“Xưa nay, phải có người phi thường, mới lập được việc phi thường; có việc phi thường, mới có chiến công phi thường. Trong hành trình 60 năm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), chắc chắn đã có nhiều chiến công phi thường được tạo lập bởi những con người phi thường, với tình yêu nghề cháy bỏng và khối óc chỉ nhất nhất dành cho sự phát triển của ngành Dầu khí”.

Anh Lê Đắc Hóa - Giám đốc Ban điều hành dự án Lô 01-02 thuộc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã nói với tôi như vậy, mở đầu cho cuộc trò chuyện giữa chúng tôi, thay vì một cuộc phỏng vấn “chân dung nhân vật” mà tôi đã hẹn với anh trước đó.

Nhìn lại cuộc trường chinh đi tìm lửa hơn 60 năm qua của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước, Lê Đắc Hóa nói rằng, anh cảm thấy mình thật may mắn khi cũng đã có gần 20 năm nếm trải nhiều kỷ niệm vui buồn cùng với những con người phi thường như vậy. Đó cũng là lý do trong suốt buổi trò chuyện với tôi, anh ít nói về những gì thuộc về cá nhân. Xuyên suốt những câu chuyện đều là những ngày tháng đáng nhớ mà anh đã trải qua tại mỗi dự án, với những người lãnh đạo đã đặt hết niềm tin giao cho anh trọng trách và những người đồng nghiệp đã kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi cùng anh trên các công trường.

Giám đốc Ban điều hành dự án Lô 01-02 Lê Đắc Hóa chỉ đạo công việc tại giàn khai thác Lô 01&02

Tuy chỉ mới ngoài 40 nhưng anh Lê Đắc Hóa đã trải qua gần 20 năm gắn bó với ngành Dầu khí. Mười năm làm việc cho Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling), sau đó lại mười năm công tác tại PVEP, một nửa thời gian trong đó là những ngày tháng anh được rèn giũa ở hầu hết các dự án trọng điểm của Petrovietnam, từ Trung Quốc, Algeria, Singapore, Venezuela cho đến Peru. Anh nói, đó là khoảng thời gian rất quan trọng và không thể nào quên được của đời mình, là những năm tháng tuổi trẻ được sống hết mình, làm việc hết mình.

Tôi khá ngạc nhiên khi biết, năm 2006, khi mới 27 tuổi, Lê Đắc Hóa đã là Phó giám đốc PV Drilling tại Algeria. Và anh cũng là một trong số ít các kỹ sư Việt Nam được cử sang Trung Quốc thực hiện dự án đóng mới giàn khoan đất liền PVD 11, trước khi chuyển giàn khoan này sang Algeria để thực hiện chiến dịch khoan cho Dự án Bir Seba của PVEP.

Nói thêm về Dự án Bir Seba, đây là dự án thành công đầu tiên của PVEP cũng như của Petrovietnam tại nước ngoài từ khâu đầu tiên là tham gia đấu thầu quốc tế tới khâu thăm dò, do đội ngũ nhân sự PVEP trực tiếp điều hành giai đoạn thăm dò thẩm lượng, từ năm 2003 đến 2008. Anh Lê Đắc Hóa là một trong số ít các kỹ sư người Việt thực hiện chiến dịch khoan đầu tiên của PVD 11 trong những năm 2006-2008 trên khoan trường Bir Seba tại sa mạc Sahara.

Thời điểm này, PV Drilling còn phải thuê nhiều chuyên gia nước ngoài phụ trách ở những vị trí quan trọng trên giàn khoan. Nhưng đến chiến dịch khoan lần hai, tất cả những vị trí quan trọng nhất trên giàn đều do người Việt Nam đảm trách. Nghe thì tưởng đơn giản, nhưng đó là cả một câu chuyện dài về sự quyết tâm của ban lãnh đạo PV Drilling đã tin tưởng giao việc cho lực lượng kỹ sư Việt Nam. Điển hình như trường hợp của anh Hóa - một kỹ sư trẻ 27 tuổi, chỉ với 5 năm kinh nghiệm tại các dự án trong nước và 7 tháng kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài, lại được giao trọng trách lớn như vậy, đủ để thấy được sự quyết đoán, cũng như niềm tin mãnh liệt của ban lãnh đạo PV Drilling lúc bấy giờ.

