Dọc cung đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển trên địa bàn TP Hà Nội do Công ty CP đường sắt Hà Thái quản lý, nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã có hành vi “xẻ thịt”, lấn chiếm tràn lan.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc chiếm dụng đất của các doanh nghiệp này đều được tiếp tay bởi Công ty Đường sắt Hà Thái (đơn vị được giao quản lý cung đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển).
Lấn chiếm tràn lan
Khảo sát dọc tuyến đường sắt cung Bắc Hồng - Văn Điển trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, đất hai bên hành lang an toàn đường sắt bị chiếm dụng phổ biến, nóng nhất hiện nay là đoạn qua địa bàn phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm đang tồn tại gần chục điểm lấn chiếm đất hành lang đường sắt. Đáng nói, thực hiện các hành vi lấn chiếm, chiếm dụng này là các doanh nghiệp, cả tư nhân và Nhà nước, diện tích đất bị chiếm dụng lên tới hàng nghìn mét vuông.
UBND phường Xuân Đỉnh thừa nhận, nhiều vị trí đất lành lang đường sắt trên địa bàn phường bị lấn chiếm, chiếm dụng từ khá lâu nhưng việc giải quyết, xử lý còn phức tạp.
Cả nghìn mét vuông đất hành lang đường sắt đang bị Công ty CP Xe điện Hà Nội (phần rào tôn xanh, để xe máy) lấn chiếm
Cụ thể, đoạn từ khu vực trụ N38 đến N48 rồi từ trụ N52 đến N63 gầm cầu đường sắt đang có các công trình nhà tạm, lán tôn dân sinh. Hiện, phường Xuân Đỉnh vẫn đang lập kế hoạch để giải tỏa. Còn, khu vực trụ từ N52 đến N56 đang có tập kết máy móc, vật liệu, nhà tạm khung sắt mái tôn, container.
Ông Trần Trung Tuyển, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh thừa nhận, phường đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm của Công ty CP xây dựng thương mại Hùng Vĩ nằm trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt.
Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, từ trụ N55 đến N56 cũng có tình trạng tập kết vật liệu xây dựng, dựng nhà tôn trong hành lang an toàn đường sắt, do Công ty TNHH phát triển xây dựng Việt Nam Kiến Hưng xây dựng.
Đáng nói, ông Tuyển cho hay, việc lấn chiếm đất của các doanh nghiệp trên đều có sự cho phép của Công ty CP Đường sắt Hà Thái.
Cụ thể, báo cáo của UBND phường Xuân Đỉnh cho thấy, ngày 25/4/2012, Công ty CP Đường sắt Hà Thái đã ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 244/2012/HĐ-HTKD với Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Phú Dũng, nội dung hợp đồng: Xây dựng hàng rào bảo vệ hành lang phía Nam gầm cầu Thăng Long từ trụ N48 đến N63 để phục vụ quản lý, khai thác kinh doanh; chức năng, bảo vệ hành lang ATGT đường sắt và khai thác kinh doanh điểm đỗ xe tĩnh, trưng bày cây cảnh phục vụ an sinh xã hội.
Sau đó, ngày 1/1/2018 Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Phú Dũng đã ký Hợp đồng hợp tác với Công ty CP Xây dựng và thương mại Hùng Vĩ, vị trí khu đất được xác định là thuộc hành lang ATGT đường sắt, đoạn dẫn gầm cầu đường sắt Nam Thăng Long từ trụ ON52 đến ON56, diện tích 4.000m2.
Tương tự, cũng dưới danh nghĩa hợp đồng hợp tác xây dựng, khu vực từ trụ cầu N56 đến N63, ngày 6/8/2016, Công ty Đường sắt Hà Thái đã ký hợp đồng với Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội để sử dụng đất hành lang đường sắt phục vụ tập kết phương tiện xe, máy phục vụ vệ sinh môi trường.
Lấn chiếm để... chống trộm cắp!?
Tại khu vực vực KM11+950 đến Km12+150, ngay phía sau của Công ty CP Xe điện Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, có tình trạng lấn chiếm ra hành lang đường sắt cả nghìn mét vuông. Hiện nay, diện tích đất lấn chiếm này đã được quây tôn, tập kết xe máy của Công ty. Được biết, việc làm này của Công ty CP Xe điện Hà Nội cũng được Công ty Đường sắt Hà Thái "bật đèn xanh" cho phép.
Trả lời về việc lấn chiếm cả nghìn mét vuông đất hành lang đường sắt, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty CP Xe điện Hà Nội cho rằng, do trước đây có hiện tượng người dân đốt rác gây cháy lan và có tình trạng trộm cắp vật tư ở trong Công ty nên tháng 6/2018, Công ty đã có văn bản kiến nghị UBND phường Xuân Đỉnh và Công ty CP Đường sắt Hà Thái giao đất để chống lấn chiếm, bảo vệ hành lang đường sắt và chống trộm cắp.
Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao không tự xây tường bao trên phạm vi đất của mình cao lên để chống trộm mà lại phải lấn hàng lang an toàn đường sắt, ông Nguyễn Quang Huy không trả lời.
Đáng nói, theo UBND phường Xuân Đỉnh, tất cả các hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Đường sắt Hà Thái với các doanh nghiệp về việc sử dụng đất hành lang đường sắt để kinh doanh đều không được sự đồng ý của Bộ GTVT.
Hà Nội: Chưa giải quyết dứt điểm san lấp, lấn chiếm lòng hồ Ngòi UBND phường Mộ Lao (Hà Nội) thông tin về văn bản Báo Lao Động phản ánh việc ngang nhiên san lấp, lấn chiếm lòng hồ ... |
Hiệu trưởng lấn chiếm lòng đường 3 ngày để dựng rạp đám cưới cho con Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Hải Phòng đã lấn chiếm lòng đường liên xã trong suốt 3 ngày để dựng rạp làm đám cưới cho ... |
Nữ hiệu trưởng bị tố xây nhà lấn chiếm gần 450m2 Hiệu trưởng trường THCS Đồng Lương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) bị tố xây nhà lấn chiếm gần 450m2 tại thị trấn. |
Dân lấn chiếm lòng sông, ồ ạt thả phao, bè nhử vẹm ở Khánh Hòa Hàng chục hộ dân đang lấn chiếm lòng sông Quán Trường, thành phố Nha Trang để nuôi, nhử vẹm, cản trở dòng chảy, gây ô ... |
Ngày đăng: 12:13 | 18/11/2019
/ anninhthudo.vn