Thêm một khoảng mờ của lịch sử về những ngày cuối cùng của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam được chiếu rọi. Đó là giá trị lớn nhất của cuốn \"Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hoà\".
LTS: Cuốn "Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội xuất bản nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019) vừa ra mắt bạn đọc. Sách dầy 312 trang, khổ 16x24cm. Báo Điện tử Tổ Quốc trân trọng chuyển tới bạn đọc bài viết của Tiến sĩ, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Tổng Biên tập Tạp chí Phương Đông bàn về giá trị của cuốn sách đặc biệt này.
Thêm một khoảng mờ của lịch sử về những ngày cuối cùng của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam được chiếu rọi. Đó là giá trị lớn nhất của cuốn "Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hoà". Hơn 300 trang sách gồm những tài liệu nguyên bản tuyệt mật và nhiều bức ảnh chụp tại trận về các toan tính, quyết sách và hành động của những người đứng đầu bộ máy chiến tranh của nước Mỹ trong chuỗi ngày sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, nói lên điều gì?
Bìa cuốn sách
1- Nhiều cuộc chiến tranh, trong đó kể cả cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp tại Việt Nam và của Mỹ tại Triều Tiên v.v.v, sự thắng trận và sự thất bại của các bên là rõ ràng trên thực tế. Nhưng phải thừa nhận rằng, có rất ít tài liệu nguyên bản tin cậy để có thể hiểu rõ nội tình về diễn biến những ngày cuối cùng trong bộ máy của các thế lực đã phát động cuộc chiến tranh – với người Pháp là trước chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với người Mỹ là trước Hiệp định đình chiến phân chia gianh giới hai miền Nam, Bắc Triều Tiên. Chính vì vậy, phải hơn 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, với sự chủ trì biên dịch của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội, cuốn " Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hoà" được xuất bản, người đọc mới được biết tường tận về nội tình giới chóp bu Mỹ trong những ngày sụp đổ cuối cùng của cuộc chiến tranh (cho tới thời điểm kết thúc) là dài nhất trong lịch sử mà nước Mỹ đã dính líu, đã phát động và tiến hành.
Hàng nghìn lính Việt Nam Cộng hòa chen chúc nhau bỏ chạy trên một con tàu ở Vịnh Cam Ranh ngày 30/4/1975
Đó là những bản dịch toàn văn biên bản các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ do Tổng thống Mỹ Gerald Ford chủ trì. Tham dự có Phó Tổng thống Rockefeller, Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger, Chủ tich Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Đại tướng George S.Brown, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương (CIA) Wiliam Colby, Phụ tá Tổng thống về an ninh quốc gia Trung tướng Brent Scorwcorft và Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc. Với hình thức biên bản nên các văn bản trên ghi đầy đủ , trung thực ý kiến phát biểu của từng nhân vật chủ chốt trong bộ máy chiến tranh của Hoa Kỳ về các vấn đề, sự việc nóng bỏng trong phút sinh tử được đặt ra trên bàn nghị sự các cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Vì vậy, các biên bản này cung cấp cho người đọc rất nhiều thông tin, và đó là những thông tin gốc, từ nhiều góc độ, được lật đi lật lại, soi rọi các sự việc, các quyết định của những nhân vật chóp bu và những nhân vật liên quan trực tiếp tới chiến tranh Việt Nam của phía Hoa Kỳ trong phút sụp đổ cuối cùng.
Ngoài biên bản các cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia còn có Bản ký âm các cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ Gerald Ford với Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger, giữa Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger với Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger; các bản phúc trình của Trưởng trạm CIA tại Sài Gòn Tom Polgar, Phó Trưởng trạm CIA tại Sài Gòn Conrad Edward LaGueux, các báo cáo của Đại diện Ngoại giao Mỹ tại tỉnh Phú Bổn, của Lãnh sự Mỹ tại Nha Trang, Văn thư báo cáo về Cuộc thăm viếng và Báo cáo tình hình tại chiến trường miền Nam Việt Nam ngày 4-4-1975 của Đại Tướng Fred C. Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ v.v.v…
Những tài liệu liệt kê trên đây là những tài liệu tuyệt mật do phía Hoa Kỳ giải mật vào năm 2015, sau 40 năm kết thúc cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Việc chủ động sưu tầm từ nhiều nguồn và tổ chức biên dịch nguyên văn các tài liệu đó của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội đã mang tới một khối lượng đáng kể nhất từ trước tới nay cho việc tiếp cận của bạn đọc đối với các tài liệu nguyên bản tuyệt mật ( tính tới trước thời điểm được giải mật vào năm 2015) về cách thức mà người Mỹ đã hành động trong những ngày cuối cùng kết thúc cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Tối 28-4-1975: Nước Mỹ đã thua trận tại Việt Nam. Gánh nặng của thực tế đó được thể hiện rõ ràng khi Tổng thống Ford nói chuyện với Bộ trưởng Quốc Phòng Schlesinger và ra lệnh tiến hành cuộc di tản cuối cùng những người Mỹ ra khỏi Việt Nam.
