Liên tiếp những ngày qua, nhiều cửa hàng xăng dầu ở miền Tây treo biển hết xăng hoặc bán nhỏ giọt khiến người dân bức xúc.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
Tuy vậy, tình trạng đóng cửa tạm dừng hoạt động, mở cửa nhưng thông báo hết xăng dầu, bán nhỏ giọt đang diễn ra những ngày gần đây ở khu vực miền Tây khiến người dân bức xúc.
40 cửa hàng ở An Giang hết xăng
Trong các ngày từ 25/8 đến 30/8, tại An Giang xuất hiện tình trạng các cửa hàng tạm ngưng hàng loạt, thông báo hết xăng, dầu hoặc bán giảm số lượng, bán nhỏ giọt….
Qua kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) An Giang phát hiện có tổng cộng 40 cơ sở bán lẻ hết xăng dầu, 13 cơ sở tạm dừng hoạt động.
Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung hạn chế, chưa cung cấp kịp thời và hoa hồng thấp (hiện bằng 0 đồng), hoạt động thua lỗ nên các doanh nghiệp xăng dầu không mặn mà trong việc kinh doanh, mua hàng về bán.
"Qua kiểm tra hầu như không có chuyện găm hàng chờ tăng giá. Hiện nay một số cơ sở kinh doanh xăng dầu cho biết, họ trả tiền trước cho các đầu mối nhưng các đầu mối nói khi nào có xăng thì sẽ chuyển về nên các cơ sở kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn. Các cửa hàng của Petrolimex lượng xăng dầu ổn định nhưng khi các nơi khác cạn nguồn thì người tiêu dùng đổ dồn về các cửa hàng của Petrolimex khiến họ cũng quá tải", ông Huỳnh Ngọc Hồ, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh An Giang thông tin.
Cục QLTT tỉnh An Giang yêu cầu Đội trưởng các Đội QLTT tập trung triển khai giám sát, nắm thông tin về tình hình hoạt động 24/24 (thời gian bán hàng đã đăng ký, niêm yết) đối với tất cả cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý trong đợt cao điểm từ nay đến hết ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Các Đội QLTT tiếp tục duy trì việc giám sát định kỳ, đột xuất để chủ động nắm thông tin, tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Trong quá trình giám sát, nắm tình hình nếu phát hiện các trường hợp đóng cửa, không bán hàng, ngừng bán hàng, mở cửa nhưng hết xăng dầu, giảm thời gian bán hàng, giảm lượng hàng bán ra cần kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân của từng trường hợp.
Một số đầu mối phân bổ luợng hàng không đảm bảo
Theo số liệu khảo sát của Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng, đến ngày 29/8, có khoảng 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu treo biển hết xăng dầu, gây tình trạng hết xăng dầu cục bộ. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do các cửa hàng không nhập được hàng, nguồn cung từ các thương nhân phân phối hạn chế.
“Các cửa hàng này chủ yếu thuộc hệ thống đại lý hoặc nhượng quyền bán lẻ của một số công ty như Công ty Cổ phần TM Dầu khí Cửu Long, Công ty CP Dầu khí Mêkong, Công ty TNHH Thương mại Dầu khí Nam Sông Hậu Sóc Trăng...”, báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng nêu.
Cũng theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, qua khảo sát tình hình thực tế và báo cáo của các doanh nghiệp, lượng xăng dầu cung ứng trên địa bàn tỉnh trong tháng vừa qua có tăng nhưng không nhiều so với tháng trước. Lý do có doanh nghiệp tăng sản lượng nhưng cũng có doanh nghiệp giảm sản lượng cung ứng, tổng nguồn cung vẫn đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của các thương nhân phân phối xăng dầu có trụ sở hoặc chi nhánh tại tỉnh Sóc Trăng vẫn hoạt động bình thường, hàng hóa luôn đủ cung ứng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, có tình trạng hết xăng dầu cục bộ ở một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của một số doanh nghiệp.
Dự kiến, nếu các doanh nghiệp đầu mối không tăng sản lượng cung ứng cho thị trường Sóc Trăng, tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra do nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sắp tới dự báo sẽ tăng cao.
“Việc hết xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là do một số đầu mối kinh doanh xăng dầu phân bổ sản lượng, lượng hàng không đảm bảo nhu cầu cho các chi nhánh trên địa bàn tỉnh. Do đó, Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đầu mối kinh doanh xăng dầu như Công ty Cổ phần thương mại Dầu khí Cửu Long, Công ty cổ phần Dầu khí Mêkong, Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu... tăng sản lượng phân bổ cho thị trường Sóc Trăng để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong thời gian tới, nhất là phục vụ mùa thu hoạch và các dịp nghỉ lễ tới gần”, báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng nêu.
Xử lý hành vi đưa thông tin thất thiệt về thị trường xăng dầu
Tại Cà Mau, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh này vừa có công văn yêu cầu các Đội QLTT trực thuộc tiếp tục quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhằm ổn định trật tự, chống đầu cơ, găm hàng, vi phạm pháp luật về giá; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trường hợp xuất hiện các doanh nghiệp phân phối, cửa hàng, đại lý bán lẻ dừng bán hàng thì phải kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân. Phân công công chức trực tại địa bàn được giao quản lý, kể cả ngày nghỉ, dịp lễ để tiếp nhận thông tin, tin báo, phản ánh về hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, tăng cường việc quản lý địa bàn, kịp thời nắm bắt các thông tin trên các diễn đàn, mạng xã hội nhằm phát hiện các thông tin thất thiệt liên quan đến mặt hàng xăng dầu.
“Kịp thời cung cấp thông tin, phối hợp với công an các địa phương tổ chức xác minh, kiểm tra hoặc chuyển cơ quan công an điều tra các hành vi đưa thông tin thất thiệt, không đúng sự thật về tình hình thị trường xăng dầu để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Cà Mau yêu cầu.
Ngày đăng: 12:34 | 31/08/2022
Thanh Tiến / VTC News