Năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, kinh tế khó khăn khiến nhiều công nhân phải ngậm ngùi ăn Tết xa nhà, họ ở lại các khu trọ ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đón Tết.
Gần 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Với những người xa xứ, đây có lẽ là thời điểm được mong chờ nhất năm để về đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, khác với những năm trước, năm nay, cảm giác chộn rộn hồi hương của những người xa xứ dường như không còn...
Kinh tế quá khó khăn, không về được nhà
Trong căn phòng ọp ẹp chưa đầy 20m2 nằm cuối con hẻm nhỏ trên đường DT743 ở TP Thuận An (Bình Dương), chị Nguyễn Thị Thảo (21 tuổi) đang nặng nhọc chuẩn bị bữa cơm tối cho hai vợ chồng với bụng bầu đã bước qua tháng thứ 8.
Như bao đôi trẻ khác khi vừa về chung nhà, vợ chồng chị Thảo cũng mơ về một cuộc sống đủ đầy với ngôi nhà và những đứa trẻ. Và rồi, để "hiện thực hoá" giấc mơ, hai vợ chồng quyết định rời xứ dừa Bến Tre lên Bình Dương làm công nhân cho một công ty may mặc.
Chị Nguyễn Thị Thảo quyết định ở lại Bình Dương ăn Tết và đón em bé đầu lòng. |
"Vạn sự khởi đầu nan", câu này đúng là dành cho hai vợ chồng mình luôn ấy. Hồi mới cưới xong, tụi mình dự định lên đây làm công nhân rồi gom ít vốn sau này có mà trang trải cho cuộc sống. Thế nhưng, vừa làm được vài tháng thì dịch COVID-19 bùng phát, công ty đóng cửa. Cũng thời điểm đó mình có em bé, hai vợ chồng lúc đó chỉ biết nhìn nhau cười, rồi tự động viên tất cả sẽ ổn thôi", chị Thảo kể lại.
Tin vui đến với cặp vợ chồng trẻ đúng thời điểm cả hai đều thất nghiệp. Để có tiền khám thai theo định kỳ, trang trải tiền trọ và chi phí sinh hoạt, cả hai phải vay mượn nhiều nơi.
"Lúc đó vợ chồng mình chỉ biết động viên nhau cùng ráng lên, hết dịch đi làm lại sẽ có tiền trả nợ", chị Thảo nói.
Ấy thế mà mọi tính toán của hai vợ chồng lại một lần nữa bị trì hoãn. Khi dịch bệnh được kiểm soát, công ty hoạt động trở lại thì thai nhi đã bắt đầu bước qua tháng thứ 4. Bụng mang dạ chửa, chị Thảo không thể tăng ca ngày đêm như trước đây để nhận số tiền 8 triệu đồng mỗi tháng, vì vậy tiền lương chỉ còn phân nửa.
Chồng chị Thảo cũng không khá hơn, phần phải chăm sóc vợ thời kỳ thai nghén, phần vì đơn hàng của nhà máy giảm, nên lương hàng tháng nhận về cũng chỉ "3 cọc 3 đồng". Đó cũng là lý do hai vợ chồng quyết định ở lại Bình Dương ăn Tết và đón thành viên mới trong căn phòng trọ.
"Tết mà, sẽ rất nhiều thứ phải lo, mà muốn lo cái gì đều phải có tiền. Tình hình này, tiền đâu mà về, giờ lo kiếm thêm việc để trả nợ. Với cả hai vợ chồng không muốn làm khổ ba mẹ ở quê, đã không phụ giúp được gì giờ còn về bắt ba mẹ lo sinh đẻ giữa Tết thì áy náy lắm", chị Thảo chia sẻ.
Đang lúi húi với mớ đồ bẩn để cả tuần nay mới có thời gian giặt, anh Nguyễn Công Anh (27 tuổi, quê Thanh Hoá) buồn bã nói với chúng tôi: “Thôi năm nay xác định ăn Tết một mình trong phòng trọ".
Xóm trọ nơi anh Công Anh đang ở có 7 phòng, nhưng tất cả đều sử dụng chung khu tắm giặt, nhà vệ sinh. Thế nên, mỗi ngày làm 2 ca, đến tận 23h mới về tới phòng, anh chỉ kịp ngả lưng 6 tiếng đồng hồ rồi lại tiếp tục đến công ty.
Theo anh Công Anh, trước đây, anh chỉ làm 1 ca, nhưng đợt dịch vừa rồi Bình Dương giãn cách xã hội 3 tháng, công ty ngưng hoạt động, nên giờ phải làm bù để có tiền trang trải cho thời gian qua.
"Giờ thì Bình Dương ổn rồi, công việc bắt đầu ổn lại, cả năm dịch thấp thỏm chỉ mong thế này thôi. Về quê ăn Tết ai mà không muốn, nhưng giờ lớn rồi, đến tuổi lập gia đình rồi mà tay trắng về quê thì khó nhìn mặt họ hàng, làng xóm lắm. Nên tôi quyết định ở lại, vừa bớt chi phí, vừa có thời gian kiếm thêm ít đồng", anh Công Anh nói.
Đây là năm đầu tiên anh Nguyễn Văn Hoàn quyết định ăn Tết xa nhà. |
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hoàn (26 tuổi, quê Nghệ An), công nhân công ty giày da tại quận Bình Tân (TP.HCM) cũng đang "đau đầu" với bài toán "tiền đâu để về quê ăn Tết?". Làm công nhân tại TP.HCM 5 năm, đây là lần đầu tiên phải đắn đo giữa việc về hay ở.
