Bộ Tài nguyên đề xuất sửa đổi, bổ sung 15 vấn đề của Luật Đất đai năm 2013 như: xác định giá đất, phân loại đất, cơ quan giải quyết tranh chấp…
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để lấy ý kiến góp ý trong nhân dân.
Theo Bộ này, dự án luật nói trên được xây dựng dựa trên cơ sở kết quả ba năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Theo đó, quá trình thực thi cho thấy nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác và phát huy đầy đủ; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra; tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn (70%), là nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội…
Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm và bền vững; tăng nguồn thu từ đất đai…
15 vấn đề của Luật Đất đai 2013 dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung. Trong đó có việc bãi bỏ điều 130 quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; bổ sung điều 5 cho phép người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở; sửa đổi khoản 3 điều 114 theo hướng giao thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân; bổ sung đại diện người có đất thu hồi vào thành phần Hội đồng định giá đất...
Dự thảo còn sửa đổi, bổ sung điều 118 theo hướng quy định rõ những trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất; bổ sung điều 191 theo hướng mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; sửa đổi, bổ sung điều 203 theo hướng cơ quan hành chính nhà nước không tham gia việc giải quyết tranh chấp đất đai mà các trường hợp này chuyển cho Tòa án giải quyết; sửa đổi, bổ sung Điều 73 theo hướng bổ sung cơ chế để xử lý đối với trường hợp chủ đầu tư không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất để thực hiện dự án...
Nếu được thông qua, luật sửa đổi sẽ có hiệu lực vào năm 2019.
Luật Đất đai đầu tiên có hiệu lực từ ngày 8/1/1988 với sáu chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/7/1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Năm 2003, luật lại được sửa đổi, bổ sung với bảy chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. |
Luật Đất đai, làm gì để tránh “nhập nhèm”, lợi dụng? Mặc dù Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn đã được chuẩn bị trong thời gian dài, nhưng khi đi vào thực ... |
Ngày đăng: 19:30 | 14/12/2017
/ https://vnexpress.net