Thông tư 14 của Bộ Y tế vừa ban hành đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều bệnh viện công lập khi cho phép các bệnh viện được đấu thầu thuốc, mua thiết bị, vật tư chào giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn.
Thời gian qua, người bệnh đã chịu cảnh khốn khổ khi bệnh viện thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; nhiều máy móc, linh kiện hỏng hóc phải “đắp chiếu” không sửa chữa hoặc thay thế được, dẫn tới bệnh nhân phải sang các cơ sở y tế khác chụp chiếu, điều trị. Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 nhằm gỡ vướng cho thực trạng này, nhưng để thực hiện phải có thông tư hướng dẫn. Sau gần 5 tháng Nghị quyết 30 ban hành, Bộ Y tế mới có thông tư hướng dẫn và thông tư này có hiệu lực thực hiện đến hết tháng 12/2023. Nhiều bệnh viện có sớm trở lại hoạt động bình thường như trước đây hay không?
Cho phép chủ đầu tư được quyết định giá mua vật tư
Chỉ cách đây vài tháng, Bệnh viện Bạch Mai nằm trong cảnh thiếu máy móc, vật tư y tế trầm trọng. Máy móc, thiết bị y tế tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu gần như con số 0. Máy cộng hưởng từ, Máy CT, máy chụp X-quang tuyến vú… hỏng nhưng không đấu thầu mua được linh kiện thay thế. Nhiều máy xã hội hoá “đắp chiếu” do vướng vào vụ án. Rất nhiều bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai phải chuyển sang bệnh viện khác để chụp chiếu, xét nghiệm. Còn bệnh nhân tới đây khám thì phải xếp hàng chờ đợi vì có rất ít máy móc còn hoạt động được.
Tương tự, Bệnh viện Mắt Trung ương cũng không có vật tư y tế để mổ mắt cho người bệnh trong một thời gian dài. Phòng mổ ở đây phải nằm “phơi sương”, trong khi người bệnh phải ra bệnh viện tư nhân để mổ, thậm chí cả mổ cấp cứu. Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức… cũng thiếu trang thiết bị trầm trọng. Các bệnh viện đều trông chờ vào việc ban hành các quy định để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đấu thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.
Tháng 3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 đã cơ bản “gỡ khó” cho các bệnh viện, song từ đó đến nay các bệnh viện công lập vẫn còn lúng túng, khó khăn trong mua sắm, đặc biệt là xây dựng giá gói thầu bởi thiếu thông tư hướng dẫn. Ngày 30/6 – tức là gần 5 tháng, Bộ Y tế ban hành được Thông tư 14/2023/TT-BYT. Thông tư này quy định phương pháp được sử dụng đầu tiên là thu thập báo giá của các nhà cung cấp. Trường hợp chủ đầu tư sử dụng từ 2 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn. Như vậy, khắc phục được tình trạng các cơ sở y tế phải mua trang thiết bị rẻ nhất nhưng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.
Chia sẻ về điều này, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thông tư 14 ra đời để thể chế hóa Nghị quyết 30 của Chính phủ. Đây là văn bản hợp pháp quan trọng hướng dẫn các bệnh viện thực hiện mua sắm vật tư, thiết bị y tế. Mặc dù chỉ có hiệu lực trong 6 tháng (hết năm 2023) nhưng Thông tư này hết sức quan trọng, bởi việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế không dừng 1 ngày, nhất là với bệnh viện công lập.
Ông Cơ cũng chia sẻ, trước đây, việc mua sắm thiết bị y tế thực hiện theo Thông tư 56 và Thông tư 68 của Bộ Tài chính, tuy nhiên, đây là hàng hóa rất đặc thù của ngành y tế, chính vì vậy gặp nhiều vướng mắc. “Trước đây đòi hỏi làm giá gói thầu phải có 3 báo giá thì hiện tại, Nghị quyết 30 của Chính phủ tháo gỡ việc này, Bộ Y tế thể chế hóa bằng Thông tư 14. Việc tháo gỡ này sẽ lựa chọn mua sắm được vật tư, thiết bị y tế đang chỉ có ít nhà cung cấp. Bên cạnh đó, Thông tư quy định rất rõ, cho phép chủ đầu tư dựa vào hội đồng khoa học, căn cứ thực tiễn, năng lực tài chính để quyết định giá định mua của thiết bị vật tư phục vụ công tác chuyên môn tại bệnh viện ở mức độ nào”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai dẫn chứng.
