Mưa lớn sau bão Molave và nhiều thủy điện xả lũ khiến nước các sông trên báo động 3, Quãng Ngãi và Quảng Nam phải di dời dân vùng trũng.
Theo bản tin lũ khẩn cấp của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, lúc 16h ngày 28/10, mực nước sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ trên báo động 2; sông trà Khúc dưới mức báo động 3 ở trạm Sơn Giang; nước sông Vệ và sông Trà Câu trên báo động 3.
Dự báo nước sông tiếp tục dâng cao, dẫn đến ngập sâu trên diện rộng ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành và TP Quảng Ngãi. Nguy cơ lở đất ở các huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long.
Hiện hồ thủy điện Đăk Đrinh xả lũ với lưu lượng 1.680 m3/s; hồ chứa nước Nước Trong 1.100 m3/s. Vì vậy mực nước trên các sông tiếp tục lên cao trong 6-12 giờ tới.
Thủy điện Đăk Đrinh xả lũ điều tiết hôm 27/10. Ảnh: Phạm Linh. |
Chiều nay, Bí thư Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đã thị sát lũ ở ven sông Vệ. Bà chỉ đạo khẩn trương di dân ở các vùng trũng đến nơi an toàn, đảm bảo không người dân nào bị nguy hiểm bởi lũ lụt sau bão, nhất là người già và trẻ em.
Tối cùng ngày, thông tin thủy điện xã lũ được chính quyền các xã ven sông thông báo đến người dân bằng loa và truyền miệng. Do điện cúp, nhiều người không sử dụng điện thoại và phải tất bật đi mua đồ ăn, thức uống, sửa nhà, nên nhiều cán bộ thôn, xã phải đến từng nhà nhờ loan tin.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng đã phát đi thông tin lũ khẩn cấp trên sông Vu Gia (Quảng Nam) - lũ đặc biệt lớn. Lũ trên sông này đang lên rất nhanh, mực nước lúc 16h tại Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc 7,75 m, dưới báo động 2 là 0,25 m.
Thủy điện Đăk Mi 4 xả nước qua tràn hôm 13/10. Ảnh: Đắc Thành. |
Công ty thủy điện Đăk Mi 4 thông báo vận hành hồ thủy điện Đăk Mi 4, ở huyện Phước Sơn. Dự kiến, thời gian vận hành từ 15h30 với lưu xả tràn đến 11.400 m3/s. Mực nước trên sông Vu Gia có khả năng lên mức 11,2 m, vượt lũ lịch sử năm 2009 là 0,43 m.
Ông Trương Xuân Tý, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam, cho biết do lũ về đột ngột, buộc thủy điện phải đưa lưu lượng nước về hạ du. "Đây là việc nằm ngoài kịch bản vận hành điều tiết lũ cho hạ du đối với các thủy điện", ông Tý nói.
Ông Nguyễn Hữu Vũ, Phó chủ tịch huyện Đại Lộc - nơi nằm bên sông Vu Gia, cho biết huyện đã sơ tán hơn 4.000 hộ với khoảng 13.000 khẩu để phòng tránh bão Molave và mưa lũ. "Huyện tiếp tục lên phương sơ tán người dân ngay trong đêm nếu lũ lên nhanh", ông Vũ nói và thông tin nước lũ vẫn chưa lên gây ngập.
Lãnh đạo huyện Đại Lộc cho biết, nếu thủy điện Đăk Mi 4 xả lưu lượng trên 5000 m3/s thì có khoảng 80% trong tổng 150.000 hộ dân bị ngập. Nhà ngập sâu khoảng 1,5 m, nhà ngập ít 0,5 m.
Làm việc tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình tối 28/10, sau khi bão tan, ông Hoàng Đức Cường, Tổng cục phó Tổng cục khí tượng thủy văn nhấn mạnh, sau bão Molave, điều đáng lo ngại nhất của Quảng Nam trong một đến hai ngày tới là lũ.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo lũ đặc biệt lớn ở ven sông Lưu Gia – Thu Bồn, đặc biệt nâng cấp độ cảnh báo lên cấp 4, dự báo trên mức lũ lịch sử 0,4 m.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao nhiệm vụ trọng tâm cho Quảng Nam những ngày tới, trong đó có sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nơi dễ sạt lở, nước sâu. Đặc biệt là đảm bảo an toàn hồ đập khi Quảng Nam có nhiều hồ đập, gồm hồ đập thuỷ điện.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Xây dựng phải cùng với địa phương và các chủ đầu tư đảm bảo vận hành an toàn hồ chứa, không để xảy ra mất an toàn, tác động tiêu cực đến đời sống người dân", ông Dũng chỉ đạo.
Phạm Linh - Đắc Thành - Hoàng Phương
Hồ Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả lũ đón bão Molave |
5 ngày xả lũ của hồ Kẻ Gỗ |
Hồ Kẻ Gỗ giảm lưu lượng xả lũ |
Ngày đăng: 22:09 | 28/10/2020
/ vnexpress.net