Nhiều ý kiến thắc mắc vì sao thời điểm này Việt Nam nới lỏng rất nhiều hoạt động nhưng vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh lưu hành.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện dịch bệnh chưa khống chế được hoàn toàn, SARS-CoV-2 vẫn có khả năng xuất hiện biến chủng mới... Coi như bệnh lưu hành tức là đưa COVID-19 ra khỏi danh sách bệnh nhóm A và điều này rất khó kiểm soát.

Quan điểm của Bộ Y tế là sẽ báo cáo Chính phủ giảm bớt cách ứng phó với dịch. Cụ thể, ứng phó với COVID-19 theo cấp độ nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A nhưng có thể một số điểm thuộc nhóm B, thậm chí mở rộng hơn.

“Chúng ta thực hiện ứng phó linh hoạt song không lơi là. Bộ Y tế vẫn tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên thế giới và sự thay đổi, biến hóa của virus SARS-CoV-2 để đưa ra hướng dẫn hợp lý, ông Sơn nói.

Nhiều hoạt động được nới lỏng, vì sao COVID-19 chưa thể coi là bệnh lưu hành? - 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Chưa thể coi là bệnh lưu hành

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, dù các bệnh dịch như HIV, cúm A, H1N1 trong quá khứ trở thành bệnh lưu hành, nhưng thời điểm này chưa thể coi COVID-19 là bệnh lưu hành.

“Đang là giai đoạn chuyển đổi dần, nghĩa là COVID-19 tiến triển theo hướng tích cực, tương lai mới có thể coi là bệnh lưu hành. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, coi COVID-19 như bệnh truyền nhiễm thông thường sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế. F0 tăng sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng và F0 tăng theo gây quá tải cho hệ thống y tế. Đó còn chưa kể đến COVID-19 vẫn có khả năng xuất hiện những biến chủng mới”, ông Phu nói.

Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, coi COVID-19 như bệnh truyền nhiễm thông thường sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Vị chuyên gia nhận định, hiện chưa thể chắc chắn việc kiểm soát dịch thật sự ổn định về tỷ lệ mắc mới. Trong khi muốn đưa COVID-19 về bệnh lưu hành hàng năm thì phải ổn định về ca mắc. Ngoài ra, yêu cầu về miễn dịch cộng đồng ở nước ta cũng chưa thể đạt, vì miễn dịch cộng đồng bao gồm cả miễn dịch tự nhiên và do tiêm chủng. Các nước Tây Âu ngoài việc tiêm chủng tỷ lệ cao thì họ đã trải qua 3-4 đợt dịch COVID-19 lớn, tỷ lệ dân số mắc rất cao. Trong khi Việt Nam tỷ lệ này còn thấp, nghĩa là miễn dịch cộng đồng chưa cao. Bên cạnh đó chúng ta cũng chưa có thuốc điều trị đối với COVID-19.

“Coi COVID-19 như bệnh lưu hành thông thường và đưa ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A nghĩa là chuyển sang nhóm B, chúng ta phải chấp nhận chữa bệnh mất tiền và tiêm vaccine cũng vậy. COVID-19 vẫn đang tác động lớn tới xã hội. Nếu không đầu tư, không quan tâm thì sẽ dẫn hậu quả khôn lường.

Chúng ta đang chuyển đổi dần với phương châm thích ứng linh hoạt, nới lỏng nhưng không buông trôi thả lỏng, bỏ cấm đoán song kiểm soát rủi ro và phòng tránh lây nhiễm. Tất cả phải thực hiện từng bước, chỉ khi nào biến chủng của bệnh không nặng lên nữa và sự đầu tư cho bệnh ổn định thì lúc đó mới có thể coi COVID-19 là bệnh lưu hành”, ông Phu nhấn mạnh.

Nhiều hoạt động được nới lỏng, vì sao COVID-19 chưa thể coi là bệnh lưu hành? - 2
Các chuyên gia nhận định, thời điểm hiện tại chưa thể coi COVID-19 là bệnh lưu hành mà vẫn phải tiếp tục kiểm soát, dự báo để phòng tránh rủi ro do dịch bệnh gây ra. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Quản lý rủi ro, từng bước thận trọng

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, để coi COVID-19 là bệnh lưu hành hàng năm cần rất nhiều yếu tố. Do đó, để đạt được yêu cầu trên cần chủ động phòng tránh COVID-19 từ bây giờ, qua đó kiểm soát rủi ro, từng bước thận trọng đánh giá để đưa COVID-19 trở thành bệnh lưu hành trong tương lai.