Theo ông Cơ, đây là điểm mới, tránh được tình trạng các bệnh viện mua phải xông hút với giá thấp nhất gây biến chứng phế quản cho bệnh nhân. Hay câu chuyện Bệnh viện Chợ Rẫy mua con dao mổ nhưng phải rạch mấy lần mới đứt. Hoặc máy thiết bị hỏng hóc nằm đắp chiếu vì khó khăn mua sắm linh kiện thay thế. Thông tư 14 giúp giải quyết các vấn đề này.
Cùng quan điểm trên, nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết, theo Thông tư 14, các bệnh viện thuận lợi hơn trong việc lấy báo giá để xây dựng giá gói thầu. Bởi hệ lụy của việc “lấy giá thấp nhất” trước đây đã sinh ra chuyện trang thiết bị mua về không sử dụng được.
Các bệnh viện bắt tay vào mua sắm trang thiết bị y tế
Lãnh đạo Bệnh viện E cho biết, sau rất nhiều trông chờ, Thông tư 14 ra đời đã gỡ rối được nhiều vướng mắc mà các bệnh viện công lập đang mắc phải, đặc biệt là các gói thầu dịch vụ liên quan đến trang thiết bị như linh kiện, phụ kiện, dịch vụ bảo hành bảo trì. Có Thông tư 14, bệnh viện bắt tay vào mua sắm và tiếp tục thực hiện các gói dự án đã lên kế hoạch trước.
Do Thông tư 14 được ban hành nhằm thể chế hoá Nghị quyết 30 của Chính phủ nên có hiệu lực đến hết năm 2023. Một số bệnh viện gọi đây là giải pháp tình thế. Để giải quyết về lâu dài, việc luật hoá các văn bản nêu trên cần phải sớm tính đến.
PGS.TS Đào Xuân Cơ cho rằng, mặc dù chỉ có hiệu lực trong 6 tháng vì Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2024, sau đó sẽ có Nghị định hướng dẫn, thì Thông tư 14 chỉ áp dụng đến 31/12/2023, nhưng lại hết sức quan trọng. “Tôi nghĩ đòi hỏi Thông tư 14 mà giải quyết mọi vướng mắc sẽ không thể. Nhưng rõ ràng Thông tư đã giải quyết khó khăn cấp bách trong mua sắm đấu thầu vật tư hiện nay”, PGS Cơ chia sẻ.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm: “Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi), trong đó dành riêng cho ngành y tế 1 chương về đấu thầu thuốc, hóa chất vật tư. Công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư tốt hơn trước nhiều, là cơ sở cho các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện công lập vận hành thuận lợi và phục vụ người dân tốt hơn. Hơn nữa, trong Luật Đấu thầu cũng cho phép trong tình hình dịch bệnh hoặc tình trạng thiên tai thảm họa được chỉ định thầu”.
Đặc biệt thuốc hiếm lần này được thể chế hóa trong Luật Đấu thầu sửa đổi, cho phép mua sắm tập trung hoặc đàm phán giá. Đây là tiến bộ trong Luật Đấu thầu lần này, khi Luật có hiệu lực sẽ có những thuốc hiếm, vật tư hiếm để dự trữ.
“Đây là đề xuất của Bệnh viện Bạch Mai trong nhiều năm qua, cần có nhiều kho dự trữ quốc gia với thuốc, vật tư, hóa chất hiếm trong công tác khám chữa bệnh. Khao khát ấy của chúng tôi chắc chắn đi vào hiện thực. Khi có dịch bệnh hoặc có những ca bệnh hiểm nghèo cần thuốc hiếm thì chính các bệnh viện lớn là nơi sẽ lưu trữ các kho thuốc hiếm, chuyên gia sâu về y tế sẽ là người trực tiếp tham gia điều tiết. Đây là tin vui bởi trong thời gian dài vừa qua, một số bệnh hiếm như ngộ độc Botulium, ngộ độc hóa chất, đặc biệt bị rắn độc cắn đã không có thuốc giải độc đặc hiệu. Đây là cơ sở để chúng ta xây dựng kho thuốc hiếm phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân”, ông Cơ cho biết thêm.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Chính phủ đã xem xét phê duyệt khẩn cấp cho Bệnh viện nguồn tài chính 1.000 tỷ đồng để mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Ngay chiều 4/7, Bệnh viện đã họp để triển khai Thông tư 14 và lên kế hoạch mua sắm các thiết bị khẩn cấp, bổ sung máy móc, linh kiện thay thế các thiết bị hỏng hóc. “Trước mắt bệnh viện sẽ mua được những trang thiết bị y tế cơ bản để đưa vào phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân”, PGS Cơ nói.
https://cand.com.vn/y-te/nhieu-benh-vien-se-het-canh-thieu-may-moc-vat-tu-y-te-i699354/
Ngày đăng: 07:45 | 06/07/2023
/