Trong ký ức nhiều thế hệ nhà giáo, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn bó trong 6 năm học phổ thông, đó là một vị Tổng Bí thư, một học trò giản dị và ấm áp.
Từ hơn 18h hôm qua, 19-7, sau khi thông tin về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức thông báo, hàng chục nghìn nhà giáo, học sinh các thế hệ của Trường Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Gia Thiều đều bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn.
Nhớ về Tổng Bí thư, các nhà giáo từng dạy ông, cũng như các thế hệ nhà giáo, học sinh sau này đều cảm nhận sự ấm áp, khiêm nhường và vô cùng giản dị.
Những câu chuyện về một vị lãnh đạo giản dị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng học tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều trong 6 năm, từ 1957-1963. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới vào tối 19-7, ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều nhiều lần nhắc về Tổng Bí thư với sự kính trọng nhưng cũng đầy ấm áp.
Năm 2020, nhà trường chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập, ông Lê Trung Kiên - với vai trò là Hiệu trưởng nhà trường, đã xin được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để trực tiếp chuyển thư mời. Ông Lê Trung Kiên chia sẻ, mình thực sự xúc động khi Tổng Bí thư gọi mình bằng “thầy” và xưng “em”.
Trong cuộc trò chuyện kéo dài 45 phút, Tổng Bí thư dành nhiều thời gian hỏi thăm về tình hình nhà trường, nhưng có hai câu hỏi mà ông Lê Trung Kiên luôn nhớ, đó là: “Trường có mời các thầy, cô giáo cũ không?” và “Trường có mời các học sinh cũ không”.
“Tôi hiểu rằng Tổng Bí thư rất muốn gặp lại thầy, cô giáo của mình, muốn gặp lại các bạn của mình. Tôi thưa với bác rằng, nhà trường mời tất cả thầy, cô giáo từng công tác tại trường; mời tất cả học sinh từng học tập tại trường. Nghe thế, bác rất vui. Chỉ với hai câu hỏi ấy, tôi cảm nhận sự giản dị, chân tình và ấm áp của một vị Tổng Bí thư” - ông Lê Trung Kiên chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Trung Kiên, mỗi lần về thăm trường, Tổng Bí thư đều dặn, chỉ về với tư cách cựu học sinh, muốn được giới thiệu là cựu học sinh chứ không phải nhà lãnh đạo. Trong những lần dự họp lớp cùng bạn và thầy cô, Tổng Bí thư luôn nói, xin thầy cô và các bạn cho em được để mọi chức tước ở ngoài căn phòng này. Đến nay, em chỉ là một học trò ngày nào của thầy cô...
Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều diễn ra ngày 14-11-2020. Khi ấy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về dự lễ với tư cách cựu học sinh nhà trường. Nhiều giáo viên, học sinh dự lễ còn nhớ, cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng đã có những chia sẻ ấm áp, gần gũi về những kỷ niệm khi còn đi học và cả những tình cảm trân trọng đối với các thầy giáo, cô giáo cũ. Kết thúc sự kiện, Tổng Bí thư dành nhiều thời gian gặp gỡ, hỏi thăm các thầy, cô giáo từng dạy mình, trong đó có thầy giáo Lê Đức Giảng, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, 10B.
Từng chứng kiến những giây phút xúc động ấy, em Nguyễn Đình Tài, khi đó là học sinh lớp 12D4 chia sẻ, sự giản dị, ấm áp, chân tình và gần gũi ấy của một vị Tổng Bí thư đối với những người đã dạy mình khiến em vô cùng xúc động và học hỏi được nhiều điều, trong đó có sự trân trọng, nhớ ơn công lao dạy dỗ, giáo dục, rèn giũa của nhà trường, của các thầy, cô giáo.
Động lực từ học bổng Nguyễn Phú Trọng
Không riêng với Nguyễn Đình Tài, hàng chục nghìn thế hệ học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều trong suốt hơn 70 năm qua đều luôn nỗ lực góp sức xây dựng truyền thống dạy tốt, học tốt. Vượt lên những khó khăn từ những năm đầu tiên thành lập, nhà trường ngày càng khẳng định vị thế và uy tín, góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành Giáo dục Thủ đô.
Sự quan tâm và những lời căn dặn của Tổng Bí thư với học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cũng như toàn ngành Giáo dục đã trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Riêng học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, các em có thêm một động lực lớn, đó là học bổng mang tên Nguyễn Phú Trọng.
Là một trong 3 học sinh đầu tiên nhận học bổng Nguyễn Phú Trọng tại lễ khai giảng năm học 2014-2015, Đào Quang Duy, hiện là bác sĩ đa khoa cho biết, đã rất đau buồn khi nghe tin về Tổng Bí thư.
Quang Duy chia sẻ: “Đó là lễ khai giảng đáng nhớ nhất trong thời đi học của tôi. Khai giảng năm đó, nhà trường vừa hoàn thành cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất nên rất khang trang. Tôi vinh dự được chọn là một trong ba học sinh có thành tích tốt nhất trong kỳ tuyển sinh đại học nhận học bổng do bác Nguyễn Phú Trọng tặng. Trực tiếp được nhận món quà bác Tổng Bí thư trao trên sân khấu trước sự chứng kiến của cả nghìn thầy, cô giáo và học sinh, tôi cảm nhận sự ân cần, ấm áp và đầy yêu thương của một vị lãnh đạo. Đó là động lực lớn lao đã khích lệ tôi suốt những năm tháng học tập tiếp theo. Về sau, trong cuộc sống có những lúc thăng trầm, nhưng khoảnh khắc ấy, sự quan tâm ân cần ấy như là kim chỉ nam, tạo động lực giúp tôi thêm cố gắng, quyết tâm có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Trong những năm tháng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, học bổng Nguyễn Phú Trọng đã góp phần quan trọng động viên, khích lệ học sinh nhà trường thêm nỗ lực, quyết tâm vượt khó khăn để học tập.
Lê Nguyễn Minh Đức, một trong 70 học sinh được nhận học bổng Nguyễn Phú Trọng năm học 2020-2021 cho biết, món quà từ bác Tổng Bí thư là nguồn động lực lớn cho em trong học tập và rèn luyện. Học bổng Nguyễn Phú Trọng không chỉ là món quà có ý nghĩa về vật chất, mà có giá trị tinh thần rất lớn, khơi dậy trong em sự tự hào về truyền thống của ngôi trường mình học...
Động lực từ sự quan tâm ân cần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các thế hệ học sinh đã góp phần làm nên kết quả rất ấn tượng của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều. Trung bình mỗi năm, nhà trường có hơn 20 học sinh đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố. Liên tục nhiều năm gần đây, nhà trường nằm trong tốp 100 trường dẫn đầu cả nước về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm 2024, nhà trường có một học sinh là em Nguyễn Hà Nhi đạt điểm cao nhất cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
https://hanoimoi.vn/nho-nguoi-hoc-tro-gian-di-va-am-ap-cua-truong-thpt-nguyen-gia-thieu-672606.html
Ngày đăng: 08:22 | 23/07/2024
Thống Nhất / HNM.com.vn