Bộ Công an đã tích cực thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tiếp tục lấy ý kiến, giải trình ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, các địa phương, các tổ chức, cá nhân…
Ngày 6/4, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 4/2022. Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự, báo cáo về 2 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Hội nghị có sự tham gia của các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng; lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành Trung ương; các đồng chí Bí thư, Thường trực tỉnh, thành uỷ. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới gần 2.000 điểm cầu trong cả nước với hơn 50 nghìn đại biểu tham dự.
Tiếp thu triệt để ý kiến của các chuyên gia, đại biểu
Nhấn mạnh về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ do Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) soạn thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu rõ: Chính phủ giao Bộ Công an và Bộ GTVT chủ trì xây dựng 2 dự án Luật độc lập thay cho Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi năm 2008 là Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ.
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về chủ trì xây dựng Luật TTATGT đường bộ, Bộ Công an đã nghiêm túc tiếp thu, phối hợp với Bộ GTVT trình các cấp, xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức đảng, các bộ, ngành, tổ chức xã hội…; tổ chức rất nhiều hội thảo khoa học, xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học. Hai dự án Luật này đã được Chính phủ trình Quốc hội theo đúng quy định.
Về cơ sở chính trị pháp lý của việc xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, thực hiện kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 – CT/TW của Trung ương, trong đó xác định công tác đảm bảo TTATGT là một nội dung của công tác bảo đảm ANQG, giữ gìn TTATXH.
Mới đây nhất là Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, phê duyệt Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Trong đó đề ra nhiệm vụ xây dựng nghiên cứu xây dựng dự án Luật điều chỉnh nội dung về bảo đảm TTATGT đường bộ và nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản khác của Đảng, Chính phủ. “Việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua; là sự cụ thể hoá Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về TTATGT đường bộ trong tình hình mới” - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.
Luật GTĐB năm 2008 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, sau một thời gian dài phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không phù hợp với tình hình thực tế, đòi hỏi khách quan phải có những đạo luật thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực.
“Chúng ta hình dung Luật GTĐB quy định 3 lĩnh vực độc lập, khác nhau là TTATGT đường bộ; hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ nên có nhiều vấn đề bất cập. Sau này chúng ta phải sử dụng nhiều văn bản dưới Luật để điều chỉnh, trong đó có quy định liên quan đến hạn chế quyền của con người. Quyền này phải được quy định bằng Luật. Ví dụ nếu xảy ra một vụ tai nạn, lực lượng chức năng phải ngăn đường để giải quyết vụ tai nạn. Đó cũng là hạn chế quyền con người. Nhưng việc xử lý tai nạn giao thông không được quy định trong Luật mà được quy định ở Nghị định, thông tư. Đây cũng là vấn đề cấp thiết phải xây dựng 2 Luật này từ Luật GTĐB 2008” - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Đồng chí Thứ trưởng chỉ rõ Luật GTĐB 2008 đã quy định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo hành bảo trì quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể, nhất là cơ chế thu hút, sử dụng vốn, quản lý đầu tư, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng…còn rất nhiều vấn đề bất cập.
Trong các chế định liên quan đó, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực TTXH lại chủ yếu quản lý trạng thái động và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ điều chỉnh trạng thái tĩnh. Như vậy, Luật GTĐB điều chỉnh 2 trạng thái động và tĩnh đan xen, chồng lấn nhau.
Bộ Công an và Bộ GTVT đều phải dùng các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của mình để điều chỉnh các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ. “Qua các hội thảo, các cuộc toạ đàm giữa Bộ Công an và Bộ GTVT và các tổ chức chính trị, xã hội; tổ chức nghề nghiệp đã phân tích kỹ, thấy rằng cần phải có 2 đạo luật quy định rất cụ thể 2 vấn đề này” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.
Luật GTĐB 2008 không quy định rõ cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về ANTT và cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật.
