Nhân chứng Lê Văn Thời khai nhờ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La "xem điểm thi" khi được người khách lạ đưa mảnh giấy có tên thí sinh. 

Hôm 17/10, ông Lê Văn Thời (chủ một nhà hàng ở thành phố Sơn La) khi bị TAND tỉnh Sơn La thẩm vấn đã khai quen ông Hoàng Tiến Đức (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) từ lâu. Giữa năm 2018, trong lúc đi mời rượu các bàn ăn tại nhà hàng, ông được một vị khách lạ mặt hỏi "có quen ông Đức không?".

Sau khi đáp lời, ông Thời được người này đưa mảnh giấy có tên, số báo danh của một thí sinh nhờ ông đưa cho ông Đức xem điểm trước. Ông Thời thực hiện song không hứa hẹn vật chất và cũng không rõ thí sinh có được nâng điểm hay không.

Ngược với lời khai trên, VKSND tỉnh Sơn La cáo buộc ông Thời đã chuyển thông tin thí sinh Nguyễn Hà Phong cho ông Hoàng Tiến Đức. Kết quả, Phong được 27 điểm cho ba môn Toán, Văn, Lịch sử và sau khi chấm thẩm định bị hạ còn 11,4 điểm.

Trong bốn ngày ngày xét hỏi tại phiên sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La (15-19/10), câu hỏi "nhờ xem điểm hay nhờ nâng điểm?" được chủ tọa Quản Hữu Chiến đặt ra nhiều nhất với các nhân chứng là phụ huynh và người trung gian. Trong khi các phụ huynh đều khai "chỉ nhờ xem điểm" thì thực tế cơ quan điều tra xác định 8 bị cáo đã nâng điểm cho 44 thí sinh tại môn thi trắc nghiệm và Ngữ văn tự luận. Trong số này, người được tăng nhiều nhất tới 26,55 điểm cho ba môn, điểm thực tế môn Toán là 0, Vật Lý 0,25 điểm, Tiếng Anh 0,2 điểm.

Trong 31 phụ huynh, người trung gian được hỏi, duy nhất bà Lò Thị Trường thừa nhận có đưa 300 triệu đồng "tiền uống nước" để cảm ơn bị cáo Lò Văn Huynh (phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo) vào sau kỳ thi. Tuy nhiên, bà Trường khai chỉ nhờ xem nhưng thấy con được nâng điểm mới đến cảm ơn. Nhưng người còn lại đều nó không "hứa hẹn vật chất gì" khi nhờ vả.

HĐXX do thẩm phán Quản Hữu Chiến làm chủ tọa. Ảnh: Phạm Dự.

Nhân chứng Đỗ Kim Quang (cựu giám đốc VNPT tỉnh Sơn La) khai cũng gặp ông Hoàng Tiến Đức nhờ xem kết quả trước ngày công bố cho con để kịp thời thay đổi nguyện vọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo khi chấm thẩm định đã phát hiện con ông Quang đã được tăng 5 điểm.

Một số trường hợp khác như bà Hoàng Thị Thành (Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai), ông Lê Trọng Bình (Phó chủ tịch UBND thành phố Sơn La) đều khai nhờ xem trước điểm cho con bằng một câu nói. Thực tế, con trai bà Thành được nâng 13,65 điểm ba môn Toán, Lịch Sử, Ngữ Văn. Con trai ông Bình thì đỗ Học viện An ninh nhưng sau đó bị trả về do sau khi chấm thẩm định bị hạ 7,6 điểm.

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga tại phiên tòa Ảnh: Phạm Dự.

Cũng do quen biết từ trước, ông Trần Văn Điện (cán bộ Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, thường xuyên thành phố Sơn La) nhờ bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) xem điểm trước giúp bốn thí sinh là con của người quen và đồng nghiệp. Ông cho rằng các phụ huynh vì sốt ruột nên muốn nhờ xem điểm trước để điều chỉnh nguyện vọng chứ không nhờ nâng điểm.

Sau câu nhờ đó, ông khai không liên hệ lại gì với Nga. Ông Điện khai khi vụ án vỡ lở, bị công an điều tra, ông mới biết "các cháu nằm trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm".

Phản bác lời khai trên, bà Nga cho biết ông Điện nói là nhờ xem điểm và nếu có thể thì giúp đỡ để các thí sinh đạt được điểm số theo mong muốn. Bà sau đó đã sửa chữa bài thi để nâng điểm cho cả bốn trường hợp do ông Điện nhờ. Tuy không hứa hẹn gì về vật chất nhưng sau khi bốn thí sinh được nâng từ 11,9 đến 17,75 điểm, bà Nga được ông Điện đến nhà cảm ơn bằng số tiền 1,04 tỷ đồng.

Nhân chứng Lê Trọng Bình (Phó chủ tịch UBND thành phố Sơn La) đến tòa. Ảnh: Phạm Dự.

Do tại phiên tòa, bị cáo Nga khai đã nhận 1,04 tỷ đồng, bà Sọn nhận 440 triệu đồng, ông Huynh lấy một tỷ đồng nâng điểm cho hai thí sinh và ông Thủy cầm 500 triệu đồng để sửa điểm cho ba thí sinh..., sau bốn ngày thẩm vấn, TAND tỉnh Sơn La đã hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để làm rõ hành vi Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Môi giới hối lộ. Trong đó, tòa yêu cầu xác minh lời khai của ông Huynh nhận một tỷ đồng từ ông Nguyễn Minh Khoa (cựu phó phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La)...

Đây là vụ thứ hai trong ba vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 bị đưa ra xét xử. Trong khi vụ án tại Sơn La bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại thì vụ án tại Hà Giang sẽ ra phán quyết vào sáng 25/10. Riêng vụ án nâng điểm thi tại tỉnh Hoà Bình hiện mới ở giai đoạn ra kết luận điều tra song là vụ án duy nhất khởi tố tội Đưa hối lộNhận hối lộ, bên cạnh tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

 

Từ ngày 15/10, TAND tỉnh Sơn La xét xử 8 bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, gồm: Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo), Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La), Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo), Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La, Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng), Đặng Hữu Thuỷ (hiệu phó trường THPT Tô Hiệu).

 

Cựu nữ Phó GĐ Sở nghẹn ngào phân trần tại tòa, lộ diện loạt tin nhắn nhờ vả
Vụ gian lận thi Sơn La: Viện kiểm sát đề nghị trả hồ sơ vụ án
Liêm sỉ nhà giáo nhìn từ vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở Hà Giang và Sơn La
Vụ gian lận điểm thi Sơn La: VKS đề nghị điều tra tội nhận hối lộ
VKS đề nghị điều tra tội nhận hối lộ trong vụ án gian lận điểm thi

Ngày đăng: 11:06 | 21/10/2019

/ vnexpress.net