2- Người Mỹ buộc phải chấp nhận thất bại, phải rút ra khỏi Việt Nam, phải chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng qua những Hồ sơ mật của Tòa Bạch Ốc được dịch nguyên văn và toàn văn giới thiệu trong cuốn sách này, ta thấy được người Mỹ đã toan tính những gì, đã chủ động tìm cách thu xếp thất bại của mình ra sao, tìm cách kết thúc chiến tranh như thế nào để cho nước Mỹ có thể hạn chế bớt những hệ lụy đau đớn của cuộc chiến tranh kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, với hơn 58.000 người Mỹ chết, 305.000 người Mỹ bị thương và tiêu tốn hàng trăm tỷ đô la.
3- Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng trong cuốn sách này cũng tiết lộ rõ, trong các phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ những ngày sụp đổ cuối cùng của chiến tranh, giới chóp bu của Tòa Bạch Ốc đã đánh giá như thế nào về lực lượng và sức tiến công vũ bão của Quân đội miền Bắc và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam; đã thừa nhận như thế nào về thất bại không thể cứu vãn của chủ trương "Việt Nam hóa chiến tranh", đã bất lực như thế nào về tốc độ sụp đổ kinh hoàng của quân đội Sài Gòn. Trong thế thất bại không thể cứu vãn, người Mỹ cố tìm cách làm chậm tốc độ sụp đổ, cố tranh thủ Quốc hội Mỹ khoản viện trợ quân sự hòng kéo dài sự hấp hối của quân đội Sài Gòn. Đồng thời người Mỹ cũng chủ trương di tản với toan tính được nêu rõ trong "Bản ghi nhớ thông điệp bằng miệng của Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford đến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev"được in trong cuốn sách này. Đó là: "Trong các tình huống hiện tại, mối quan tâm ưu tiên của chúng tôi (Hoa Kỳ - ND) là nhằm đạt được các tình trạng kiểm soát được, hầu sẽ cứu vớt được các sinh mạng và cho phép sự di tản tiếp tục các công dân Hoa Kỳ và những người Nam Việt Nam mà với họ người Mỹ có một nghĩa vụ trực tiếp và đặc biệt. Điều này chỉ có thể đạt được xuyên qua một sự ngừng bắn tạm thời. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi Chính phủ của Liên Bang Xô Viết hãy sử dụng các ảnh hưởng của mình để đạt được một sự đình chỉ tạm thời cuộc giao tranh…Chúng tôi yêu cầu sự trả lời nhanh chóng nhất".
Trích đoạn viện dẫn trên đây, đặc biệt là nguyên bản toàn văn tài liệu này được giải mật in trong cuốn sách phần nói về mối quan hệ, nội dung trao đổi và sự "bắn tiếng "có tính thương lượng giữa những nhân vật cao cấp nhất trong chính giới Hoa Kỳ và Liên Xô được in trong cuốn sách này, giúp chúng ta hiểu thêm "bàn cờ nước lớn" trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Và qua đó, càng nhận thức rõ hơn về chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành lại trọn vẹn sự thống nhất giang sơn đất nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mỹ muốn lợi dụng Liên Xô để tiến hành an toàn cuộc di tản (tháo chạy khỏi Nam Việt Nam), hạn chế bớt thảm họa của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn) trong phút sụp đổ hoàn toàn; cố hạn chế thắng lợi của Việt Nam nhằm ngăn chặn sự nổi dậy và sức tiến công của phong trào cộng sản, trước hết là ở các nước Đông Nam Á. Trong phút sụp đổ cuối cùng, người Mỹ không chỉ cuống cuồng tháo chạy khỏi Nam Việt Nam mà họ cũng đã chủ động đi những bước đầu tiên cho kế hoạch hậu chiến nhằm ngăn chặn, tiếp tục chống phá Việt Nam lâu dài. Những người cầm đầu chính quyền Sài Gòn, tướng lĩnh quân đội Sài Gòn, những người Nam Việt Nam gắn bó trong bộ máy chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam mà "người Mỹ có một nghĩa vụ trực tiếp và đặc biệt" đã được người Mỹ cứu "càng nhiều càng tốt" trong cuộc di tản cuối cùng. Đấy chính là lực lượng nuôi dưỡng hận thù của các tổ chức và phong trào chống phá Việt Nam sau chiến tranh, ngăn chặn sự hoà giải dân tộc, hòng làm chậm bước phát triển của nước Việt Nam thống nhất.
