Để đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống, ngày 13-7-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/ 2024/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Nghị định này hướng dẫn chi tiết việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương.
Thực tiễn còn nhiều khó khăn
Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín Phạm Văn Tập, hiện nay địa phương cần giải phóng mặt bằng gần 300ha đất để phục vụ các dự án. Khó khăn nhất là việc chi trả bồi thường, hỗ trợ cho các thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích sử dụng thực tế khác với giấy chứng nhận và các thửa đất trong quá trình sử dụng, phân chia đất không khớp với giấy tờ. Cụ thể, nếu căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì một số hộ dân ở phía Bắc đường 427 được bồi thường rất ít, nên người dân đề nghị được bồi thường bằng diện tích đất thực tế của họ đang ở, gây khó khăn trong giải quyết. Mặc dù địa phương đã nỗ lực tìm cách, nhưng vẫn gặp không ít trở ngại do các hộ dân không hợp tác và liên tục có đơn thư kiến nghị. Những yếu tố này làm cho công tác lập hồ sơ, lên phương án và thẩm định gặp khó khăn, gây chậm tiến độ các dự án quan trọng.
Còn theo Bí thư Đảng ủy phường Quang Trung, quận Hà Đông Trịnh Thị Thu Giang, công tác giải phóng mặt bằng dự án kênh tiêu La Khê bị chậm trễ, kéo dài, nguyên nhân là do giao đất trái thẩm quyền, diện tích giao và sử dụng đất có sự chênh lệch lớn và đơn giá đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thấp hơn giá thị trường. Ngoài ra, các hộ dân cũng có ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ về đất, công trình trên đất và chính sách bồi thường cần sát với tình hình thực tế, bảo đảm quyền lợi của người dân.
Tại huyện Ứng Hòa, Chủ tịch UBND xã Phương Tú Lê Xuân Toán cho biết, đường 428 đoạn qua xã liên quan đến 117 trường hợp có đất mua bán trái thẩm quyền, chưa giải phóng được mặt bằng do thiếu dữ liệu đất đai và nguyện vọng tái định cư của các hộ dân chưa được giải quyết. "Khi thực hiện thủ tục thu hồi đất, nhiều trường hợp không có đủ dữ liệu trong hồ sơ đất đai. Người dân có nguyện vọng được tái định cư, nhưng chưa được cơ quan chức năng phê duyệt, nên các hộ dân không đồng tình và mong muốn được giải quyết chính sách bồi thường bình đẳng như các hộ dân bên cạnh, mà không thuộc diện đất giao trái thẩm quyền," ông Lê Xuân Toán cho biết.
Huyện Phú Xuyên cũng gặp nhiều khó khăn tương tự trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là việc bồi thường cho các hộ dân có đất giao trái thẩm quyền. Điều này dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây cản trở tiến độ các dự án. Điển hình như trường hợp gần 40 hộ dân tại khu phố Chợ, xã Phú Túc và nhiều hộ dân trên đường 429, thuộc địa bàn xã Hồng Minh.
Trong khi đó, tại huyện Mỹ Đức, công tác giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng tuyến đường Phùng Xá - Phù Lưu Tế gặp khó khăn không kém, do đất có nguồn gốc mua bán trái thẩm quyền. Đối với loại đất này, phần tài sản trên đất chỉ được bồi thường 50% so với các hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, người dân mong muốn Nhà nước có chính sách bồi thường hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho tất cả các hộ dân sinh sống ở đây.
Quy định mới giúp tháo gỡ vướng mắc về đất đai
Trước thực trạng nêu trên, ngày 13-7-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2024/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Khoản 3 Điều 87, Điều 92, Điều 94, Điều 95, Điều 96, Điều 98, Điều 99, Điều 100, Điều 102, Điều 106, Điều 107, Điều 108, Điều 109 và Điều 111 của Luật Đất đai (sửa đổi) về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Nghị định quy định việc bồi thường cho các thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất giao trái thẩm quyền. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ, nhưng đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được bồi thường. Đối với diện tích đo đạc thực tế khác với diện tích ghi trên giấy tờ, bồi thường sẽ dựa trên số liệu đo đạc thực tế, nếu không có tranh chấp với người sử dụng đất liền kề...
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định cho rằng, theo Nghị định số 88/2024/NĐ-CP, những hộ dân đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chưa được cấp sẽ được hưởng quyền lợi như hộ đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giúp thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong quá trình giải phóng mặt bằng tới đây, UBND huyện chỉ đạo các tổ công tác làm việc cụ thể với từng hộ để bảo đảm quyền lợi của người dân.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, các quy định cụ thể về bồi thường trong Nghị định số 88/2024/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Hoài Đức đang có nhiều dự án giao thông trọng điểm, việc giải quyết các vướng mắc về đất đai, giúp các dự án triển khai thuận lợi hơn.
Có thể nói, những quy định tại Nghị định số 88/2024/NĐ-CP của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác giải phóng mặt bằng, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông và các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác. Điều quan trọng, Nghị định số 88/2024/NĐ-CP còn tăng cường sự minh bạch và công bằng trong quy trình bồi thường, hỗ trợ và công tác tái định cư.
Ngày đăng: 08:41 | 22/07/2024
Bạch Thanh / HNM.com.vn