Cáo buộc Trung Quốc can thiệp bầu cử Mỹ, chạm trán tàu trên Biển Đông và vấn đề an ninh mạng đang khiến quan hệ hai nước thêm lạnh nhạt.
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 11/2017. Ảnh: AFP. |
Vượt ra ngoài vấn đề thương mại, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang trên nhiều mặt trận mà cả hai bên đều không muốn nhượng bộ. Mỹ trong vài quần qua tăng cường miêu tả Trung Quốc là một đối thủ nguy hiểm. Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ tháng trước, Trump cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào bầu cử giữa kỳ Mỹ. Vài ngày sau, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tiếp tục nhấn mạnh cáo buộc này nhưng không đưa ra bằng chứng, theo SCMP.
Hầu hết chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã không cố gắng can thiệp vào bầu cử Mỹ giống cách Nga bị cáo buộc với cuộc bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã chấm dứt một thỏa thuận về an ninh mạng đã được thống nhất giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama vào năm 2015. Họ một lần nữa cho đội quân tin tặc đi tìm kiếm bí mật thương mại của các công ty Mỹ.
Thỏa thuận giữa ông Tập và ông Obama năm 2015 không hoàn toàn dừng hoạt động gián điệp mạng nhưng đã giảm nạn ăn cắp tài sản trí tuệ phục vụ cho lợi ích cạnh tranh của các ngành công nghiệp Trung Quốc. Theo Dmitri Alperovitch, người đồng sáng lập công ty an ninh mạng CrowdStrike, thỏa thuận này đã hoàn toàn lui vào dĩ vãng.
"CrowdStrike có thể xác nhận rằng sau một thời gian giảm hoạt động đáng kể vào năm 2016, Trung Quốc đã trở lại là mối đe dọa xâm nhập lớn, xét về lượng hoạt động chống lại ngành công nghiệp phương Tây", Alperovitch viết trên Twitter.
Tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ lần đầu tiên dẫn độ một quan chức tình báo Trung Quốc có tên Yanjun Xu, người bị dụ sang Bỉ vào ngày 1/4, lầm tưởng rằng ông sẽ được giao bí mật thương mại từ các công ty hàng không Mỹ.
Các quan chức Trung Quốc mô tả những cáo buộc về Xu là bịa đặt, vô căn cứ và cảnh báo Mỹ nên "dừng các hoạt động hạ uy tín Trung Quốc và gây hại cho quan hệ Mỹ - Trung". Bắc Kinh cũng muốn Washington "bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh" và đối xử với sự phát triển của Trung Quốc bằng sự cởi mở và hợp tác.
Mỹ hồi cuối tháng trước áp mức thuế 10% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, đồng thời đe dọa đánh thuế với thêm 267 tỷ USD hàng hóa. Bắc Kinh đáp trả bằng cách tuyên bố mức thuế mới lên 60 tỷ USD hàng nhập khẩu Mỹ. Trước đó, hai bên đã áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa của nước đối phương. Washington cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ công nghệ. Nhà Trắng tin rằng các gói áp thuế lớn sẽ buộc Trung Quốc chấm dứt hành vi này.
Không chỉ thách thức Mỹ trong thương mại và gián điệp mạng, Bắc Kinh còn ra lệnh cho hải quân sử dụng chiến thuật quyết liệt hơn để ngăn chặn các tàu chiến Mỹ di chuyển gần những nơi nước này tuyên bố có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Ngày 30/9, tàu chiến Lan Châu của Trung Quốc áp sát tàu khu trục Mỹ USS Decatur ở khoảng cách chỉ vài chục mét. Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết chiến hạm này được Trung Quốc triển khai để cản trở tàu Decatur thực hiện quyền tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.
"Đó là một bước nhảy lớn trong phản ứng của Trung Quốc đối với các hoạt động tự do hàng hải", chuẩn đô đốc Mỹ về hưu Michael McDevitt nói. "Điều này cho thấy Bắc Kinh đã chán ngấy các hoạt động tự do hàng hải và chọn cách vi phạm bản ghi nhớ mà Mỹ - Trung đã thống nhất ba năm trước về cách hành xử khi các tàu chiến ở gần nhau".
McDevitt nói rằng động thái của Trung Quốc cũng vi phạm các thỏa thuận về trao đổi tín hiệu và một nghị định thư quốc tế về cách di chuyển trên biển. Đó là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không còn quan tâm đến việc tuân thủ các quy tắc hiện hành nữa, ông nhận xét.
Cố vấn an ninh quốc gia của Trump, John Bolton, tuần trước nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không chùn bước. Thông điệp của ông là chính quyền Trump cứng rắn hơn nhiều những người tiền nhiệm trong việc ngăn chặn Trung Quốc viết lại trật tự quốc tế cho phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh. "Họ chưa bao giờ thấy một tổng thống Mỹ cứng rắn như vậy", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng khẳng định rằng họ sẽ không nhượng bộ và thề sẽ đáp trả mọi động thái "khiêu khích" về thương mại của Washington.
Nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh Hua Po nói rằng Trump dường như muốn "chiến đấu trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới" với Trung Quốc, nhưng ông cho rằng Trump sẽ không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các đồng minh, đặc biệt là ở châu Âu.
Ông Trump và ông Tập có thể gặp nhau tại hội nghị G20 ở Argentina vào cuối tháng 11. Giới chuyên gia đánh giá đây có thể là cơ hội để thiết lập lại quan hệ nhưng cảnh báo rằng việc này sẽ đối mặt nhiều khó khăn.
"Ngay cả khi vấn đề thương mại được giải quyết, các vấn đề khác giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục tồn tại", Hua nói.
"Bắc Kinh tin rằng Washington đang muốn kiềm chế sự trỗi dậy của mình. Vì vậy, họ có thể không mặn mà với việc đáp ứng yêu cầu của Trump về thương mại hoặc các vấn đề khác", Ryan Hass, chuyên gia tại Viện Brookings, nhận xét.
"Ít khả năng một trong hai bên sẽ điều chỉnh cách tiếp cận của họ theo hướng ôn hòa hơn trong tương lai gần", ông nói.
Cú "xoay trục" của Duterte giữa cuộc đấu Mỹ - Trung
Thất vọng với cách hành xử của Trung Quốc, Philippines đang dần đặt niềm tin vào đồng minh Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. |
Ai đắc lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
Các đường nét chiến lược thương mại của Tổng thống Donald Trump đang dần lộ rõ. Nhiều đối tác thương mại của Mỹ phải đối ... |
Ngày đăng: 14:39 | 18/10/2018
/ VnExpress