Dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 kéo dài gần chục ngày, nhưng nhiều học sinh cuối cấp không cho phép bản thân nghỉ dù chỉ một ngày mà dành thời gian ôn thi.
Tết Nguyên đán năm nay, em Nguyễn Thị Cẩm Tú, học sinh lớp 12 trường THPT Đan Phượng (Hà Nội), được nghỉ 11 ngày liên tiếp. Thế nhưng, từ lâu nữ sinh đặt mục tiêu vào hai trường top đầu: Đại học Kinh tế quốc dân và trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội nên bản thân chưa khi nào dám lơ là, chểnh mảng trong việc học. Ngay từ khi nhận thông báo nghỉ Tết Nguyên đán nữ sinh đã lên kế hoạch cho việc ôn luyện.
"Vào giữa tháng 3 tới, em sẽ tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Chúng em là lứa học sinh đầu tiên thi theo chương trình phổ thông mới, ai cũng rất sợ sẽ gặp những dạng câu hỏi lạ trong đề nên phải tranh thủ dịp Tết này ôn luyện và làm quen với càng nhiều dạng càng tốt", Cẩm Tú bày tỏ lo lắng.
Theo kế hoạch trong 11 ngày nghỉ, buổi sáng nữ sinh dành thời gian giải đề các môn, buổi chiều luyện viết văn và buổi tối là lúc ôn tổng hợp kiến thức. Trước khi ngủ, cô nàng không quên suy ngẫm lại những gì mình đã học trong ngày.
Sợ quên kiến thức, nhiều học sinh cuối cấp lên kế hoạch ôn thi xuyên Tết. (Ảnh minh hoạ)
Khát khao bước chân vào các trường đại học top đầu với tỷ lệ chọi cao, Cẩm Tú cho rằng bất kỳ phút lơ là nào cũng có thể khiến bản thân bị tụt lại phía sau trong cuộc đua khắc nghiệt này. Do đó, cô nàng không cho phép bản thân nghỉ ngơi dù chỉ 1 ngày.
"Việc đặt nguyện vọng vào các trường top mang theo áp lực không hề nhỏ. Vì vậy em cần cố gắng hết sức, tránh hối hận về sau", nữ sinh nói. Năm nay, cô nàng nhận trông nhà cho bố mẹ và anh trai đi chúc Tết, du xuân.
Hà Đức Duy, học sinh lớp 12 tại Thanh Hoá cũng dồn sức chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa và tốt nghiệp THPT 2025, với kế hoạch ôn tập chi tiết từ trước đến sau Tết. Đức Duy tâm sự, đây là thời điểm quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của 12 năm đèn sách nên bản thân muốn tập trung ôn luyện, không dám nghĩ đến chuyện vui chơi.
Từ giữa năm lớp 11, Đức Duy đã duy trì thói quen luyện đề hàng ngày, mỗi ngày ít nhất 3 đề/3 môn Toán, Lý Hoá, chưa kể các bài tập thầy cô giao trên lớp. Với đà học như vậy, nếu nghỉ dài nam sinh sợ mất thói quen. Chưa kể, bản thân Đức Duy vẫn còn nhiều bỡ ngỡ trước cấu trúc đề thi và yêu cầu mới.
"Dù đôi lúc cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi nhưng em hiểu rằng, ở giai đoạn nước rút này em cần tập trung cao độ. Bố mẹ và thầy cô không tạo áp lực nhưng em cũng không muốn họ phải thất vọng. Nếu thầy cô không cho bài thì em sẽ tự học, tự tìm thêm đề làm", 10X nói. Lựa chọn khối A00, nam sinh có nguyện vọng 1 vào Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Kỹ thuật điện.
Hà Đức Duy dồn sức chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa vào tháng 3 tới và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. (Ảnh: NVCC)
Đồng tình với Cẩm Tú, Đức Duy, Phạm Khánh Huyền, học sinh lớp 12 trường THPT Lê Quý Đôn (Thái Bình) cho rằng, nếu nghỉ quá nhiều, các bạn sẽ mất cảm giác học tập và cần nhiều thời gian hơn để bắt nhịp trở lại.
Chọn con đường du học Úc sau khi tốt nghiệp THPT, Khánh Huyền nhận định chứng chỉ SAT và IELTS là ưu tiên hàng đầu để làm nổi bật hồ sơ ứng tuyển. Do đó, cô nàng chọn ôn tập xuyên tết nhằm không gián đoạn nhịp luyện thi, thông qua những hoạt động như ôn và học thêm từ vựng, luyện nghe và tập nói, giải đề tiếng Anh mỗi ngày.
"Càng luyện nhiều đề, em càng quen với cấu trúc đề thi, từ đó nhận ra các mẹo giải nhanh, giúp rút ngắn thời gian làm bài", Huyền nói và đặt mục tiêu giải 2 đề/ngày trong kỳ nghỉ Tết. Riêng ngày mùng 1 Tết, cô nàng cho phép bản thân ''lười biếng" hơn chút, bằng việc giải 1 đề để khai bút đầu xuân.
Từng chứng kiến nhiều học trò lên kế hoạch học xuyên Tết mà không màng đến việc nghỉ ngơi, du xuân, cô Nguyễn Thị Lĩnh, giáo viên trường THPT chuyên Thái Bình bày tỏ sự không đồng tình.
Theo cô, việc lựa chọn học tập hay vui chơi dịp Tết là quyết định của mỗi cá nhân học sinh. Tuy nhiên, Tết cũng là dịp lễ quan trọng trong năm và là khoảng thời gian quý báu để tái tạo năng lượng sau những ngày học tập căng thẳng. Nếu bị cuốn vào chuyện học hành, học sinh không còn thời gian trải nghiệm và tận hưởng các hoạt động ý nghĩa trong kỳ nghỉ.
"Thời gian nghỉ Tết không quá dài, nên không cần quá lo ngại việc quên kiến thức. Chưa kể, các trường đều có kế hoạch ôn tập, bổ trợ kiến thức cho học sinh sau kỳ nghỉ lễ, nên các em và gia đình cứ yên tâm ăn Tết", cô Lĩnh nói và cho rằng, các sĩ tử không nên quá lo sợ trước những thay đổi trong các kỳ thi quan trọng sắp tới, thay vào đó nên tập trung vào chất lượng hơn số lượng khi làm bài tập trong các dịp lễ, Tết.
Nữ giáo viên khuyên, học sinh cần thiết lập một thời gian biểu cụ thể và linh hoạt, gồm các khung giờ dành cho ôn tập, nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động Tết cùng gia đình, để vừa có thể tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ lễ, vừa giữ vững hiệu quả học tập.
https://vtcnews.vn/nhieu-hoc-sinh-cuoi-cap-chay-nuoc-rut-on-thi-xuyen-tet-ar919440.html
Ngày đăng: 15:27 | 02/02/2025
Kim Nhung / VTC News