“Và không phụ sự kỳ vọng ấy, tất cả các kỹ sư được trao cho cơ hội đều hừng hực quyết tâm, nỗ lực học hỏi không ngừng để chứng minh năng lực thực sự của mình hoàn toàn có thể đảm trách những vị trí quan trọng nhất trên giàn” - anh Hóa kể.

Cán bộ, kỹ sư dầu khí tại sa mạc Sahara

Quay trở lại câu chuyện, ba năm “quay cuồng” trong chảo lửa Sahara thực sự là khoảng thời gian khó quên với người thanh niên trẻ ấy. Những ngày đầu tiên khi Lê Đắc Hóa cùng một số anh em đồng nghiệp khác bước chân đến Algeria cũng là khi cái nóng ở đất nước này lên đến đỉnh điểm. Công việc lúc ấy thì bộn bề không sao kể hết; mọi công tác kỹ thuật, cơ khí, điện, nước, hậu cần tại công trường khoan giữa sa mạc đều phải được chuẩn bị sẵn sàng để đón giàn PVD 11, trong khi đội cán bộ, kỹ sư chủ chốt người Việt Nam chỉ khoảng 8-10 người, còn lại toàn bộ hơn 50 công nhân đều là người Ả Rập bản địa. Bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa khiến sự giao tiếp diễn ra vô cùng khó khăn, nên trong thời gian đầu, các kỹ sư người Việt Nam hầu như phải tự xử lý mọi việc lớn nhỏ trên công trường.

Trong quá trình làm việc ở xứ người, đặc biệt ở xứ đạo Hồi lại càng lắm gian nan. Anh kể, người Hồi giáo ở Algeria tính tình khá nóng nảy, thậm chí có phần cực đoan. Chưa kể, các nghi thức tôn giáo bắt buộc của họ diễn ra hàng chục lần trong ngày khiến công việc bị gián đoạn liên tục. Với một thanh niên trẻ chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống, lần đầu tiên tiếp xúc với một nền văn hóa quá khác biệt và lại cũng là lần đầu tiên hoạt động ở khoan trường sa mạc, gánh trên vai một trách nhiệm lớn khiến anh cảm thấy “sốc” và có phần mất phương hướng.

Giàn khoan PV DRILLING 11 tại sa mạc Sahara

“Nếu hỏi rằng tôi đã tích lũy được những kinh nghiệm gì trong thời gian làm dự án ở Algeria, thì có lẽ bài học lớn nhất chính là công tác dân vận” - anh hài hước nói. Bất đồng ngôn ngữ là một chuyện, nhưng để hiểu được tâm tư, tình cảm, văn hóa con người ở một đất nước hoàn toàn xa lạ lại là một câu chuyện khác, khó khăn hơn gấp trăm lần. Tìm hiểu văn hóa, phong tục địa phương, vận dụng tất cả kỹ năng giao tiếp mà mình có, cố gắng “hiểu” và đặt mình vào vị trí của họ, từ cách tiếp cận, tổ chức giao lưu văn hóa - ẩm thực, động viên khen thưởng, đôi lúc thậm chí là “năn nỉ” - như anh nói - sau một thời gian, những người công nhân bản xứ dần hợp tác hơn, chịu làm việc theo tiến độ phía Việt Nam đề ra, công việc mới bắt đầu vào guồng.

