Học Phật mà không nhớ Phật thì nhớ ai? Tôi nhớ có lần thầy nói vậy khi nhắc các học trò của mình. Tôi đã đem câu nói đó vào trong đầu như một câu “chú” để mỗi ngày nhớ Phật, đi đường hay ngồi chơi cũng niệm Phật, kiến tạo bình an cho tự thân.
Nhớ Phật là nhớ...
Là nhớ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, vị thầy đã khai mở đạo mầu, người cách đây hai mươi sáu thế kỷ đã bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan đi tìm chân lý. Trên hành trình ấy, Ngài đã gặp nhiều vị thầy lúc bấy giờ và học được tất cả những giáo lý của họ, để rồi chính những vị thầy đó cung kính thỉnh Ngài ở lại tiếp quản giáo phái, nhưng Ngài vẫn quyết đi. Có lúc Ngài đã tu khổ hạnh đến sáu năm cùng với những người bạn tu của mình, để rồi Ngài ngộ ra, chân lý không có ở chỗ ép xác mà là ở con đường trung đạo.
Không quá chiều chuộng bản thân cũng không làm khổ bản thân mình quá, cứ thong dong thở nhẹ, bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) đều trong chánh niệm, tỉnh thức, thấy rõ các khổ, nguyên nhân và chuyển hóa các khổ để đạt được an lạc, giải thoát (Niết-bàn), chính là con đường mà mỗi người tu tập cần đặt chân vào để giải thoát ngay lúc đó.
Từ bỏ con đường tu khổ hạnh để ngồi thiền định 49 ngày dưới cội bồ-đề và nhận ra chân lý của Đức Phật là một bài học sâu sắc cho mỗi người học Phật hôm nay. Rằng, không có chuyện sống khổ cực, ép mình phải khổ cực, mệt mỏi ở đời này để đời sau được giải thoát, đạt được cảnh giới gì đó ở tương lai. Đối với giáo lý của đạo Phật, việc tu-học song hành và trên bước đường đó, hành giả sẽ giải thoát dần, tùy sự thực tập của mình để rồi đến lúc sẽ giải thoát hoàn toàn (chứng Thánh quả, Phật quả, bước ra ngoài sáu nẻo luân hồi).
Nhớ Phật, như thế có nghĩa là nhớ hành trạng mà Đức Phật đã đi trong suốt 80 năm trụ thế tại xứ sở Ấn Độ với bước đường dấn thân tìm đạo, từ bỏ những ham muốn thế gian, thuyết pháp hóa độ chúng đệ tử và kho tàng kinh điển mà Ngài đã để lại đến nay. Trong kinh Đức Phật nói, những gì Ngài nói như nắm lá trong tay, những gì Ngài biết như lá trong rừng. Ngày nay, kế thừa sự nghiệp tu-học-hoằng pháp của chư Tổ nhiều đời từ xứ Ấn đến Việt Nam, dù vậy, mỗi người con Phật vẫn còn mê mờ trên con đường sáng đẹp đó, dính mắc nhiều thứ vẫn chưa gỡ được.
Do đó, với việc ôn lại hành trạng mà Đức Phật đã trải qua mới thấy mỗi chúng ta còn khổ hoài là vì chưa buông-bỏ được như Ngài, chưa học được những điều Ngài dạy dù điều Ngài dạy rất ít so với điều Phật đã thấy (đã chứng). Nghĩ thế để tự thẹn với chính mình, nguyện với bản thân cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nỗ lực mỗi ngày bằng việc hàng ngày nhớ Phật để bớt nhớ lung tung, để gặp phải những cám dỗ nào cũng có thể vượt qua, gặp trắc trở nào cũng có thể đứng dậy, không ngừng quán chiếu nhân-duyên-quả để thấy được khổ, nguyên nhân của khổ, chuyển hóa một cách nhẹ nhàng, bình an - tĩnh lặng trước mọi lao xao bên ngoài.
Niệm Phật là đem Phật vào lòng
Tôi có một vị thầy thường khuyến tấn rằng: Con cố gắng thực tập niệm Phật mỗi ngày (Phật A Di Đà hay Phật Bổn Sư, Phật Dược Sư đều được). Theo thầy thì tất cả chư Phật trong ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) đều có giác tánh như nhau, mỗi người chúng ta cũng có giác tánh như Phật nhưng tại vì mình chưa khai mở, để hạt giống ấy lấp vùi dưới tầng sâu của tham-sân-si (tập khí nhiều đời).
Niệm Phật bất kể khi nào, khi đó, thầy bảo - là lúc mình đem Phật vào lòng, không phải chỉ hình ảnh của Ngài mà còn là Định-Tuệ sáng ngời của chư Phật để mình được theo gót quý Ngài.
“Chúng ta nói mình là con Phật thì niệm Phật là niệm thương yêu, hiểu biết, để từ đó có thể lắng nghe thật sâu sắc chính mình, lắng nghe được người và từ đó mở lòng ra, thương lớn hơn, đến khi tâm mình đồng tâm của Phật, của Bồ-tát”. Tôi nhớ mình đã từng nghe một bài giảng như vậy và thấm thía với chia sẻ của thầy.
