Đi trên các tuyến đường quốc lộ ở nước ta, đôi khi chúng ta nhìn thấy những cổng chào hoành tráng bắc ngang đường.

Chúng cho biết chúng ta chuẩn bị đi vào địa phận tỉnh nhà và tỉnh nhà lịch sự “Kính chào quý khách”. Nhiều hơn các cổng chào tỉnh là các cổng chào thành phố, cổng chào huyện, cổng chào xã. Có vẻ như chúng ta có một “nền cổng chào”.

Trong các chuyến đi du lịch ở nước ngoài, tôi thường thuê xe tự lái. Trên các cao tốc tôi đã đi từ bang California sang bang Nevada ở Mỹ, từ nước Bỉ sang nước Pháp, từ nước Estonia sang nước Latvia… tôi không nhìn thấy cổng chào bang, cổng chào nước nào cả. Các thành phố, các khu du lịch quốc gia cũng không có cổng chào. Chỉ có các biển báo địa danh theo quy chuẩn biển báo giao thông ở bên lề đường, đôi khi có kèm chữ “Welcome”.

Những nơi đó không có cổng chào không phải vì họ nghèo hoặc không mến khách. Họ giàu hơn chúng ta nhiều và họ cũng rất mến khách. Nhưng họ tiết kiệm, việc gì không thực sự cần thiết thì họ không làm, để tiền làm những việc thực sự hữu ích cho người dân của họ.

Mỗi cổng chào ít nhiều đều tốn tiền. Cổng chào tỉnh ở nước ta có cái tốn vài trăm tỷ đồng, có cái tốn ít hơn, nhưng cũng cỡ mấy tỷ đồng. Các cổng chào thành phố, cổng chào huyện, cổng chào xã cỡ mấy trăm triệu đồng. Nếu tính trên phạm vi cả nước, số tiền chi ra cho các loại “cổng chào địa phận” chắc không phải ít.

Tôi biết một chương trình từ thiện rất ý nghĩa, là chương trình “Nhà chống lũ”. Mỗi năm chương trình này quyên góp được trên dưới 10 tỷ đồng để xây những căn nhà kiên cố cho người dân nghèo ở những vùng thường xuyên bị lũ lụt, để họ không phải sống trong những căn nhà tồi tàn, ọp ẹp, có thể bị lũ cuốn trôi bất kỳ lúc nào. Đến nay “Nhà chống lũ” đã xây được hơn 500 căn nhà cho bà con nghèo và đang nỗ lực hơn.

Tôi biết chương trình “Cơm có thịt”, với mục tiêu rất giản dị là mang đến cho trẻ em nghèo vùng cao những bữa ăn trưa có thịt, vừa để các em khỏe mạnh hơn, vừa khuyến khích các em đến trường học chữ. Ở một số nơi cơ sở vật chất nhà trường quá tồi tàn, chương trình “Cơm có thịt” tài trợ tiền để cải tạo nâng cấp hoặc xây trường mới.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 30 năm Đổi mới, nước ta vẫn còn không ít người nghèo cần được xã hội chung tay giúp đỡ, đặc biệt là trẻ em ở một số vùng nông thôn, miền núi ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, học ở những ngôi trường ọp ẹp.

Nghĩ đến những điều đó, tôi bỗng thấy nhiều thứ cổng chào ở nước ta lạc lõng, lạnh lùng. Giá mà số tiền này dùng xây trường học cho trẻ em vùng cao? Giá mà số tiền này dùng xây nhà ở cho bà con vùng lũ? Giá số tiền này dùng làm những việc khác hữu ích cho người dân? Không được nhiều nhưng chắc chắn nó thể hiện một thái độ, về việc đề cao thực chất hay hình thức. Tôi thấy thích sự giản dị ở những biên giới bang, biên giới nước mà tôi đã có dịp đi qua ở nước ngoài. Không thích thú gì khi phải lái xe chui qua một cái cổng che bớt tầm nhìn.

Tôi không thấy các cổng chào địa giới như ở nước ta có nhiều ý nghĩa. Khi thế giới đang trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, biên giới quốc gia ở một số nơi chỉ là một vạch kẻ, việc dựng lên những cái cổng chào to đùng bắc ngang đường như để nhấn mạnh tính địa phương trong cùng một quốc gia có vẻ như không ăn nhập với xu thế chung của nhân loại. Thậm chí có khi chúng còn cổ vũ cho văn hóa địa phương chủ nghĩa, “phép vua thua lệ làng”.

Và cũng nên nghĩ xa hơn: khi bị bão, động đất, một số cổng chào chẳng may đổ sập và gây tai nạn cho người đi đường; ít ra là cản trở giao thông, tốn thời gian, công sức tháo dọn.

nhung cai cong chao Đầu năm bàn chuyện cổng chào, nợ công

Những hình ảnh về cổng chào của một số địa phương vừa được các kênh truyền thông đưa lên khiến ai cũng phải giật mình. ...

nhung cai cong chao Xã dựng cổng chào hơn 4 tỷ đồng ở Nghệ An

Một xã ở Nghệ An dựng cổng chào đồ sộ bằng gỗ quý từ tiền đóng góp của người dân xa quê.

Ngày đăng: 11:30 | 10/01/2018

/ Lương Hoài Nam/VnExpress