Về nghiên cứu của Cục Đăng kiểm, có thể ủy quyền cho các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S của các hãng xe được đăng kiểm phương tiện, nhiều chuyên gia lo ngại sẽ nảy sinh nhiều bất cập, thậm chí khó kiểm soát hơn hiện nay vì tình trạng các hãng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Muốn thực hiện phải sửa luật
Một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô nhận định, nếu cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô vừa kinh doanh dịch vụ sửa chữa vừa thực hiện công tác kiểm định xe có thể xảy ra tình huống “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đơn cử như các cơ sở bảo dưỡng ô tô có thể yêu cầu chủ xe phải thay phụ tùng chính hãng, “vẽ” ra đủ thứ bệnh, bắt thay phụ tùng, dung dịch… mới cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Trong khi đó, để xác định được cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S cần phải có quy định rõ ràng về từng tiêu chí cụ thể và cơ quan có thẩm quyền phải rà soát, đánh giá lại các cơ sở này xem có đảm bảo tiêu chí hay không. Điều này cũng mất rất nhiều thời gian.
Còn đại diện một đơn vị đăng kiểm trên địa bàn Hà Nội nhận định, đề xuất trên đang mâu thuẫn với quy định tại Điều 4 của Nghị định 139/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Băn khoăn khi trao quyền đăng kiểm xe cho các cơ sở sửa chữa 3S, 4S |
Cụ thể, khoản 2 quy định: Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.
Theo vị đại diện này, quy định trên nhằm tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, kết hợp giữa kinh doanh vận tải hoặc sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện với kiểm định xe để phục vụ mục đích riêng. Nếu thực hiện đề xuất cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S chính hãng được kiểm định phương tiện sẽ phải sửa lại Thông tư.
"Cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S có không gian trưng bày xe mới (showroom), có dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng (service) và cung cấp phụ tùng chính hãng (spare parts). Trong khi đó, cơ sở 4S ngoài hai chức năng trên còn bổ sung chức năng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng (survey). "
Mới là nghiên cứu
Về lo ngại này, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, Cục Đăng kiểm chưa chính thức đề xuất phương án này. Hiện các phòng ban chuyên môn của Cục đang nghiên cứu mô hình, kinh nghiệm của các nước để báo cáo Bộ GTVT.
Để nâng cao và bổ sung phát hiện những bất cập trong lĩnh vực đăng kiểm, Cục Đăng kiểm cũng tiếp tục rà soát lại các quy định pháp lý, qua đó sẽ đề xuất một số nội dung cần sửa đổi liên quan đến công tác đánh giá thành lập trung tâm đăng kiểm; công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ hoạt động kiểm định của các đơn vị đăng kiểm; công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới; miễn kiểm định lần đầu với xe mới; tăng cường vai trò thanh tra, kiểm tra, xử phạt của lực lượng thanh tra; Cảnh sát giao thông trong hoạt động kiểm định.
Cục Đăng kiểm đề xuất các Sở GTVT địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm thực hiện đúng theo quy định của Bộ GTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giao thông cơ giới đường bộ, không máy móc hoặc lợi dụng để làm khó người dân khi đến kiểm định; nâng cao ý thức, đạo đức nghề nghiệp, phát huy tính sáng tạo, tìm ra các giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc, khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm triển khai công tác tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực đăng kiểm viên để bổ sung, thay thế cho các trung tâm đăng kiểm trong thời gian tới; đề nghị các trung tâm đăng kiểm cần có chế độ chính sách phù hợp để động viên và đảm bảo đời sống cho đăng kiểm viên và nhân viên đơn vị đồng thời triển khai các giải pháp nhằm duy trì hoạt động của các trung tâm đăng kiểm một cách thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp…
Ngày đăng: 08:33 | 09/02/2023
Ngân Tuyền / anninhthudo.vn