Thế kỷ XX, truyền hình có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Mọi người, mọi nhà đều xem truyền hình, tin tức và các chương trình giải trí, khoa học… đều đến với người dân từ truyền hình.
Các địa phương, quốc gia được kết nối với nhau qua các chương trình của các đài truyền hình. Việc phủ sóng truyền hình phụ thuộc vào hệ thống các cột phát sóng. Các nước đua nhau xây cột phát sóng, quy mô của cột phát sóng còn là niềm tự hào của các quốc gia.
Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, công nghệ truyền hình phát triển nhanh chóng, từ truyền hình cáp cho đến truyền hình kỹ thuật số rồi lại tới internet, và tiếp đó là sự xuất hiện của TV thông minh, đã tạo cho người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc lựa chọn chương trình.
Không dừng lại ở đó, công nghệ tiếp tục phát triển nhanh chóng, các thiết bị di động tiện ích như điện thoại, máy tính bảng đã dần thay thế TV. Việc sản xuất các chương trình tin tức, giải trí, phổ biến kiến thức, quảng bá sản phẩm cũng không còn là sự độc quyền của các đài truyền hình mà mọi người, mọi đơn vị đều có thể tham gia.
Giờ đây, người dân tiếp nhận thông tin bất cứ lúc nào, xem phim, nghe nhạc loại gì đều có thể lựa chọn thông qua điện thoại di động, máy tính bảng, thông tin được cập nhật từng giờ, thậm chí từng phút.
Trước đây, báo, đài là các phương tiện quảng cáo gần như duy nhất và giá thành quảng cáo sản phẩm rất cao được tính theo giây, theo phút. Ngày nay các nhà sản xuất có thể tự quảng bá sản phẩm của mình mà người ta cũng dễ tiếp nhận ngay trên điện thoại cá nhân. Việc tương tác thông tin giữa người quảng bá và người tiếp nhận cũng diễn ra dễ dàng. Người tiếp nhận có thể trao đổi về chất lượng, mẫu mã, mầu sắc, giá cả để quyết định việc có mua sản phẩm hay không.
Chính vì thế, đây là thách thức rất lớn đối với các đài truyền hình trên toàn cầu. Thực tế hiện nay là nhiều người không còn nhu cầu xem TV nữa.
Báo cáo về xu hướng tương tác TV thông minh mới nhất của Trung Quốc năm 2024 do Viện nghiên cứu công nghiệp Qianzhan công bố cho thấy, kể từ năm 2016 tỉ lệ kích hoạt TV của Trung Quốc đang ngày càng sụt giảm, năm 2024 tỉ lệ bật TV của Trung Quốc đã giảm xuống 30%. Kéo theo đó là lượng bán TV tại Trung Quốc cũng đang giảm mạnh. Nguy cơ của TV có thể cũng giống như máy ảnh được thay dần máy chụp phim, máy ảnh số rồi bằng điện thoại di động. Vì lẽ đó các đài truyền hình đang có sự điều chỉnh mạnh mẽ về quy mô, về chương trình, về thời lượng để có thể tài trợ khi nguồn thu ngày càng khó khăn và sự hữu ích với công chúng ngày càng suy giảm.
Trong khi đó ở nước ta dù truyền hình đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng các đài ít có sự điều chỉnh. Còn về phần nhà nước lại cho gia tăng thêm các kênh truyền hình như: Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội dù có rất ít người xem. Đã đến lúc phải tính toán lại, quy hoạch lại.
Ngày đăng: 20:41 | 13/06/2024
Hữu Lượng / PetroTimes