Trong một buổi phỏng vấn, chuyên gia công nghệ người Mỹ Mark Lewis lấy hình tượng "con ếch trong nước sôi" để ví với loài người trước "cái chết từ từ" của Trái Đất.
Thảm họa ở châu Âu
Thành phố Madrid ngày 15/7 ghi nhận mức nhiệt tới 47 độ C.
Đó là con số chỉ mức nhiệt quen thuộc ở các nước nhiệt đới, ví như các quốc gia châu Phi, hay Trung Á. Biểu nhiệt độ sẽ khiến những hình dung về lục địa già châu Âu trong quá khứ trở nên kỳ lạ.
Mức nhiệt 49 độ C được ghi nhận ở thành phố Madrid, Tây Ban Nha hôm 15/7. (Ảnh: Reuters).
Nước Pháp cũng trải qua tháng 5 nóng nhất trong lịch sử với mức nhiệt cao chưa từng thấy. Đất nước xinh đẹp, mát mẻ này phải ban hành một cảnh báo đỏ về đợt nắng nóng kỷ lục kể từ năm 2003.
Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, 679 người thiệt mạng từ ngày 10-17/7 do đợt nắng nóng khủng khiếp đang tấn công nước này.
Quốc gia láng giềng của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hôm 20/7, cũng báo cáo hơn 1.000 trường hợp thiệt mạng do nhiệt độ tăng cao trong mùa hè này.
Tại Đức, trong tuần qua, nhiệt kế một số nơi dao động ở mức xấp xỉ 40 độ C. Tại Emsdetten, bang Nordrhein-Westfalen, nhiệt độ thậm chí vượt mốc 40 độ C.
Hôm 19/7, Anh ghi nhận ngày nóng nhất từ trước đến nay với nhiệt độ vượt quá 40 độ C. Hệ thống đường sắt ở đảo quốc sương mù mới đây đưa ra cảnh báo hạn chế đi lại do các tuyến đường sắt bị chậm, hủy chuyến hoặc thay đổi thời gian do đường ray bị cong vênh và hệ thống đường dây điện của các tuyến đường sắt trên cao bị hỏng vì nắng nóng.
Hạn hán, cháy rừng bùng khắp châu Âu.
Cháy rừng lan rộng khắp châu Âu suốt mùa hè năm 2022.
Các chuyên gia nêu rõ nguyên nhân do nhiệt độ cao, gió mạnh góp phần thổi bùng ngọn lửa thiêu đốt lục địa già.
Vẫn còn 2 tháng nữa mùa hè mới chia tay châu lục này. Các nhà khoa học đánh giá tình trạng nắng nóng cực đoan kéo dài trong năm nay nằm trong xu hướng biến đổi thời tiết trên toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng chính họ chỉ ra rằng, sóng nhiệt ở châu Âu đang ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ với tốc độ nhanh hơn hầu hết khu vực khác trên Trái Đất, bao gồm miền Tây nước Mỹ. Một nghiên cứu hồi tháng 7 về khí hậu cho thấy sóng nhiệt ở châu Âu gia tăng cả về tần suất và cường độ trong 40 năm qua.
Ngoài ra, một số yếu tố liên quan dòng lưu thông của khí quyển và đại dương cũng có thể là lý do khiến châu Âu trở thành điểm nóng sóng nhiệt.
Trong một nghiên cứu được xuất bản vào tháng này, tiến sĩ Kai Kornhuber - nhà nghiên cứu thuộc Đài quan sát Trái Đất Lamont (Mỹ) - phát hiện trong 40 năm qua, sóng nhiệt ở châu Âu gia tăng về tần suất và cường độ. Xu hướng gia tăng này có liên quan những thay đổi trong dòng khí.
Theo nghiên cứu, nhiều đợt sóng nhiệt ở châu Âu xảy ra khi dòng khí bị chia đôi, để lại một khoảng gió yếu và không khí áp suất cao giữa hai luồng khí bị tách ra, khiến nhiệt độ cực đoan tích tụ.
Tiến sĩ Efi Rousi, nhà khoa học cấp cao tại Viện Nghiên cứu Khí hậu Potsdam ở Đức, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, cũng lưu ý nắng nóng hiện tại ở châu Âu có liên quan hiện tượng ấm lên ở Bắc Cực, vốn diễn ra nhanh hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới.
Cụ thể, khi Bắc Cực ấm lên với tốc độ nhanh hơn, chênh lệch nhiệt độ giữa khu vực này và đường xích đạo giảm xuống. Điều đó dẫn đến giảm gió mùa Hè - vốn đóng vai trò giữ cho các hệ thống thời tiết ổn định.