Xong, lại đến chuyện sinh hoạt. Lê Đắc Hóa kể, lúc mới sang, anh cũng như nhiều anh em khác, có những lúc muốn “bốc hỏa” dưới cái nắng nóng hanh khô khủng khiếp vùng sa mạc - có khi lên đến 58 độ C - nhưng lại không hề đổ một giọt mồ hôi nào, bởi mồ hôi ra đến đâu liền bị những cơn gió nóng hong khô, bốc hơi luôn đến đấy. Và những cơn gió nóng đặc trưng của nơi đây luôn mang kèm theo các cột tháp bụi, cát, có thể đưa hàng trăm nghìn hạt cát len lỏi đến tận những nơi kín đáo nhất trên cơ thể con người. Đây là một điều vô cùng kinh hoàng ngay cả với những người dân bản địa. Ban ngày là thế, nhưng khi đêm về, nhiệt đột bỗng chốc hạ xuống chỉ còn xấp xỉ 10 độ C. Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn, quá đột ngột khiến những con người vốn chỉ quen với khí hậu nhiệt đới gió mùa, mát mẻ quanh năm cảm thấy khó chịu đến đổ bệnh.

Và còn rất nhiều những kỷ niệm “nếm mật nằm gai” khác mà Lê Đắc Hóa thú thực anh không thể trong một lúc có thể kịp nhớ ra, hay kể hết được... Anh nói, trong các dự án mà PV Drilling thực hiện cho các nhà thầu thì khoan ở Algeria là vất vả nhất, phức tạp nhất với cấu tạo địa chất khác biệt rất nhiều với các giếng ngoài khơi. Tuy nhiên, nghề dầu khí gặp khó khăn là chuyện bình thường và chính người làm nghề dầu khí phải coi khó khăn là cuộc sống của mình, để buộc mình phải tiếp tục phấn đấu, tiếp tục đứng lên sau mỗi lần trải nghiệm.

Để đảm nhiệm vị trí là Giám đốc Ban điều hành dự án Lô 01-02 như ngày hôm nay, cũng như bao kỹ sư dầu khí khác, kể từ năm 2001 sau khi tốt nghiệp ra trường, anh Lê Đắc Hóa cũng đã trên dưới 10 năm lăn lộn trên các dự án của PV Drilling, PVEP ở nước ngoài, trải qua hầu hết các chức danh trên giàn, từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất. Chính những công việc trải qua đã giúp anh hiểu hơn nữa vị trí công việc của anh em, tâm tư tình cảm của anh em, giúp công tác điều hành được hiệu quả hơn. Thời gian sau này, khi đã về bờ làm công tác quản lý cho các dự án của PVEP thì chính những kinh nghiệm thực tế trên các dự án năm xưa đã giúp anh có những cách xử lý tình huống nhanh và phù hợp, có những hoạch địch quan trọng cho sự phát triển của từng dự án.

“Tôi nhận thức rằng, mình có được sự trưởng thành hôm nay chính là nhờ sự vun trồng, bồi dưỡng, bỏ qua những lỗi nhỏ, mạnh dạn giao những việc lớn của các cấp lãnh đạo; là sự giúp đỡ, chia sẻ của những người bạn, những người đồng nghiệp trong quá trình công tác. Tôi thực sự biết ơn vì điều đó” - anh Hóa tâm sự.

Một lần nữa, tôi xin được trích dẫn câu ngạn ngữ mà anh tâm đắc để tạm kết cho bài viết này: “Xưa nay, phải có người phi thường, mới lập được việc phi thường; có việc phi thường, mới có chiến công phi thường”. Dù ở bất cứ đâu, người lao động Dầu khí vẫn luôn tỏ rõ, phát huy tinh thần, bản lĩnh của “những người đi tìm lửa” - những con người miệt mài sáng tạo, đóng góp trí tuệ, công sức, cùng sự nhiệt huyết, chuyên nghiệp, kỷ cương... để luôn hướng tới hoàn thành nhiệm vụ khó khăn “tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc”.

 http://www.pvep.com.vn/tin-pvep-91/nho-nhung-ngay-tim-dau-tren-sa-mac-3230.html

Ngày đăng: 09:30 | 23/05/2022

PV / Cổng thông tin PVEP