Chiều 29-4-1975: Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kissinger xông vào phiên họp kinh tế của Tổng Thống Ford để thông báo với Tổng Thống rằng cuộc di tản khỏi Sài Gòn đã gần như hoàn tất.
4- Đặc biệt là phóng sự ảnh dưới tiêu đề ; "Từ Sài Gòn tới Nhà Trắng – Những gì tôi nhìn thấy khi Mỹ thua cuộc" của Daviid Hume Kennerly, nhiếp ảnh gia của Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã mang lại ấn tượng hết sức mạnh mẽ về những khoảng khắc cuối cùng của cuộc chiến thể hiện trên gương mặt đăm chiêu, căng thẳng, đầy biểu cảm lo âu của các nhân vật đứng đầu chính giới Hoa Kỳ. 39 bức ảnh chọn lọc được in kèm theo chú thích đầy đủ dưới từng bức ảnh như những tin ngắn thông tấn nói rõ hoàn cảnh và bối cảnh khi tác giả bấm máy. Đó là những bức ảnh chụp tại phòng họp Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, tại Văn phòng Nhà Trắng, tại Văn phòng Tổng thống Mỹ Gerald Ford, tại Văn phòng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Dinh Độc Lập, tại Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn v.v.v
5- Hơn 40 năm đã qua, nhiều tài liệu và nhiều bài báo đã viết về cuộc di tản cuối cùng của người Mỹ khỏi Sài Gòn, khỏi Nam Việt Nam. Với cuốn "Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng : Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hoà", từ Biên bản các phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, từ Bản ký âm các cuộc điện đàm của những nhân vật chủ chốt nhất trong bộ máy chiến tranh Hoa Kỳ, lần đầu tiên chúng ta được biết khá tường tận về bộ máy chiến tranh Hoa Kỳ gồm Tổng thống Mỹ Gerald Ford, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại Giao, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Tham mưu trưởng Lục quân, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đã bàn bạc, đã trực tiếp chỉ huy cuộc di tản như thế nào. Thêm vào đó là báo cáo của Trưởng trạm và Phó Trưởng trạm CIA tại Sài Gòn về những ngày cuối cùng của CIA tại Sài Gòn, đã bổ sung vào bức tranh di tản có một không hai của người Mỹ khiến nó hết sức cụ thể và vô cùng sinh động. Như người Mỹ tự đánh giá trong tài liệu có nhan đề "Bên trong cuộc di tản lớn lao, hỗn độn của Mỹ từ Sài Gòn" in trong cuốn sách này. Cùng với nó là cuộc trốn chạy khỏi Sài Gòn của Nguyễn Văn Thiệu được người Mỹ toan tính và thu xếp cụ thể ra sao, đã được chính những người trực tiếp can dự kể lại trong cuốn sách…
Cũng trong phút sụp đổ cuối cùng, Tổng thống Mỹ Gerald Ford và những người đứng đầu chính giới Hoa Kỳ và cầm đầu bộ máy chiến tranh của Mỹ đã lo lắng về "Hội chứng chiến tranh Việt Nam" rồi đây sẽ chia rẽ sâu sắc nước Mỹ; lo lắng thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam sẽ gây ra những phản ứng đổ vỡ dây chuyền đô mi nô, tác động tới phản ứng và thái độ của các nước, trước hết là các nước Châu Âu, Nhật Bản, Đại Hàn, Thái Lan, Cămpuchia và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) với Mỹ… Đó là tiền đề cho những âm mưu của Hoa Kỳ chống phá Việt Nam sau hậu chiến Việt Nam.
Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội đã thu thập, tích lũy được một khối lượng lớn thông tin và nhiều tư liệu quý gồm: Tư liệu lịch sử - Tư liệu chiến tranh – Tư liệu khoa học về các lĩnh vực nghiên cứu của Viện. Đặc biệt khối tư liệu lớn (gồm sách, tài liệu, phim ảnh, bản đồ...) về lịch sử, chiến tranh, kinh tế, chính trị, xã hội, quan hệ quốc tế... của Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, như của Liên Bang Xô Viết, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Pháp đã trở thành một Thư viện có tầm quốc gia phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của các học giả, chuyên gia và bạn đọc. Vì vậy, cùng với "Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng : Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hoà", độc giả sẽ có dịp đón đọc những cuốn sách tiếp theo của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội về những chặng đường lịch sử của đất nước./.
Phát hành cuốn sách về phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa Cuốn sách là những tài liệu tuyệt mật do phía Hoa Kỳ giải mật vào năm 2015, sau 40 năm kết thúc cuộc chiến tranh ... |
Việt Nam Cộng hòa đã chủ quan ở Buôn Ma Thuột Trước khi cuộc tấn công nổ ra, những hoạt động tình báo của hai bên đã diễn ra như thế nào và phía VNDCCH đã ... |
Ngày đăng: 23:24 | 23/04/2019
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng /