Lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM) trước đây trung bình mỗi ngày 5.200 con thì nay chỉ còn 3.800 con.
Sau hơn một tháng công bố dịch tả heo châu Phi ở Việt Nam, sức tiêu thụ thịt heo ở TP HCM sụt giảm mạnh khiến nhiều tiểu thương giảm hoặc ngưng bán một thời gian.
Chị Loan ở chợ Xóm Mới (Gò Vấp) cho biết ngưng bán sản phẩm cả tuần nay vì sức tiêu thụ giảm tới 70%. "Trước đây, buổi sáng chỉ 10h là tôi bán hết nửa con heo (60 kg) nhưng gần đây dù lấy hàng khá ít nhưng lượng khách mua thưa thớt, kể cả khách quen, nên quyết định ngưng bán chờ cho qua dịch bệnh", chị Loan nói và cho hay, tâm lý lo ngại khiến sức mua thịt heo lao dốc dù Sài Gòn vẫn nằm trong vùng an toàn. Theo tiểu thương này, hơn tuần nay không chỉ sạp thịt heo của chị ngưng bán mà 4 trong số 7 sạp gần chợ cũng đã đóng cửa vì sợ thua lỗ.
Sức mua thịt heo tại chợ truyền thống giảm. Ảnh: Thi Hà. |
Cũng giảm số lượng thịt heo bán ra, chị Hoa ở chợ Thị Nghè buồn bã cho biết, 3 tuần nay, lượng thịt chị bán ra giảm 50% so với trước. Mặc dù chị đều lấy thịt ở cơ sở uy tín có kiểm định nhưng khách hàng vẫn từ chối mua do lo ngại dịch tả heo châu Phi.
"Tôi có 3 mối mua sỉ giò heo mỗi ngày khoảng 50 kg nhưng nay họ cũng báo ế ẩm vì khách giảm lựa chọn món liên quan đến heo. Do đó, mỗi ngày tôi chỉ còn nhập khoảng 20 kg cho khách", chị Hoa nói. Thay vì bán thịt heo với mức giá cao như bình thường, chị đã buộc phải giảm từ 5.000 đến 20.000 đồng một kg tùy loại, nhưng vẫn không kích cầu được nhu cầu tiêu thụ.
Khảo sát tại các chợ truyền thống cho thấy, sức mua thịt heo giảm 30 - 50%. Hầu hết tiểu thương cho biết, thay vì mua mạnh như trước thì nay khi mua hàng khách thường yêu cầu được biết về xuất xứ, kiểm nghiệm dịch tả heo châu Phi.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, hiện nay lượng heo về chợ giảm mạnh. Cách đây một tháng, mỗi ngày chợ cung ứng ra thị trường khoảng 5.200 con, nhưng từ khi có dịch tả lượng heo giảm liên tục mỗi ngày 100 con. Hiện, mỗi đêm hàng về chợ chỉ còn 3.800 con – mức thấp kỷ lục.
"Nguyên nhân là do tâm lý lo sợ của người dân đẩy sức mua đi xuống, vì thế các đầu mối nhập heo giảm lượng mua khiến thương lái cũng giảm thu gom hàng và giết mổ. Không chỉ khách hàng lẻ giảm mua mà các bếp ăn tập thể, nhà hàng cũng hạn chế", ông Tiển nói và cho biết, ban lãnh đạo chợ đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền cho người dân hiểu về dịch bệnh để giảm tâm lý lo ngại. Ngoài ra, ban quản lý chợ cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng, ngưng nhận heo từ các tỉnh phía Bắc, chỉ nhận từ vùng Đông Nam Bộ. Toàn bộ heo đưa vào chợ tiêu thụ đều được đeo vòng kiểm soát nhận diện và truy xuất nguồn gốc đầy đủ.
Trong khi sức mua tại các chợ truyền thống sụt giảm thì tại các hệ thống siêu thị mặt hàng này lại hút người mua, dù giá bán cao hơn 10.000 - 50.000 đồng một kg.
Cụ thể, tại siêu thị Lotte Mart, giá thịt đùi heo niêm yết ở mức 95.000 đồng một kg; ba rọi 125.000 đồng, giò heo giảm còn 79.000 đồng, cốt lết 107.000 đồng...
Còn tại Co.opmart Cống Quỳnh, giá thịt heo đùi là 107.000 đồng, ba rọi 165.000 đồng, sườn non 198.000 đồng. Theo quản lý tại đây, lượng hàng bán chạy hơn so với trước. Có những ngày nhiều khách hỏi mua giò heo từ sớm nhưng không còn hàng vì đã được đặt trước. Các cửa hàng khác của Co.opmart cũng có sức mua đi lên, trung bình tăng khoảng 20%. Ngày thường, hệ thống này bán khoảng 45-50 tấn, trong khi đó, cuối tuần tăng lên thành 60-70 tấn.
Thi Hà
Một số trường tại Sài Gòn không dùng thịt heo trong bữa ăn của trẻ
Lo ngại dịch tả lợn châu Phi và những trường hợp nhiễm sán lợn tại Bắc Ninh, một số trường mầm non, cơ sở bán ... |
Thương lái ép giá lợn do dịch tả châu Phi
Những con lợn càng to thì tiểu thương càng ép giá, trong khi giá rẻ thì người chăn nuôi cũng phải bán để không phải ... |
Ngày đăng: 05:00 | 26/03/2019
/ VnExpress