Nếu tính tiền lương theo giờ làm thì lương của những phụ nữ ở nhà nội trợ còn cao hơn các đức ông chồng...

Những "kẻ ăn bám" có "3 đầu 6 tay"

Chị Hợi (Cầu Giấy, Hà Nội) hơn 3 năm nay bị chồng và gia đình chồng coi khinh vì cái tội “chỉ biết quanh quẩn nơi góc bếp”.

“Bé thứ nhất nhà tôi mới gần 2 tuổi mắc bệnh lười ăn, còn bé thứ hai mới 2 tháng tuổi thì thường “ngủ ngày cày đêm”. Thế là nghiễm nhiên, chả cần phải ai bảo, việc thức trông con là chuyện của tôi, rồi phải trông bé lớn không quấy vào mâm cho người đi làm ăn cơm trước, phải làm tất tần tật việc nhà, và phải đảm bảo cơm dẻo canh ngọt cho người đi làm về ăn. Chẳng may người không khỏe thì cả chồng lẫn gia đình chồng mát mẻ “mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu mà cũng ốm thì là ốm kiểu gì, hay ốm lười?”, trong mắt họ tôi là người duy  nhất trong gia đình không bao giờ được phép ốm”, chị Hợi ngậm ngùi.

Chị Hợi thừa nhận rằng, trong hành trình cuộc sống của mình, quyết định khiến chị thấy hối tiếc nhất là chuyện nghỉ việc ở nhà chăm sóc con cái, làm nội trợ.

Chị Hợi vốn rất xinh đẹp, hồi mới cưới, chồng chị nâng niu vợ lắm, nhưng rồi chuyện con cái, công việc nhà khiến chị không có thời gian chăm sóc bản thân, lúc nào cũng trong tình trạng nhàu nhĩ khiến càng ngày chồng chị càng tỏ thái độ chán vợ.


Ban đầu chị Hợi cứ nghĩ, nghỉ việc, hi sinh sự nghiệp riêng, ở nhà chăm sóc chồng con là cách để hôn nhân vẹn tròn, chồng tu chí làm ăn và biết yêu thương, nâng niu những thiệt thòi của vợ, thế nhưng chị đã nhầm. Sau hơn 1 năm cáng đáng việc kiếm tiền chi tiêu cho gia đình, nuôi vợ nuôi con, anh Hoàng chồng chị không những không ghi nhận sự thiệt thòi của vợ mà còn ngày càng coi thường vợ.

Hi sinh sự nghiệp để ở nhà chăm lo cho gia đình, nhưng những người phụ nữ này vẫn không nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ chồng. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).

“Mỗi khi có chút hơi men là chồng tôi sẵn sàng gọi tôi là “đồ ăn hại”, “đồ phụ nữ vô dụng”, “đồ ăn bám” trước mặt họ hàng, người thân. Từ ngày tôi không đi làm, chỉ quanh quẩn ở nhà, đến chuyện mua sắm áo quần cũng hạn chế, ở nhà thì mặc mấy bộ đồ “thải” cũ mèm của cô em gái. Khi ra ngoài cũng chỉ là bộ đồ giản dị mua từ hồi còn đi làm. Cuộc sống của tôi từ lâu chỉ biết lấy niềm vui của chồng con làm niềm vui của mình.

Khi trong gia đình phát sinh thêm chi tiêu, tôi đề nghị chồng đưa tiền là anh ấy kêu: “Cô không đi làm cô không hiểu kiếm được đồng tiền khổ sở như thế nào đâu. Đúng là tôi đi làm bục mặt chỉ để nuôi cái đồ ăn hại như cô mà thôi”, chị Hợi trải lòng.

Lương của anh Hoàng mỗi tháng lên tới 30-40 triệu, nhưng mỗi tháng anh chỉ đưa vợ 5 triệu để chi tiêu trong gia đình và lo cho 2 con nhỏ. Số tiền anh bỏ ra đưa vợ chi tiêu chả đáng là bao, vậy mà khi nào anh cũng tính toán. Càng ngày chị Hợi càng thấy chán. Chị thấy mình ngu ngốc vô cùng, nhưng giờ con còn nhỏ, chả biết làm thế nào nên chị đành nhịn.

Chịu sự khinh rẻ của chồng thôi chưa đủ, gia đình chồng chị Hợi cũng coi chị như “con đỉa” đeo bám chồng.

