Năm 2022, các nước trên thế giới đạt được một thỏa thuận tham vọng nhằm ngăn chặn sự tàn phá thiên nhiên, đặt mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ vào cuối thập kỷ này. Tuy vậy, sau hai năm, chưa có nhiều tiến triển trong việc đạt được các mục tiêu này.

Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (LHQ) lần thứ 16 (COP16) chính thức khai mạc tại thành phố Cali, Colombia. Diễn ra từ 21/10 tới 1/11, COP16 hướng tới mục tiêu thương thảo các bước tiếp theo trong việc thực hiện thỏa thuận khung Côn Minh-Montreal năm 2022.

Thỏa thuận này được so sánh với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng dành cho thiên nhiên, nhằm giải quyết sự suy giảm nghiêm trọng về đa dạng sinh học toàn cầu. Với chủ đề “Hòa bình với thiên nhiên”, hội nghị đề ra các cơ chế giám sát và tài trợ nhằm đảm bảo thống nhất 23 mục tiêu của LHQ, ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các loài vào năm 2030.

Hội nghị COP16 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Đầu tiên, thành phố chủ nhà Cali đang trong tình trạng báo động cao với những mối đe dọa từ các nhóm vũ trang. Cụ thể, nhóm vũ trang EMC tại Colombia, một nhánh của lực lượng vũ trang cách mạng Farc giải tán năm 2017, đã phủ bóng đen lên sự kiện khi kêu gọi các đoàn đại biểu nước ngoài tránh xa và cảnh báo hội nghị sẽ thất bại. Cali là thành phố lớn gần phần lãnh thổ do EMC kiểm soát nhất. Nhóm vũ trang cũng đang tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ nhưng vẫn bế tắc.

Tổng thống Colobia Gustavo Petro tuần trước nhấn mạnh: “Có những người muốn biến cuộc họp này thành sân khấu của bạo lực và chết chóc”, đồng thời cho biết thêm rằng nước này hy vọng không có điều gì bất trắc xảy ra. Được biết, Colombia triển khai hơn 10.000 cảnh sát, cũng như các đơn vị quân đội, ngoài ra còn có hệ thống bảo vệ trên không và chống máy bay không người lái, lực lượng an ninh của Mỹ và LHQ.

Nhiều kỳ vọng với hội nghị COP16 tại Colombia -0
Hội nghị COP16 diễn ra từ ngày 21/10 đến 1/11 tại Cali, Colombia. Ảnh Getty Images

Bên cạnh đó, theo thống kê của hãng tin Reuters trước sự kiện COP16, sự tàn phá thiên nhiên trên toàn cầu hiện đã đạt tới “một mức độ chưa từng có”. Dẫn nguồn Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), Reuters đưa tin, hơn một phần tư các loài động vật và thực vật được biết đến, khoảng 45.300 loài hiện đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Bên cạnh đó, số lượng động vật hoang dã đã được theo dõi cũng giảm tới 73% trên toàn cầu vào năm 2020 so với năm 1970. Trên biển, theo Tổ chức lương thực và nông nghiệp LHQ, khoảng 38% trữ lượng cá đang bị đánh bắt quá mức, gây mất ổn định hệ sinh thái rạn san hô. Ngoài ra, hàng loạt khu vực trên thế giới đã và đang trải qua những đợt thiên tai thảm khốc trong thời gian gần đây.

Hội nghị thượng đỉnh ở Colombia, đánh dấu cuộc họp lần thứ 16 của các quốc gia đã ký “Công ước về Đa dạng sinh học” ban đầu năm 1992, được coi là hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học lớn nhất cho đến nay, với khoảng 23.000 đại biểu từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đăng ký tham gia cũng như một khu vực triển lãm lớn mở cửa cho công chúng.

Theo giới phân tích, các đại biểu chịu áp lực lớn trong việc thể hiện sự ủng hộ đối với các mục tiêu đã được nêu trong thỏa thuận Côn Minh-Montreal. Mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và doanh nghiệp hiện nay là làm thế nào có thể chi trả cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Gavin Edwards, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Nature Positive, cho biết: “COP16 là cơ hội để tiếp thêm năng lượng và nhắc nhở các nước về những cam kết họ đưa ra cách đây hai năm, bắt đầu điều chỉnh lộ trình nếu muốn đạt được mục tiêu năm 2030”.

Dấu hiệu rõ ràng nhất về việc tiến trình bị chậm trễ là hầu hết các quốc gia vẫn chưa nộp kế hoạch bảo tồn, được gọi chính thức là Chiến lược và kế hoạch hành động về đa dạng sinh học quốc gia (NBSAP). Đến hết ngày 20/10, chỉ có 31 trong số 195 quốc gia đã nộp kế hoạch đầy đủ lên ban thư ký hội nghị, chủ yếu là các nước giàu như Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Canada. 73 quốc gia khác đã đệ trình kế hoạch ít tham vọng, chỉ nêu các mục tiêu quốc gia của họ, mà không đề cập chi tiết về cách thức đạt được các mục tiêu đó. Thực tế này có thể khiến các chuyên gia gặp khó khăn trong việc đánh giá tiến độ thực hiện mục tiêu “30x30” mang tính biểu tượng của thỏa thuận là bảo tồn 30% đất và biển vào năm 2030.

Bộ trưởng Môi trường Colombia Susana Muhamad, Chủ tịch COP16, khẳng định hội nghị thượng đỉnh cần đánh giá các kế hoạch đã được đệ trình cho đến nay, đồng thời, phải xem xét lý do tại sao rất nhiều kế hoạch khác lại chậm trễ. Bernadette Fischler Hooper, giám đốc vận động của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, cho biết các quốc gia nghèo hơn đã gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ và chuyên môn cần thiết để xây dựng các kế hoạch đa dạng sinh học quốc gia. Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của hội nghị năm nay.

Với hội nghị lần này, Colombia, quốc gia có đa dạng sinh học đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil, đặt mục tiêu sẽ đi đầu trong việc bảo vệ thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu. Bà Muhamad cho biết, bên cạnh thảo luận về tài chính và đánh giá chính sách, các nhà đàm phán cần tập trung vào cuộc khủng hoảng thiên nhiên thực tế đang diễn ra. Bà cũng kêu gọi các quốc gia xem xét các kế hoạch giải quyết biến đổi khí hậu như một phần trong chương trình nghị sự về đa dạng sinh học vì hai vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/nhieu-ky-vong-voi-hoi-nghi-cop16-tai-colombia-i747870/

Ngày đăng: 09:28 | 22/10/2024

Duy Tiến / VTC News