Thực tế không thể phủ nhận các đợt nắng nóng cực đoan tấn công châu Âu hay Mỹ, Trung Quốc, đang trở thành các thảm họa mang tính chu kỳ. Cùng thời điểm một năm trước, lục địa già cũng đang vật lộn với đợt lụt kỷ lục, nắng nóng kéo dài và cháy rừng lan rộng ở nhiều quốc gia.
Nhiệt độ bất thường của tháng 6/1976 và tháng 2/2022 so với nền nhiệt giai đoạn 1951-1980. (Đồ họa NYT).
Hồi tháng 6, hơn 27 thành phố lớn ở Mỹ chứng kiến mức nhiệt kỷ lục và mọi thứ được dự đoán sẽ trở nên khắc nghiệt hơn trong những tuần tới. Diễn biến này không khác là bao so với một năm trước khi hàng trăm người tại quốc gia này thiệt mạng trong đợt nắng nóng khủng khiếp hồi tháng 7.
Tại Trung Quốc, từ đầu tháng 7, thời tiết nắng nóng tấn công hàng loạt địa phương, trong đó Thượng Hải lập kỷ lục về nhiệt độ cao trong hơn một thế kỷ.
Hồi đầu tháng 7, một quan chức chính phủ Trung Quốc cho biết, nước này đang phải lên kế hoạch chuẩn bị cho các thảm họa tiềm ẩn khi mùa lũ năm nay đạt đến thời kỳ đỉnh điểm sau nhiều tháng liên tục mưa và lũ lụt.
Các đợt mưa lũ càn quét Ấn Độ, Bangladesh trong tháng 6 khiến hàng trăm người thiệt mạng. Theo các nhà khoa học, mặc dù những trận mưa gió mùa ở Nam Á diễn ra theo các mô hình khí quyển tự nhiên, chúng sẽ trở nên thất thường và xối xả hơn khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao.
Nó không nằm ngoài nguyên nhân đã được cảnh báo từ lâu: Sự nóng lên toàn cầu. Trái Đất có nhiệt độ trung bình cao hơn khoảng 1,1 độ C so với vào cuối thế kỷ 19.
Biến đổi khí hậu rồi, thì sao nữa?
Giới khoa học và các chính trị gia đều nhất trí rằng, các thảm họa thiên nhiên hiện nay có nguyên nhân chủ yếu là biến đổi khí hậu.
“Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng trở nên nóng hơn và kéo dài hơn trên khắp thế giới. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nhiều đợt nắng nóng đặc biệt dữ dội hơn do sự thay đổi khí hậu do con người gây ra”, bà Vikki Thompson, nhà khoa học khí hậu tại Viện Cabot của Đại học Bristol, cho hay.
Ngoài ra, các chuyên gia nhận định thiệt hại về người trong những đợt sóng nhiệt hiện tại xuất phát từ nguyên nhân người dân ở các nước xứ lạnh vốn đã quen với nền nhiệt thấp, chưa kịp thích nghi với biến đổi chóng mặt từ thời tiết cực đoan.
Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu, với xu hướng hiện tại và nếu khả năng thích ứng ở châu Âu không được cải thiện, số người chết hàng năm liên quan nắng nóng tại các quốc gia EU có thể tăng từ mức 2.700 người/năm lên 30.000 - 50.000 người vào năm 2050.
Khung cảnh trong một đám cháy ở châu Âu. (Ảnh: Atlantic).
Để đối phó tình trạng hiện tại, một số chính trị gia châu Âu như Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez kêu gọi đẩy nhanh đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Trong chuyến thăm một nhà máy nhiệt điện tại bang Massachusetts, chiều 20/7, Tổng thống Mỹ Biden công bố một số biện pháp nhằm đối phó biến đổi khí hậu, cũng như chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng xanh và sạch.
Các sáng kiến mới đối phó biến đổi khí hậu của chính quyền Mỹ bao gồm khoản ngân sách 2,3 tỷ USD cho chương trình Xây dựng cơ sở hạ tầng và cộng đồng có khả năng chống chịu thiên tai. Ngoài ra, chính quyền Biden cũng đề xuất phát triển các dự án điện gió ngoài khơi Vịnh Mexico, có thể cung cấp năng lượng cho hơn 3 triệu hộ gia đình trong nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, những biện pháp mà Mỹ hay một số nước đưa ra chỉ mang tính chất đối phó tạm thời. Dù kêu gọi chống biến đổi khí hậu, các nước vẫn rất chậm chạp trong nỗ lực giảm phát thải ròng.
Trung Quốc cho biết, nước này sẽ đảm bảo lượng khí thải đạt mức cao nhất trước năm 2030 và đạt mức ròng vào năm 2060, mặc dù thực tế là quốc gia trên vẫn sản xuất hơn 60% điện năng từ than đá. Nhiều quốc gia khác cũng chưa có kế hoạch chi tiết về việc hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (thải ra khí nhà kính nhiều hơn lượng khí thải ra khỏi bầu khí quyển).
