng thư ký, những chiếc tủ đựng quần áo và tài liệu đều bằng gỗ, dùng đã nhiều năm, trông cũ kỹ, vì thế cơ quan cho thay mấy cái tủ sắt mới. Lúc về nhà, nhìn thấy những chiếc tủ mới, Bác hỏi ngay: “Ai đã thay cái này”. Cán bộ văn phòng đến báo cáo. Bác chỉ vào những chiến sĩ cảnh vệ và nói: Tủ gỗ nhưng chưa hỏng thì vẫn còn dùng tốt, cái cơ bản là con người. Hiểu ý Bác, cơ quan văn phòng đã chuyển những chiếc tủ gỗ về ngay chỗ cũ.

nhung cau chuyen xuc dong cua nguoi chien si bao ve bac ho
Vợ chồng ông Lê Đình Uyển đang sống giản dị trong ngôi nhà thuở hàn vi. Tuy cao tuổi, nhưng hai ông bà vẫn chăm làm vườn, trồng rau, cây cảnh… Ảnh: Huy Thư.

Bác sống giản dị, bữa cơm hàng ngày của Bác cũng chỉ có rau canh, cá kho, nhiều khi cơm còn độn ngô. Quần áo thì Người thường dùng mấy bộ đồ lụa nâu, có dây rút dài, bộ kaki đã cũ. Bác có cái quần đùi đã bạc màu, anh em phục vụ đưa đi nhuộm cho “mới”, lúc tắm, Bác bảo: “Ai thay quần của Bác thế”, chỉ khi nghe anh em thành thật: “Thưa Bác, cháu đưa đi nhuộm về đó ạ”, Bác mới chịu.

Bác thường đi đôi dép cao su có từ năm1947. Đôi dép này, Người thường đặt dưới chân cầu thang ở nhà sàn, để mỗi lần lên xuống, đi cho tiện. Anh em phục vụ thấy dép mòn đế, đã thay cho Bác một đôi mới, cũng để ở đó, nhưng khi vừa nhìn thấy, Bác đã nói ngay: “Dép này không phải của Bác”. Chiếc áo kaki, Bác mặc từ những năm đầu cách mạng, dù đã sờn cũ, nhưng Người vẫn không thay, Bác nói “Trong lúc nhân dân, bộ đội đang còn gian khổ, Bác mặc như thế này là sang rồi”. Mãi đến năm 1959 trong một chuyến công tác nước ngoài, Bác mới chấp nhận mặc bộ kaki mới”.

Ông Uyển nhớ có lần, Bác và mọi người chuẩn bị rời cơ quan về thăm một địa phương, trước lúc đi, một chiến sĩ tên Song (quê Nghệ An) diện chiếc áo khá đẹp, vừa nhìn thấy, Bác nhắc nhở liền: “Chú mặc như thế này là không phù hợp”, rồi Bác nói: về lâu, về dài thì được, chứ lúc này hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, nhân dân còn đói khổ, ăn mặc như vậy là xa lạ với dân, không gần gũi với dân thì làm sao mà làm việc được…" Biết bao lời dạy của Bác, ông và đồng đội luôn nhớ để đời.

Hai lần Bác Hồ về thăm quê hương (1957, 1961), ông Uyển đều có mặt trong đoàn cận vệ. 8 năm làm việc gần Bác, với ông Uyển “đó là những tháng ngày vinh dự và tự hào nhất của đời tôi”.

Về hưu năm 1990, người Đại tá công an ấy vẫn luôn khuyên răn mình và con cháu, hãy sống như lời Bác dạy: “Việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ cũng cố gắng làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ cũng hết sức tránh”.

(http://www.baonghean.vn/xa-hoi/201709/nhung-cau-chuyen-xuc-dong-cua-nguoi-chien-si-bao-ve-bac-ho-2840169/)

Ngày đăng: 08:36 | 03/09/2017

Báo Nghệ An /