Thực tế đáng buồn là nhiều giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa vì tiền chứ không phải vì lợi ích của các em hay tình yêu với nghề gõ đầu trẻ.

Thật chua chát khi nói lên sự thật không thể chối cãi rằng, nhiều giáo viên dạy thêm là vì tiền. Ngay cả những giáo viên cật lực phản đối cấm dạy thêm, cổ súy dạy thêm cũng là có mục đích riêng.

Một đồng nghiệp ở Hà Nội khoe với tôi mỗi tháng dạy thêm có thể kiếm được 100 triệu - 120 triệu đồng. Số tiền này bằng lương tháng của tôi cả năm. Được biết trung bình một lớp dạy thêm ở thủ đô có 40 học sinh, mỗi em đóng 60.000 đồng/ buổi, như vậy giáo viên dạy 8 buổi cũng thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Còn một đồng nghiệp khác ở tỉnh, dạy cho vui mỗi tháng cũng kiếm được 20-30 triệu đồng.

Tôi hỏi vài đồng nghiệp đang dạy hợp đồng tại các trường công lập rằng sao không bỏ nghề khi mức lương thấp như vậy? Họ thật thà trả lời, bám trụ lại chẳng qua để lấy cái “mác” mở lớp dạy thêm bên ngoài, chứ mấy ai sống nhờ đồng lương.

Mỗi mùa thi, một giáo viên dạy thêm có thể kiếm vài trăm triệu là chuyện bình thường. Đương nhiên không phải giáo viên nào cũng được thu nhập như vậy, bởi còn phụ thuộc vào trình độ, danh tiếng và môn học. Một giáo viên phổ thông lương có thể từ 5-10 triệu đồng nhưng thu nhập từ dạy thêm có thể gấp 10 lần con số đó.

Nhiều giáo viên dạy thêm vì tiền, không phải vì học sinh - 1
(Ảnh minh họa: PLO)

Vì thu nhập cao, nên giáo viên coi dạy thêm là công việc chính, dạy trên lớp chỉ là phụ. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Lớp học thêm càng đông, thu nhập của giáo viên càng cao. Do đó, một số người không từ bất kỳ thủ đoạn, chiêu trò nhằm lôi kéo, dụ dỗ, dọa nạt học sinh đến lớp.

Một chiêu “khủng bố” quen thuộc là ép học sinh đi học để cải thiện điểm. Ban đầu, giáo viên cho một loạt điểm 1, điểm 2. Sau đó thầy cô “mở đường hiếu sinh” bằng cách học thêm để “cải thiện điểm”.

Vậy là các em lần lượt ghi danh để thầy cô xếp lịch học thêm ở nhà. Học vài ba tháng thì “hiệu quả điểm số” được nâng lên rõ rệt. Những điểm 1, điểm 2 lần lượt biến mất, thay vào đó là điểm 9, điểm 10. Bài kiểm tra được thầy cô “nhá” trước nên học sinh làm bài dễ như trở bàn tay. Chỉ tội mấy em không học thêm với thầy cô (tự học ở nhà) không biết đường làm.

Nếu vẫn còn một vài học sinh chưa chịu học thêm, giáo viên lấy số điện thoại phụ huynh thông báo bài kiểm tra điểm thấp, yêu cầu cho học sinh học thêm, nếu không sẽ ở lại lớp.

Những giáo viên như vậy không xứng đáng đứng trong ngành giáo dục. Họ dạy học xuất phát từ mục đích kiếm tiền chứ không phải vì cái tâm với trò. Tôi mong đồng nghiệp và phụ huynh cùng phản đối vấn nạn này để trả lại sự trong sạch cho ngành giáo dục. Với những giáo viên đã, đang và sẽ có ý định ép học sinh đi học để dạy lấy tiền, theo tôi họ nên bỏ nghề.

HOÀNG ĐỨC (Giáo viên)

Buộc thôi việc giáo viên dạy thêm trong thời điểm tạm dừng vì COVID-19 Buộc thôi việc giáo viên dạy thêm trong thời điểm tạm dừng vì COVID-19
Trẻ bị đánh đập ở điểm dạy thêm: Người đánh là ai? Trẻ bị đánh đập ở điểm dạy thêm: Người đánh là ai?
Cô giáo quỳ gối trước ủy ban tỉnh bị điều chuyển do vi phạm dạy thêm Cô giáo quỳ gối trước ủy ban tỉnh bị điều chuyển do vi phạm dạy thêm

Ngày đăng: 08:47 | 02/01/2021

/ vtc.vn