Giải pháp thứ nhất, kiểm soát rủi ro kết hợp với dự phòng. Nghĩa là nới lỏng các hoạt động phải diễn ra đồng bộ, kết hợp với dự phòng đồng bộ. Không dự phòng đồng bộ, dịch xảy ra phức tạp, đứt gãy trong chuỗi dự phòng, gây ảnh hưởng lao động sản xuất và an sinh xã hội.

Giải pháp thứ 2, tiếp tục tiêm vaccine. Vaccine có vai trò cốt lõi, giúp Việt Nam từng bước mở cửa. Minh chứng là dù thời gian qua ca nhiễm có tăng lên nhưng số tử vong và bệnh nặng lại không tăng.

“Chúng ta cần phải tiếp tục tiêm vaccine. Trong đó, đặc biệt chú ý tới nhóm người già, bệnh nền, những người thời gian vừa qua phải trì hoãn tiêm. Việc này rất quan trọng để hạn chế ca bệnh nặng, tử vong. Ngoài ra, cũng sớm tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi để sớm cho trẻ tới trường học”, ông Phu nhấn mạnh.

Nhiều hoạt động được nới lỏng, vì sao COVID-19 chưa thể coi là bệnh lưu hành? - 3
Tiếp tục nâng độ bao phủ tiêm vaccine là một trong những biện pháp từng bước đưa COVID-19 trở thành "bệnh lưu hành". (Ảnh: TTXVN)

Chung quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nêu, để coi COVID-19 là bệnh lưu hành và sống chung an toàn cần chú ý tới 3 điều kiện là tiêm vaccine, phòng bệnh đúng trong môi trường lao động và xây dựng kịch bản đúng, vừa phải.

Trong đó, việc tăng độ bao phủ tiêm vaccine kết hợp với miễn dịch tự nhiên số ca nhiễm sẽ giảm, giúp giảm gánh nặng cho ngành y tế. Còn với phòng bệnh trong môi trường lao động cần chú ý thực hiện đúng, đủ. Bệnh lưu hành thì vẫn là dịch bệnh, nếu siết chặt quá sẽ ảnh hưởng tới kinh tế.

Cuối cùng là “lo xa” đúng cách, vừa phải. Ví dụ như vẫn có chuyên gia lo ngại SARS-CoV-2 có thể tiếp tục đột biến và các biến thể sau có thể không nhẹ như Omicron. "Theo tiến trình tiến hóa thông thường virus ngày càng thuần với con người, lây nhanh hơn nhưng nhẹ hơn thì kịch bản đó khó xảy ra. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp ngược lại", BS Khanh nói.

"Cứ khư khư phòng thủ như với đại dịch chắc chắn kinh tế không phát trển được. Điều cần là sự linh hoạt, chuẩn bị phù hợp để ứng phó. Bây giờ là thời điểm phù hợp để xem COVID-19 như bệnh lưu hành, còn tương lai nếu không may xuất hiện kịch bản xấu xảy ra thì tái kích hoạt các biện pháp cần thiết cũng không muộn”, BS Khanh nói thêm.

Bộ Y tế mới đây báo cáo đề xuất Thủ tướng các vấn đề liên quan tới bệnh lưu hành. Theo Bộ Y tế, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của SARS-CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Trong nước, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao trên dưới 100 trường hợp mỗi ngày, cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi là những bệnh lưu hành có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành”. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những tỉnh, thành phố mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ từ vong hàng đầu trước đây. Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới, thậm chí các biến thể có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm khiến tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm khó xác định và chưa có tính ổn định. Như vậy, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là “bệnh lưu hành”.

PHẠM QUÝ

Dịch lên đỉnh, bác sĩ F0 điều trị bệnh nhân F0 Dịch lên đỉnh, bác sĩ F0 điều trị bệnh nhân F0
Ai dễ mắc hội chứng hậu COVID-19? Ai dễ mắc hội chứng hậu COVID-19?
F0 cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày? F0 cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

Ngày đăng: 15:14 | 16/03/2022

/ vtc.vn