Trao đổi với PV Báo CAND ngày 2/8, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ trên toàn cầu khiến an ninh lương thực bị đe dọa. Động thái của một số nước cấm XK gạo tạm thời như Ấn Độ, Nga, UAE đã đẩy giá gạo toàn cầu tăng chóng mặt bởi cầu đang lớn hơn cung và nhiều nước đẩy mạnh thu mua gạo để phục vụ nhu cầu trong nước.

Hiện, thế giới thiếu gạo nhưng lại là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam; giá gạo tăng cao có lợi cho người nông dân. Do vậy, đây đang là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tăng lượng XK gạo với giá cao, giúp cả người dân và DN cùng hưởng lợi. Nhưng, bên cạnh việc tận dụng tốt cơ hội về giá, DN XK vẫn cần phải đảm bảo uy tín của nhà cung cấp có trách nhiệm.

Nhiều nước cấm xuất khẩu, cơ hội tốt cho lúa gạo Việt -0
Hiện xuất khẩu gạo tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi.

“Giá gạo đã tăng cao và đã thiết lập mặt bằng giá mới, tùy theo từng loại gạo mà DN ký được với mức giá khác nhau. Trong phiên giao dịch ngày 1/8/2023, giá gạo XK của Việt Nam đã tăng mạnh 20 USD/ tấn so với phiên ngày 31/7, lên mức 588 USD/tấn với gạo 5% tấm và 568 USD/tấn với gạo 25% tấm.

Không chỉ gạo Việt Nam, gạo 5% tấm của Thái Lan cũng được đẩy lên mức 623 USD/tấn với gạo 5% tấm. Trong khi đó, cách đây 2 tháng, gạo Trung An đã ký hợp đồng XK với mức giá 674 USD/tấn. Điều này cho thấy, giá gạo XK trên thế giới đang có xu hướng tăng. Do vậy, đây là thời cơ vàng cho chúng ta và Việt Nam phải tận dụng thời cơ này để XK gạo nhiều hơn”, GS.TS Võ Tòng Xuân nói.

Ở góc độ DN, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng cho rằng: “Việc cấm XK gạo của Ấn Độ và một số nước trong 2 tuần nay đã làm giá lúa thu mua tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tăng lên đến 7.000 - 7.100 đồng/kg lúa tươi, cao hơn đầu vụ tới 1.000 đồng/kg”.

Về nguồn cung lúa gạo cho XK cũng như đảm bảo an ninh lương thực cho thị trường trong nước, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, Việt Nam có 3 vụ lúa/năm, nên gạo cung ứng không thiếu. Hiện, Việt Nam bố trí quy hoạch vùng trồng lúa khá an toàn. Cụ thể, đối với lúa phục vụ thị trường trong nước, chúng ta lấy diện tích dọc theo biên giới Campuchia (ở đây là vùng phía Bắc của An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp) với khoảng hơn 1,5 triệu ha. Nước ở vùng này lúc nào cũng có và không bao giờ bị nước mặn dâng lên. Như vậy, chúng ta sẽ có dư lúa ở vùng giữa biên giới Campuchia với bờ biển ĐBSCL và các vùng này hiện đang được canh tác 3 vụ lúa mỗi năm.

“Về mặt sản xuất nông nghiệp, chúng ta đang bố trí hợp lý để đón đầu biến đổi khí hậu và chúng ta cũng đang chọn các giống lúa mới, chất lượng tốt, ngắn ngày có thể canh tác 3 vụ/năm. Trong khi đó Ấn Độ, Thái Lan hay Philippines sẽ không làm được như Việt Nam”, GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Chuyên gia về lúa gạo Nguyễn Chánh Trung (An Giang) cho rằng, 2 năm nay tồn kho lúa gạo ở mức hợp lý, không bị dôi dư nhiều. Tại khu vực ĐBSCL có 3 vụ mùa trong năm, sản lượng liên tục được cải thiện nên không đáng ngại. Thời điểm này cần phân tích và theo dõi diễn biến của thị trường, nhìn nhận xem Ấn Độ cấm XK gạo trong thời gian bao lâu để có kế hoạch cho việc thu mua và ký đơn hàng.

Về dài hạn, ông Phạm Thái Bình cho rằng, dù tình hình gạo thế giới có biến động ra sao thì phát triển bền vững ngành hàng lúa, gạo tại ĐBSCL vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Nông dân và DN phải liên kết chặt chẽ, gắn sản xuất với tiêu thụ, có như vậy mới tận dụng được cơ hội, đồng thời hạn chế được rủi ro do biến động thị trường khiến DN bị lỗ khi giá gạo tăng.

GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ vẫn còn tiếp tục, do đó, không chỉ tận dụng cơ hội trong thời điểm này mà Việt Nam cần có chiến lược trong dài hạn để cung cấp gạo cho các nước với giá cao hơn, lập mặt bằng giá gạo mới. Việc này sẽ giúp người nông dân gia tăng giá trị và làm giàu từ cây lúa, đồng thời, đây cũng là cơ hội để DN thương thảo những hợp đồng dài hạn với nhà nhập khẩu với giá phù hợp.

Khi có hợp đồng dài hạn, DN sẽ chắc chắn được đầu ra và bàn bạc với địa phương làm vùng nguyên liệu, còn người nông dân cũng sẽ thấy không phải lệ thuộc vào thương lái mà chắc chắn có người mua với giá tốt. Tuy nhiên, để làm được như vậy, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp DN tiếp cận vốn.

Việc này ngoài giúp DN thu mua lúa gạo cho nông dân, còn có cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến - có như vậy lợi nhuận của DN mới nâng lên. Về phía người dân, phải hợp lại cùng nhau trong các hợp tác xã để cung cấp ổn định nguồn lúa cho DN tạo thành chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo XK.

 https://cand.com.vn/Thi-truong/nhieu-nuoc-cam-xuat-khau-co-hoi-tot-cho-lua-gao-viet-i702492/

Ngày đăng: 09:28 | 03/08/2023

Lưu Hiệp / CAND