Từ ngày 10/10 tới đây, sẽ có 24 tuyến xe khách liên tỉnh đang hoạt động tại Bến xe Miền Đông (BXMĐ), TP Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Trung và phía Bắc sẽ phải chuyển ra hoạt động ở Bến xe Miền Đông mới ở quận 9.

Thời điểm này, việc chuẩn bị đưa bến mới vào khai thác đã được doanh nghiệp (DN) bến sẵn sàng. Tuy nhiên với các đơn vị vận tải, nhà xe, việc chuyển một phần hoặc toàn bộ các tuyến ra hoạt động tại bến mới vẫn còn không ít băn khoăn, vướng mắc.

Theo đại diện một DN vận tải khách liên tỉnh, nếu các đơn vị vận tải, nhà xe không được sắp xếp để có thể ổn định hoạt động ngay, trật tự vận tải khách sẽ bị xáo trộn khi chuyển ra bến mới. Tình trạng này sẽ khiến các DN vận tải thêm khó, nhất là khi hoạt động vận tải khách liên tỉnh vừa trải qua thời gian dài khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Để chuẩn bị cho công tác di dời các nhà xe, DN vận tải khách ra bến mới, ngày 25/9 vừa qua BXMĐ đã mời 32 đơn vị vận tải cùng đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh họp để triển khai việc đưa BXMĐ mới vào khai thác theo thông báo của Sở GTVT. Tại cuộc họp này, đại diện Công ty CP Vận tải tốc hành Mai Linh cho biết, hiện DN đang có nhiều tuyến xe hoạt động tại BXMĐ.

Ga hành khách Bến xe Miền Đông mới.

Di dời ra bến mới, DN sẽ phải cùng lúc duy trì hoạt động tại cả bến mới và bến cũ, khi đó chi phí quầy vé, chi phí nhân sự sẽ tăng lên. Đồng thời, đại diện DN này cũng đề nghị lực lượng Thanh tra GTVT, CSGT và chính quyền các địa phương phải xử lý triệt để tình trạng xe “dù”, bến ”cóc”, xe hợp đồng trá hình ngoài bến cũ để duy trì trật tự vận tải, đảm bảo công bằng cho các đơn vị vận tải hoạt động trong bến xe.

Đại diện Công ty TNHH Hiền Phước cho rằng, thời gian để các đơn vị vận tải ổn định và chuyển hẳn ra BXMĐ mới chỉ có 3 tháng là quá ngắn. Từ đó đại diện DN này đề nghị Sở GTVT thành phố và các cơ quan chức năng cần cho phép các đơn vị vận tải khách duy trì việc lưu đậu, đón trả khách ở cả bến xe cũ cho đến khi tuyến Metro số 1 của TP Hồ Chí Minh được đưa vào khai thác.

Nhiều DN vận tải khác băn khoăn khi đề cập đến việc được các cơ quan chức năng hỗ trợ thủ tục pháp lý về cấp phù hiệu tuyến cố định và việc niêm yết thông tin trên các phương tiện theo quy định. Đồng thời hỗ trợ đơn vị vận tải chia sẻ khó khăn do phải hoạt động ở 2 bến trong tình hình dịch bệnh vẫn còn gây ảnh hưởng không ít đến hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng đường bộ.

Trước đó, trong một cuộc họp bàn về việc di dời ra BXMĐ mới, nhiều DN vận tải cũng cho rằng, cự ly vận chuyển khách từ trung tâm thành phố ra BXMĐ mới khá xa. Trong khi đó, việc kết nối các loại hình vận tải khối lượng lớn như metro, xe buýt từ trung tâm ra BXMĐ mới chưa được hoàn thiện nên sẽ không tạo điều kiện cho hành khách và các đơn vị vận tải tiếp cận với BXMĐ mới, ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác hành khách, hàng hóa của đơn vị vận tải.

Trường hợp đơn vị vận tải phải tự tổ chức trung chuyển khách từ khu vực trung tâm ra bến mới, để chở đủ khách cho một chuyến xe phải cần đến 3 lượt xe nhỏ trung chuyển. Khi đó để được đi xe, hành khách sẽ phải chờ thêm thời gian nếu đơn vị vận tải không đủ sức đầu tư mua sắm nhiều xe trung chuyển và việc này sẽ dẫn đến dồn ứ khách tại bến vào những dịp cao điểm lễ, Tết.

Trước thực trạng này, đại diện BXMĐ đã kiến nghị Sở GTVT thành phố tổ chức thêm 2 tuyến xe buýt từ BXMĐ cũ ra bến mới. Đồng thời kiến nghị sau khi đơn vị vận tải, nhà xe trả khách ở bến mới, cần bố trí cho xe chạy vào BXMĐ cũ để trả hàng hóa và tiếp nhận hành khách đưa ra bến mới.

Ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc BXMĐ khẳng định, hoạt động của BXMĐ cũ gây ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông là không đáng kể khi xe khách từ các tỉnh chở khách về đến BXMĐ chủ yếu trong khoảng thời gian từ 2 đến 5h sáng. Ngày bình thường BXMĐ có khoảng 1.000 lượt xe xuất bến, nhưng lượng xe chạy các tuyến xa về miền Trung, Tây Nguyên và phía Bắc xuất bến vào buổi tối chiếm số lượng lớn, do đó mỗi giờ cũng chỉ còn vài chục đầu xe rời bến, chạy ngay ra cửa ngõ nên mức độ gây kẹt xe cho khu vực nội thành hầu như không có.

Lượng xe khách gây ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông hiện nay chủ yếu là xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định, đón trả khách ở khu vực trung tâm thành phố và một số tuyến xe khách được cấp phép chạy xuyên tâm thành phố. Để hỗ trợ các đơn vị vận tải phải di dời ra hoạt động tại BXMĐ mới, thời điểm này BXMĐ đã đưa ra nhiều phương án hỗ trợ.

Tuy nhiên, khi ngày di dời ra BXMĐ mới đã cận kề, thì đến nay các tuyến đường xung quanh BXMĐ mới vẫn chưa được mở rộng hoặc kết nối như quy hoạch. Do đó, hoàn thiện ngay quy hoạch hạ tầng kết nối để đảm bảo an toàn cho hoạt động của BXMĐ mới là vấn đề đặt ra với TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Đ.Thắng

Cháy ôtô khách trong Bến xe Miền Đông Cháy ôtô khách trong Bến xe Miền Đông
"Tuýt còi" bến xe Miền Đông mới khai trương vì lý do không ngờ

Ngày đăng: 11:10 | 02/10/2020

/ cand.com.vn