Trên bước đường học Phật, đem Phật vào lòng bằng việc niệm Phật để có định, sinh tuệ là việc làm cần sự tinh tấn (thường xuyên). Có người tu học “bữa đực bữa cái”, đi chùa vài bữa, đi quán nhậu ba bữa - không thấy tiến bộ nên dễ nản. Việc tu thực ra cũng như việc lọc nước vậy, đối với nước không sạch, nhiều cặn bã thì cần một miếng lọc để ngăn lại, rồi mới có nước sạch. Tâm mình chưa trong nên cần sự thực tập gìn giữ giới (nguyên tắc đạo đức) để không buông thả, từ từ buông bỏ những thói quen xấu thông qua quy chuẩn của giới (ngăn cặn bã - gồm suy nghĩ, lời nói, hành động xấu ác lại). Thực tập hoài (giữ giới) thì tâm tĩnh lặng được biểu hiện (định), khi đó mới có thể thấy được như thật các biểu hiện nơi cuộc đời này.
Điều đó cũng được ví von dễ hiểu rằng, tâm ta như một lu nước chưa trong, khi đã lọc thì nước trong ra, mọi việc phản chiếu qua lu nước đó sẽ thật hơn, sáng hơn. Hay tâm ta như một mặt nước lao xao, chưa lặng, nên việc mình niệm Phật để định tâm cũng giống như làm mặt nước trở nên không gợn sóng, thì những vật gì qua mặt nước đó cũng rõ ràng hơn.
Thiền sư dạy, con người ta sống mà như đang “mộng” bởi vì không có chánh niệm, không có định-tuệ, nên thấy không thật, sinh ra đắm nhiễm, chấp chặt nhiều thứ, những thứ giả mà cứ cho nó là thật, thường còn nên mới khổ. Học Phật, nhớ Phật, niệm Phật đến khi an-định thì sẽ bớt mộng, sẽ có thể đi qua những vùng sóng gió của được/mất, thành/bại một cách vững chãi. Người học Phật khác người chưa học chính là ở trong hoàn cảnh nào cũng có thể thấy được lối đi thênh thang, vì lối đi của người học Phật không phải ở con đường êm ru bên ngoài mà ở sự vượt thoát, vượt thoát, qua bờ bên kia.
Bờ bên này là những xuống-lên bên ngoài làm cho bên trong mình cũng xuống-lên theo, còn bờ bên kia (giải thoát) chính là việc: tâm bình thế giới bình, tâm an vạn sự an. Khi đó, hành giả trải qua mọi chuyện giống như bao người khác nhưng sự cảm thọ thì không như vậy. Đó chính là một biểu hiện của bình an, mà người có bình an thì sẽ siêu được khi báo thân này xả, vì thấy rõ: thân tứ đại cũng như mọi thứ bên ngoài thuộc về danh, sắc, tài... đều chỉ là “đủ duyên thì biểu hiện, đồng thời đủ duyên thì biểu hiện ở hình thức khác”.
Ngộ lý duyên sinh (cái này có, cái kia có) thì người học Phật cũng sẽ thấy được, cái chết sẽ là một sự bắt đầu của quá trình sống khác, và thấy, sự xả bỏ thân tứ đại là một điều tất yếu thì sẽ nhẹ nhàng đến đi. Sự nhẹ nhàng ấy trong việc đối mặt với cái chết (vốn ai cũng sợ) chính là biểu hiện của sự giải thoát, giác ngộ.
Nhờ nhớ Phật, nghĩ tới Phật, niệm Phật, thực tập quán niệm giáo lý Bốn sự thật mầu nhiệm (Tứ diệu đế) mà ta có thể bình an trong mọi hoàn cảnh. Hay nói cách khác, hoàn cảnh sẽ không tác động được đối với người đã quán chiếu sâu sắc lý nhân-duyên-quả, hiểu được định luật duyên sinh, chấp nhận được sự hoại diệt như là quá trình thay một chiếc áo mới, không nặng nề với nó thì ngay lúc ấy đã có thể trú ngụ trong cõi lành (trong tâm) dù vẫn đang đi giữa cuộc đời này bằng hình tướng (thân tứ đại) như bao người khác.
Tóm lại, niệm Phật không phải là một sự cố gắng theo kiểu ép xác ngày đêm, cầu xin cứu vớt để khi chết mới được siêu (đi lên cảnh giới cao) mà là một cách kiến tạo bình an ngay khi còn sống, hàng ngày, hàng giờ bằng sự chánh niệm, bằng sự định tĩnh, sáng suốt, với tình thương lớn. Những người tu học theo Phật không thể là người “ráng chịu khổ lúc này để mai mốt sướng” mà là bất kỳ giây phút nào đang trải qua cũng đều có an lạc, hạnh phúc bằng sự vững chãi, thảnh thơi, an trụ trong giáo pháp đã học, đang hành.
Niệm thầm có tốt bằng niệm thành tiếng?
Trong công phu niệm Phật, có thể niệm thành tiếng hay niệm thầm, hoặc phối hợp cả hai. |
Niệm Phật có nghĩa là…
Có nghĩa là buông và bỏ. Buông và bỏ cái tôi và cái của tôi. Tất nhiên, muốn buông và bỏ được thì phải thực ... |
Tùy duyên thờ Phật
Tôi 23 tuổi, đã quy y Tam bảo và thường tìm hiểu Phật pháp. Nay tôi mới ra trường, đi làm xa nhà và rất ... |
http://giacngo.vn/tuvantamlinh/songdao/2017/02/01/565080/
Ngày đăng: 18:00 | 21/10/2017
/ Giác Ngộ Online