Không thể cứu vãn Trái Đất?
Các nhà môi trường chỉ ra rằng, các hình thái khí hậu khắc nghiệt hiện nay là lời cảnh báo nhãn tiền về hậu quả mà con người đang phải gánh chịu vì vẫn bình chân như vại trước tác động của biến đổi khí hậu.
Con người chỉ có thể "chữa cháy" mà không thể ngăn chặn được sự giận dữ từ thiên nhiên.
“Đây không còn là mùa hè. Nó giống như “địa ngục” và sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho sự sống của con người, nếu chúng ta tiếp tục không hành động vì khí hậu”, nữ nghị sĩ Melanie Vogel thuộc Đảng Xanh (Pháp) viết trên Twitter hôm 16/7.
Trong vài năm trở lại đây, các nhà khoa học liên tục cảnh báo về mối đe dọa đối với hành tinh từ hành vi của con người. Nhưng mọi thứ dường như đang trở nên quá muộn.
Phần lớn thế giới không sẵn sàng trả tiền hoặc thay đổi lối sống của mình để cứu hành tinh này. Vì vậy, thật khó có thể mong đợi mọi người ngừng lái ô tô chạy bằng nhiên liên hóa thạch hoặc bay tới các địa điểm nghỉ mát.
Thảm họa khí hậu đang là vấn đề nhãn tiền khi nhiệt độ tăng vọt trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ và phần lớn bắc bán cầu. Mùa hè nóng như đổ lửa đang trở thành "bình thường mới".
Khi các dự đoán khoa học thành hiện thực, tình trạng khẩn cấp trở nên rõ ràng hơn, không thể chối cãi với các thảm họa về thời tiết được báo cáo với tần suất ngày càng gia tăng.
Trong tuyên bố đưa ra tuần trước, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo, "một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm" do các tác động tiêu cực từ tình trạng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, bão lũ và cháy rừng, với nguyên nhân chính là bởi biến đổi khí hậu.
Theo lời người đứng đầu cơ quan Liên Hợp Quốc, khi đối mặt cuộc khủng hoảng toàn cầu này, thế giới vẫn chưa đoàn kết cùng nhau như một "cộng đồng đa phương".
Đám đông biểu tình tuần hành trên một con phố ở Brussels kêu gọi các lãnh đạo thế giới làm nhiều hơn để đối phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh: Getty Images).
"Các quốc gia tiếp tục chơi trò đổ lỗi thay vì chịu trách nhiệm về tương lai của tập thể. Không quốc gia nào được miễn nhiễm. Thế nhưng, chúng ta vẫn tiếp tục nuôi chứng nghiện nhiên liệu hóa thạch mùa mìn. Chúng ta có một quyền lựa chọn. Hành động tập thể hoặc tự sát tập thể, điều đó nằm trong tay chúng ta", ông cảnh báo.
Chuyên gia công nghệ người Mỹ Mark Lewis lấy câu chuyện về "con ếch trong nước sôi" để mô tả về tình hình hiện tại.
"Bạn cho một con ếch vào nước sôi, nó sẽ nhảy ra ngay lập tức để không bị bỏng. Nhưng nếu bạn cho con ếch vào nước ấm và từ từ tăng nhiệt độ nước, nó sẽ không cảm thấy nguy hiểm và bị nấu chín", ông Lewis nói.
Theo Lewis, thông điệp từ câu chuyện này rất đơn giản, nếu không hành động trước những vấn đề nhỏ, bạn sẽ phải đối mặt các vấn đề lớn hơn sau này.
Những đợt nắng nóng kỷ lục đang diễn ra ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Nhưng nhiều người vẫn không quan tâm hoặc không tin rằng nó thậm chí còn gây ra một mối đe dọa đáng kể. Cũng giống như con ếch, động cơ chính để hành động là sự sợ hãi.
Người dân Mỹ sợ hãi trước nỗi lo về chiến tranh và chi hàng trăm tỷ USD cho quốc phòng. Họ sợ những người nhập cư từ Mexico và sẵn sàng chi hàng tỷ USD để xây một bức tường. Nhưng khi nói tới mối đe dọa đến từ khí hậu, nhiều người vẫn bàng quang cho rằng đó không phải việc của mình.
"Cũng giống như con ếch, chúng ta cần nhận ra rằng có thể sẽ không có thời điểm nước sôi trước khi mọi thứ trở nên quá muộn", chuyên gia này kêu gọi.
https://vtc.vn/nhiet-do-thieu-dot-bao-trum-the-gioi-da-qua-muon-cuu-trai-dat-ar690341.html
Ngày đăng: 16:14 | 28/07/2022
SONG HY / VTC News