"Gia đình tôi ở đây mấy đời rồi. Mang tiếng ở cạnh hồ thủy lợi, nhưng bị dự án chặn hết, mương cũng chẳng có, nước thì không chảy ngược lên được, chết khô!". Người dân sinh sống ven hồ chứa nước Đại Lải (Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) nghẹn giọng khi kể về những ngày phải sống trong cảnh "ở ngay cạnh hồ mà bị thiếu nước".
"Khát khô" bên bờ hồ thủy lợi
Dù sống ngay cạnh hồ chứa nước có diện tích lưu vực lên đến hơn 60 km2, nhiều người dân vẫn khẳng định thiếu nước canh tác nông nghiệp. Chuyện tưởng như đùa nhưng đã thực sự diễn ra đối với người dân thuộc xã Ngọc Thanh (Phúc Yên - Vĩnh Phúc ).
Theo người dân địa phương, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là bởi các dự án ven hồ đã bóp nghẹt nguồn nước, trong khi hệ thống thủy lợi không được chú trọng.
Trao đổi với PV Lao Động, bà T.T.L (người dân sống tại xã Ngọc Thanh) cho biết, thời gian qua gia đình bà và người dân địa phương đã trải qua tình cảnh rất tréo ngoe. Dù mang tiếng ở cạnh hồ thủy lợi nhưng chịu cảnh thiếu nước. Cây cối thì chết khô vì "khát".
Nhiều dự án lớn được triển khai quanh hồ thủy lợi Đại Lải. |
Theo bà T.T.L, vì không dẫn được nước về làm ruộng nên nếu trời mưa thì có nước, người làm ruộng được thu, không mưa thì lại chịu cảnh mất mùa. Chính vì vậy, nhiều người đã quyết định bán hết ruộng để làm công việc khác.
"Thực sự cũng vẫn làm cấy lúa các kiểu, nhưng không có nước thì lúa cũng lép hết. Chính vì thế, khi dự án đặt vấn đề mua đất, dân khổ mãi rồi nên đâm ra bán với giá rẻ bèo, bán có 5 triệu 1 sào đất. Tôi cũng bán hết sạch, chỉ còn lại ít đất thổ cư.
Bán xong tôi hối hận lắm, cha ông bao đời làm ruộng. Giờ bán đất không có để làm, con cái phải tha hương làm ăn, đằng nào thì vẫn khổ", bà T.T.L nói.
Tuy nhiên, người dân xã Ngọc Thanh cho biết, thiếu nước tưới tiêu không phải là hậu quả duy nhất của việc phát triển các dự án ven hồ. Theo đó, những dự án ven hồ Đại Lại khiến nước không những không "chảy ngược" để tưới tiêu được mà còn không thể chảy xuống hồ, gây nên tình trạng ngập úng khi mưa.
"Thời chưa xây dự án không bao giờ có chuyện ngập, mưa là thoát hết xuống hồ. Nhưng giờ trời mưa ở trên thì nước chảy xuống, ở dưới thì dự án chặn lại, không có lối thoát. Đường lớn đến mùa mưa là ngập hết, ngập đến bụng. Năm ngoái ai đi qua đấy là cháy bugi.
Nước ngập quá chúng tôi phải đi đường vòng rất xa, các cháu đi học lẽ ra chỉ 2km nhưng lại phải đi đến 5km. Vừa rồi đây có trận mưa là lại ngập rồi", bà Lĩnh (một người dân địa phương) chia sẻ.
Úng lụt cấp bách, chính quyền vẫn giải quyết theo "đường hành chính"
Trả lời phỏng vấn Lao Động về những phản ánh của người dân, lãnh đạo UBND xã Ngọc Thanh thừa nhận từng xảy ra tình trạng ngập úng do các dự án thi công, tuy nhiên không nói rõ tên dự án nào.
"Các dự án bắt đầu triển khai từ những năm 2002, xảy ra úng cục bộ thì vào cuối 2019. Việc thi công gây ách tắc cống tiêu, chúng tôi có gặp và có báo cáo đối với quản lý đường bộ, Sở GTVT và báo cáo theo đường hành chính là cơ quan thành phố, cấp tỉnh.
Ở đó là một hệ thống cống, tiếp giáp bờ rào mép ranh giới dự án, người ta thi công lấp đất lên, sau quá trình mưa thì gây tắc. Sau đó cũng khơi thông để người dân di chuyển", đại diện UBND xã Ngọc Thanh cho biết.
Nói về phản ánh thiếu nước tưới tiêu nông nghiệp từ khi các dự án tiến hành thi công, lãnh đạo xã Ngọc Thanh cho biết hiện "đã thu hồi 100% đất nông nghiệp ở khu vực này".
Hồ Đại Lải thuộc địa bàn xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 1.384 ha diện tích đất nông nghiệp, cấp nước thô cho công nghiệp, nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, phòng chống lũ lụt cho hạ du và phát triển du lịch.
Hồi tháng 2.2020, Tổng cục Thủy lợi đã Kiểm tra đột xuất các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc các doanh nghiệp đang có dự án kinh doanh, du lịch trong phạm vi hồ chứa nước Đại Lải.
Theo kết luận kiểm tra số 253/KL-TCTL-PCTTr của Tổng cục Thủy lợi vào ngày 20.2, các dự án Công ty TNHH Đại Lải, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đạt Tiến đã san nền, đo đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải.
Hồ Đại Lải thuộc địa bàn xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 1.384 ha diện tích đất nông nghiệp, cấp nước thô cho công nghiệp, nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, phòng chống lũ lụt cho hạ du và phát triển du lịch.
Hồi tháng 2.2020, Tổng cục Thủy lợi đã Kiểm tra đột xuất các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc các doanh nghiệp đang có dự án kinh doanh, du lịch trong phạm vi hồ chứa nước Đại Lải.
Theo kết luận kiểm tra số 253/KL-TCTL-PCTTr của Tổng cục Thủy lợi vào ngày 20.2, các dự án Công ty TNHH Đại Lải, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đạt Tiến đã san nền, đo đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải.
Nhóm PV
Những cánh đồng "khát khô" bên bờ hồ chứa nước Đại Lải
"Gia đình tôi ở đây mấy đời rồi. Mang tiếng ở cạnh hồ thủy lợi, nhưng bị dự án chặn hết, mương cũng chẳng có, ... |
Ngày đăng: 22:49 | 03/07/2020
/ laodong.vn