Từ đó, xuất hiện những vấn đề bất cập, chồng chéo; việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm, huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa rõ ràng dẫn đến việc tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, các cơ quan chức năng đã có khảo sát và trao đổi kinh nghiệm của nước ngoài liên quan trong việc lập pháp liên quan đến đảm bảo ATGT.
Đã khảo sát trực tiếp thông qua các cơ quan chức năng ở nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nga, Đức…cho thấy các quốc gia trên không có quốc gia nào ban hành một đạo luật điều chỉnh bao gồm 3 lĩnh vực an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ.
Nhiều quốc gia chia nhỏ các lĩnh vực. Điển hình như Trung Quốc thì có một đạo luật về đường cao tốc; đường sắt; ở Hàn Quốc cũng xây dựng Luật riêng về kết cấu hạ tầng giao thông; luật riêng về vận tải đường bộ; luật đường cao tốc…
“Nghiên cứu Công ước Vienna năm 1968, chúng tôi thấy Công ước chỉ quy định về an toàn giao thông, không quy định về kết cấu hạ tầng giao thông vì kết cấu hạ tầng giao thông phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, nguồn lực của từng quốc gia” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Về quá trình xây dựng Luật, từ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV đến nay, Bộ Công an đã kiên trì thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tiếp tục lấy ý kiến, giải trình ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, các địa phương, các tổ chức, cá nhân…
Điểm mới trong dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, chính sách về quy tắc giao thông đường bộ trong Luật TTAGT đường bộ chủ yếu nội luật hoá quy tắc của Công ước Viên về giao thông đường bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam. Kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật GTĐB, Luật hoá một số quy định ở các văn bản dưới luật nên dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại một số quy định về TTGT đường bộ cho phù hợp.
Chính sách về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ: Dự thảo luật cũng đã quy định về điều kiện xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe thô sơ… Có nhiều sự đổi mới sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và tham khảo ý kiến các chuyên gia, các quy định luật pháp của nước ngoài.
“Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe, người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo, giáo viên dạy theo yêu cầu; được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật TTATGT đường bộ. Không bắt buộc phải vào cơ sở A, B để học; được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý sát hạch, cấp GPLX để tham gia dự thi sát hạch chứ không chỉ định phải vào cơ sở bắt buộc để sát hạch” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng cho biết, điểm mới nữa so với dự thảo Luật trình Quốc hội khoá XIV thì dự thảo hiện tại không quy định hình thức cấp biển số xe ô tô qua đấu giá và không quy định về điểm của giấy phép lái xe.
“Đây là đề tài mà báo chí và dư luận quan tâm. Lúc đầu chúng tôi định đưa vào dự án Luật này, nhưng sau khi tham khảo ý kiến của đại biểu, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thực hiện Nghị quyết thí điểm. Đấu giá theo hình thức lựa chọn của người dân chứ không phải lựa chọn số đẹp, số xấu theo quan niệm của chúng ta lâu nay. Không có quan niệm số tứ quý, ngũ quý hoặc số tiến, số lùi là số đẹp mà số đấu giá là số mà cá nhân, tổ chức thích số nào thì đăng ký đấu giá. Nếu có 2 người đăng ký cùng 1 số thì sẽ tổ chức đấu giá công khai” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng thông tin các điểm mới về chính sách chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; chính sách giải quyết tai nạn giao thông; chính sách kiểm tra, kiểm soát về TTATGT; chính sách quản lý Nhà nước về TTATGT đường bộ.
Cần thiết ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ: Vì sự an toàn của cả cộng đồng
Thấy gì qua con số hơn 90% số vụ tai nạn giao thông đường bộ là do lỗi của con người gây ra? Điều đó ... |
Cần thiết ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ: Bất cập từ sự “ôm đồm”
“Đã đến lúc buộc phải có luật đi đường”, câu nói vui nhưng rất rõ nghĩa của Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục ... |
Ngày đăng: 20:52 | 06/04/2022
/ cand.com.vn