Từ đêm 11 đến chiều nay 12/9 mưa lớn không ngớt khiến nhiều hộ dân ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng phải sống trong cảnh nước ngập sâu vào nhà gần 1m.
Nhiều người dân ở khu vực Khe Cạn, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê đã phải thức trắng đêm trước để tát nước ra ngoài, nhưng đến sáng và trưa 12/9, những cơn mưa như trút nước kéo dài khiến nước ngập chực dâng vào nhà. Lo nước tiếp tục dân cao, nhiều người dân đã khẩn cấp đưa các cháu nhỏ và người già đến nhà người thân để tránh ngập.
Ông Huỳnh Tấn Đức, tổ trưởng tổ 26, phường Thanh Khê Tây, cho biết tổ có hơn 70 hộ dân nhưng có đến 37 hộ bị ngập nước, nhiều nhà ngập sâu.
Bà Dương Thị Xanh (trú tổ 26) cho biết, nhà bà bị ngập sâu hơn 1m từ ngày 11/9. "Đến sáng nay thì nước có rút bớt nhưng cũng còn khoảng nửa mét. Tối qua, tôi đưa 2 đứa cháu lên gác gỗ để ngủ, còn đồ đạc được bà con hàng xóm phụ kê lên cao để đỡ hư hỏng", bà Xanh nói thêm. Gia đình bà rất khó khăn, nhà cửa hư hỏng nhiều năm nay nhưng do nằm trong khu vực giải tỏa nên không sửa chữa được.
Chính quyền địa phương đã lên phương án bố trí Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển làm nơi sơ tán cho người dân. Nếu mưa to kéo dài tiếp tục gây ngập nặng, quận sẽ vận động người dân đi sơ tán để đảm bảo an toàn.
Chiều 12/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cũng đã ban hành công điện đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện triển khai công tác khắc phục thiệt hại sau mưa bão và ứng phó với nguy cơ mưa lũ, ngập úng đô thị.
Theo tinh thần công văn này, chủ tịch UBND các quận, huyện sẽ là tổng chỉ huy khắc phục thiệt hại do bão số 5 (Côn Sơn) gây ra trên địa bàn theo phân cấp trách nhiệm được giao và lưu ý bảo đảm công tác phòng chống COVID-19 tại các điểm sơ tán, tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão, lũ, chủ động triển khai sơ tán bảo đảm an toàn cho nhân dân trong mưa, lũ và bảo đảm công tác phòng chống COVID-19. Kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, các hồ chứa nước, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn.
Tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết; khuyến cáo người dân từ khu sơ tán trở về phải kiểm tra nhà ở (kết cấu, mái, hệ thống điện,…) và chằng chống, sửa chữa bảo đảm an toàn trước khi vào ở.
Vận động các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, lũ; chú ý đề phòng mưa lũ lớn, ngập lụt sau bão để chủ động ứng phó.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an TP Đà Nẵng, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và các đơn vị liên quan triển khai phương án dọn dẹp rác, xử lý vệ sinh môi trường sau bão…
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước; phối hợp với Công an thành phố (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy) tổ chức bơm chống ngập ở khu vực nội thành.
Phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục thiệt hại đối với hệ thống cấp nước, bảo đảm nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất trên địa bàn; khắc phục thiệt hại hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên toàn địa bàn thành phố và các hư hỏng của các công trình xây dựng do mưa bão gây ra.
Hoài Thu
Ngày đăng: 17:44 | 12/09/2021
/ cand.com.vn