Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - Nguyễn Việt Chiến - nhận định các tác giả chuyên nghiệp đang loay hoay tìm hướng tiếp cận người đọc.
Sáng 27/2, hội thảo "Thơ và những vấn đề thơ đương đại" diễn ra gần ba tiếng tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội). Hơn 10 nhà thơ trình bày tham luận, tập trung phản ánh thực trạng thiếu hấp dẫn của đời sống thi ca Việt Nam hiện nay.
Nhiều người nhận định trong thời đại kỹ thuật số, điện tử hóa, độc giả quay lưng với thơ, đồng thời các tác phẩm không bán được, chủ yếu in ra để giao đãi, làm quà tặng. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng trong những năm qua, tác giả chuyên nghiệp đang "chìm nghỉm" trong biển người làm thơ vô danh. "Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật khi các nhà thơ từ 4 đến 5 năm (có người cả chục năm) mới xuất bản được một cuốn. Mỗi cuốn in chừng 500 bản nhưng lại để biếu nhau là chính vì thơ bán được rất ít hoặc không bán được", ông nói.
Nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá hầu hết nhà xuất bản không đầu tư vào việc in, bán thơ. Ông chia sẻ: "Người viết phải tự bỏ tiền in ấn, tự bán mà phần đông là không biết bán. Gửi hiệu sách thì bị từ chối, chỉ có đem tặng".
Ngoài việc khó bán, những năm qua thơ ca thiếu tác phẩm hay hoặc hiện tượng nổi bật. Theo ông Nguyễn Việt Chiến, nguyên nhân là thiếu ý tưởng và đột phá. Nhà thơ lý giải phần đông tác giả trẻ nặng cách tân hình thức mà không chú trọng nội dung. Các bài thơ mang cấu trúc lỏng, không có "tứ" và chỉ dừng lại ở mức biểu đạt thông thường. "Khi ấy, tác phẩm là sự sắp đặt các con chữ mà đáng lẽ ra nó phải được nhà thơ kiến tạo, xác lập bằng ý tưởng, cấu trúc mới để bài thơ có đời sống tư duy cao hơn", Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội chia sẻ.
Từ trái qua: Nhà thơ Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Vũ Quần Phương điều hành hội thảo. |
Nhà lý luận phê bình văn học Lê Thành Nghị chung quan điểm: "Trên thi đàn mấy năm qua không có tác phẩm thơ nổi bật, lóe sáng như giai đoạn cuối thế kỷ 20. Lý do chính là các nhà thơ trẻ đương thời thiếu đột biến trong tư duy sáng tạo". Năm 2017, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội không có thơ. Hội nhà văn TP.HCM từng tặng thưởng cho tập thơ Thơ trắng (La Mai Thi Gia) và tập Nghi lễ của ánh sáng (Lê Tuân). Tuy nhiên, sự việc gây tranh cãi giữa thành viên giám khảo vì không thống nhất trong quy trình chấm.
Nhiều hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội nêu nhược điểm sáng tác của bộ phận cây bút hiện nay là quay lưng với đời sống cần lao, khó nhọc của người dân quê nghèo, dân ngoại tỉnh mưu sinh ở các đô thị chật hẹp, ô nhiễm... Chính điều này khiến thơ kém hấp dẫn, không có chiều sâu nội dung.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, vấn đề xét tặng giải thưởng cũng được trao đổi. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng chưa có thời kỳ nào văn học nghệ thuật có nhiều giải như hiện nay. Tuy nhiên, việc vinh danh các tác phẩm dần kém hấp dẫn, uy tín. Theo nhà thơ, nguyên nhân đến từ sự thiếu công bằng, chính xác trong xét giải. Ông đề xuất cần tìm quy chế mới trong bình chọn, giám khảo có năng lực nhận ra giá trị của thơ.
Vấn đề làm sao để có tác phẩm thơ hay được nêu ra cuối hội thảo. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - khẳng định muốn tác phẩm hay thì "con chữ" phải có hồn, đọng lại trong lòng khán giả. Trong quá trình cách tân, tác giả phải biết cách giữ được đặc thù ngôn ngữ thơ. Ông nói thêm: "Nhìn bức tranh thơ ngổn ngang, bừa bộn vẫn có \'cái được\' của sự đổi mới. Thơ ca trở nên dân chủ hơn trong sáng tạo song song kế thừa yếu tố truyền thống và nhiều tìm tòi, thể nghiệm, phong cách đa dạng hơn".
Luật bỏ phiếu khó lường của giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar Giành nhiều vị trí số một nhất trên các lá phiếu của Viện hàn lâm chưa chắc đã đảm bảo cho tác phẩm đó thắng ... |
Lên quê hương “Vợ chồng A Phủ” Tà Xùa, Hồng Ngài, Háng Đồng, Hang Chú... là những địa danh nổi tiếng ở vùng cao huyện Bắc Yên (Sơn La) từng thấp thoáng ... |
Ngày đăng: 20:09 | 27/02/2018
/ vnexpress.net