"Bình thường, làm công nhân mà để dư dả thì khó, nhưng không đến nỗi phải đói. Còn năm nay, mình nghĩ là nhiều người khó khăn lắm. Mấy năm trước mình đều gửi tiền về cho cha mẹ ở quê, đều đặn mỗi tháng 2 triệu, năm nay không gửi được đồng nào. Nghỉ dịch 4 tháng, tiền vào không có, trong khi đó tiền trọ, tiền ăn vẫn phải trả đều", anh Hoàn cho biết.
Theo anh Hoàn, chi phí cho mỗi lần về quê ăn Tết sẽ tốn ít nhất một tháng lương (6 triệu đồng) hiện tại của anh. Trong đó, riêng tiền vé xe đã khoảng 3 triệu đồng. Chưa kể, khi về quê sẽ phải tự cách ly tại nhà 7 ngày, trong khi công ty tới 27 tháng Chạp mới được nghỉ Tết.
"27 tháng Chạp mới được về, về tới nhà đã 29 rồi. Rồi tự cách ly 7 ngày tại nhà, tính sơ là cũng mùng 7 Tết, vậy là cả 7 ngày Tết ở nhà không đi đâu. Chưa kể, vừa hết mùng 7 đã phải vào làm lại. Tiền thì không có, mà về kiểu vậy thì chắc năm nay mình không về", anh Hoàn phân tích.
Mối lo của anh Hoàn, vợ chồng chị Thảo, anh Công Anh, hiện cũng là mối lo chung của hàng trăm nghìn người lao động xa quê tại Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai. Đó cũng là lý do số người lao động tại các địa phương này quyết định ở lại tăng nhiều lần so với các năm trước.
Khuyến khích công nhân ở lại địa phương ăn Tết
Theo khảo sát của PV VTC News, đến nay, tàu hỏa, xe khách… đều ghi nhận số vé giảm mạnh so với bình thường. Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn dự kiến phát hành 250.000 vé, nhưng hiện mới chỉ bán được trên 10%, còn các hãng hàng không lượng vé chỉ bằng khoảng 70 - 75% so với Tết năm ngoái nhưng hiện cũng còn nhiều, mặc dù giá vé đã giảm xuống thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Những năm trước, vào thời điểm này không ít người phải xếp hàng dài từ tờ mờ sáng, hay phải gọi điện tới lui mới mua được vé xe về quê đón Tết cùng gia đình. Năm nay, nhiều nhà xe lắc đầu ngao ngán vì chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết nhưng vé chỉ bán nhỏ giọt.
Mối lo về tiền bạc khiến nhiều công nhân chấp nhận ăn Tết xa quê. |
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật - Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, Tết năm nay, đơn vị sẽ tổ chức chương trình Tết sum vầy họp mặt 10.000 gia đình người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê ăn Tết. Các gia đình sẽ được tham quan, vui chơi miễn phí tại Công viên Văn hóa Đầm Sen từ ngày 29/1 đến 13/2.
Bên cạnh đó, Tết năm nay, người lao động sẽ được tham gia "Phiên chợ công nhân - Online" và "Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình Tết Nhâm Dần".
Liên đoàn Lao động TP.HCM sẽ phối hợp với hệ thống siêu thị Saigon Co.op tổ chức nhằm chăm lo cho người lao động gặp khó khăn. Mỗi người sẽ được tặng phiếu mua hàng trị giá 400.000 đồng theo hình thức mua sắm trực tuyến trên website của hệ thống siêu thị Saigon Co.op.
"Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nếu người lao động đổ về quê thì càng khó kiểm soát hơn. Do đó, TP.HCM vẫn khuyến khích người lao động ở lại TP đón Tết. Ước tính tổng chi phí để hỗ trợ cho người lao động ở lại TP.HCM ăn Tết lên tới 700 tỷ đồng", ông Đô cho hay.
Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương đã đề nghị tổ chức công đoàn, ngành lao động và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh tuyên truyền, vận động công nhân ở lại đón Tết Nhâm Dần.
Lý do được ông Hùng đưa ra là dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, người lao động di chuyển nhiều sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như sản xuất sau Tết.
Năm nay, Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai sẽ dành 260 tỷ đồng (240 tỷ đồng tiền mặt) để hỗ trợ cho 800.000 lao động. Riêng UBND tỉnh trích ngân sách 20 tỷ đồng (tăng 18 tỷ đồng) so với năm ngoái để cùng với tổ chức công đoàn giúp đỡ người lao động ở lại địa phương đón Tết.
"Tinh thần là khuyến khích người lao động ở lại. Nếu công nhân chọn về quê tỉnh sẽ tạo điều kiện, yêu cầu các nhà xe tuân thủ biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn khi đi lại", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói.
Tương tự, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay, năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, số người lao động không trở về quê ăn Tết tăng đột biến, dự kiến lên tới khoảng 500.000 người.
Qua khảo sát của các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương, công nhân chọn ở lại vì e ngại dịch bệnh còn phức tạp, số khác bị giảm hoặc mất thu nhập do ngừng việc kéo dài.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã kiến nghị chính quyền tỉnh dành khoảng 12 tỷ đồng để hỗ trợ mỗi lao động ngoại tỉnh ở lại 500.000 đồng. Ngoài ra, Liên đoàn cũng sẽ chi hơn 190 tỷ đồng tiền mặt hỗ trợ gần 640.000 lao động, mỗi người nhận 300.000 đồng.
Do không tổ chức xe đưa đón công nhân về Tết, nên hơn 2.000 tỷ đồng chi phí này năm này sẽ dành giúp đỡ lao động khó khăn. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cũng hỗ trợ những gia đình có người thân mất vì COVID-19, trong đó có 160 trẻ mồ côi do dịch được tặng mỗi em một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng.
Ngày đăng: 11:00 | 30/01/2022
/ vtc.vn