“Bố mẹ chồng tôi không ít lần bóng gió rằng tôi ngồi mát ăn bát vàng mà không biết điều. Suốt ngày chỉ biết mở miệng ra là đòi tiền, kêu ca nọ kia trong khi ở nhà thì đâu có mệt như người đi làm?

 Trong mắt họ kẻ ăn bám như tôi thì vốn dĩ đâu có việc gì để làm? Nếu chuyện đánh thức các con dậy mỗi sáng để vệ sinh cho bọn chúng, thay bỉm, rồi nấu đồ ăn cho con, tranh thủ chờ đồ ăn chín, thì làm việc nhà, sau đó cho con ăn, cho uống, rồi trông con chơi, trong thời gian con chơi, tranh thủ đặt nồi cơm, nấu đồ ăn cho gia đình, con mà quấy thì tay bế tay nấu không phải là công việc thì đúng là, chúng tôi...làm gì có việc để làm. Đó là chưa kể, sau bữa trưa phải dỗ con ngủ, khi con ngủ thì chăm lo cho những thành viên khác. Phải nhớ sở thích của từng người để làm món ăn cho hợp khẩu vị, nhớ cả việc sắp xếp quần áo của từng thành viên trong gia đình thế nào cho hợp ý của họ. Tối đến sau bữa cơm, khi mọi người ngồi nhàn nhã xem ti vi, ăn hoa quả thì “kẻ ăn bám” phải tranh thủ làm vài việc, dọn dẹp căn bếp, rồi bao nhiêu thứ việc không tên khác.

Việc nọ chất chồng việc kia khiến chúng tôi bù xù, lôi thôi, và chúng tôi cáu gắt khó tính. Mệt mỏi là thế nhưng nếu chưa kịp làm việc gì là sẽ có câu hỏi: "Ở nhà làm cái gì mà còn chưa ...!", chúng tôi đâu có làm gì đâu. Chúng tôi rảnh quá mà”, chị Hợi bức xúc.

Ai trả lương cho chúng tôi?

Nhiều lần bị chồng mạt sát, đến một ngày vì chồng tỏ ý coi thường chị Hợi trong đám giỗ, ngay trước mặt bố mẹ hai bên và họ hàng nên chị không thể chịu đựng thêm được nữa.

“Chồng tôi bảo tôi là “hạng đàn bà chỉ biết cắm đầu vào mấy chuyện bỉm sữa lặt vặt mà cũng than mệt, có phúc mà không biết hưởng. Đúng là đàn bà điên”. Giới hạn nhẫn nhịn của mỗi con người không phải vô hạn, tôi ức quá mới quay ra bảo chồng: “Anh bắt tôi nghỉ việc, tôi ở nhà làm vợ, làm mẹ cho con anh, việc anh chu cấp tiền để tôi lo trong nhà là bổn phận và nghĩa vụ của anh, anh không làm cho tốt thì thôi còn phàn nàn cái gì?”. Thấy vợ bỗng dưng “bật tanh tách” như biến thành người khác, chồng tôi chỉ biết câm nín. Mà tôi nói đâu có gì sai”, chị Hợi kể.

Chị Hợi phân trần, các đức ông chồng cứ nghĩ ở nhà chăm lo gia đình là sướng, mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Thế nhưng các anh thử thay vị trí cho vợ 1 tháng thôi, đảm bảo 10 anh thì 8-9 anh than trời kêu đất, 1-2 anh còn lại là mệt quá không còn sức để mà...kêu than.

“Nếu tính tiền lương theo giờ làm hoặc theo đầu việc thì thu nhập của chúng tôi còn cao hơn các anh bởi giờ hành chính của các bà vợ ở nhà nội trợ không phải 8 tiếng mà gần 20 tiếng/ngày. Ngần ấy thời gian quần quật chăm sóc để các con khỏe mạnh, dọn dẹp nhà cửa thơm tho, áo quần các anh mặc phẳng phiu, ai trả lương cho chúng tôi.

Chúng tôi có đòi hỏi gì đâu ngoài sự đồng cảm của chồng, hành động yêu thương, trân trọng những gì chúng tôi đã hi sinh cho gia đình. Đừng cho rằng, chúng tôi ở nhà là tạo gánh nặng cho chồng, đừng vì cho chúng tôi miếng cơm, mà nghĩ chúng tôi ăn bám. Đừng khiến chúng tôi thấy hối hận như "đeo gông" vào cuộc đời mình vì ở nhà chồng nuôi”, chị Hợi bày tỏ.

Ngày đăng: 10:00 | 11/09/2017

PHONG LINH / nguoiduatin.vn