Nhu cầu tìm mua nhà ở xã hội của người có thu nhập thấp và cán bộ, công nhân viên hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Nguyên nhân là còn nhiều vướng mắc về chính sách pháp luật, nguồn vốn ưu đãi, thiếu quỹ đất… đã kéo lùi tiến độ phát triển nhà ở phân khúc này.

Dự án nhà ở xã hội HH4 - FLC Đại Mỗ mới thi công xong phần thô. Ảnh: Ngân Thùy

Chưa thành giấc mơ "an cư"

Trái với niềm vui khi đăng ký thành công hồ sơ mua căn hộ tại tòa HH4 dự án nhà ở xã hội FLC Đại Mỗ (do một công ty con của Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư), giờ đây anh Nguyễn Anh Nguyên (tỉnh Thái Bình) như ngồi trên đống lửa khi công trình gần như dừng thi công hoàn toàn kể từ khi dàn lãnh đạo của Tập đoàn FLC lần lượt bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam. “Theo tiến độ, quý II năm 2022 là thời gian dự kiến chủ đầu tư bàn giao nhà. Vậy nhưng giờ đây công trình mới chỉ xong phần thô rồi im lìm khiến tôi lo lắng trăm bề, nào là tiền thuê nhà, tiền trả các khoản vay trước đó để đóng vào nhà mới...”, anh Nguyên chia sẻ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Tú Liên (phường Dương Nội, quận Hà Đông) dù đã tìm hiểu về các dự án nhà ở xã hội từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa chốt được căn nào. “Tôi biết về dự án nhà ở xã hội FLC Đại Mỗ quá muộn, khi đã kết thúc thời gian nhận hồ sơ mua nhà. Nhiều người môi giới bất động sản đã chỉ dẫn tôi sang dự án nhà ở xã hội Trung Văn hoặc Hạ Đình. Liên hệ với bên Hạ Đình thì họ nói do đại dịch Covid-19 nên dự án chưa triển khai theo kế hoạch. Tôi gửi hồ sơ cho bên tư vấn thủ tục mua nhà ở xã hội Trung Văn thì thấy có thông báo chủ đầu tư khẳng định chưa mở bán căn hộ, chưa nhận bất kỳ hồ sơ hay thu khoản tiền đặt cọc nào...”, chị Liên cho hay.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, đã có 25 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, tương đương 12.659 căn hộ, khoảng 1,25 triệu mét vuông sàn (đạt 26,24% so với kế hoạch). Năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các nhà ở xã hội được triển khai với tiến độ chậm, chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng với 1.234 căn hộ.

Số căn hộ hoàn thiện, được đưa vào sử dụng rất hạn chế bởi nhiều nguyên nhân. Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Phạm Văn Ân phân tích, thông thường, một dự án nhà ở xã hội phải mất 5 năm làm thủ tục, thêm thủ tục duyệt giá, duyệt danh sách khách hàng, phải dành một phần diện tích nhà cho thuê với khả năng thu hồi vốn kéo dài… đã khiến các doanh nghiệp không mặn mà với dự án nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cho biết, các dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ còn do cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, lựa chọn chủ đầu tư, quản lý, mở bán, thực hiện các chính sách ưu đãi phải qua nhiều bước, nên thời gian thực hiện kéo dài; chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội…

Dự án nhà ở xã hội Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) chưa nhận hồ sơ và chưa mở bán căn hộ. Ảnh: Ngân Thùy

Thúc đẩy nguồn lực

Nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành thông tin, thành phố đặt mục tiêu phát triển khoảng 6,8 triệu mét vuông sàn, tương đương 113.000 căn hộ nhà ở xã hội. Thành phố sẽ hình thành các khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội; rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu vực giáp ranh các khu công nghiệp; rà soát các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20% (với Hà Nội là 25%) để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, thành phố sẽ kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà lưu ý, để thu hút doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, điểm đầu tiên phải giải quyết là vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối căn hộ. Các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn, giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ hơn, quá trình đầu tư nhanh, rút ngắn thời gian thu hồi vốn.

Giải quyết các vướng mắc nêu trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, bên cạnh việc tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, trong đó kiến nghị điều chỉnh các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, bổ sung trách nhiệm cụ thể của địa phương trong việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội…

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Bat-dong-san/1046137/nhieu-vuong-mac-keo-lui-tien-do-nha-o-xa-hoi

Ngày đăng: 09:43 | 01/11/2022

NHÓM PHÓNG VIÊN / HNM.com.vn