Một số thành viên giáo phái Aum Shinrikyo dùng khí độc sarin tấn công tàu điện ngầm Tokyo năm 1995 được cho là sắp bị xử tử.
Shoko Asahara, lãnh đạo giáo phái, bị áp tải từ trụ sở cảnh sát Tokyo tới tòa án Tokyo để thẩm vấn năm 1995. Ảnh: AFP.
Nhật Bản được cho là đang chuẩn bị cho vụ xử tử lớn nhất trong 10 năm trở lại, khi số lượng người bị treo cổ có thể lên tới 13. Vụ xử tử liên quan tới sự kiện giáo phái Aum Shinrikyo dùng chất độc thần kinh sarin tấn công ga tàu điện ngầm Tokyo ngày 20/3/1995, khiến 13 người chết và hàng nghìn người chịu di chứng tới nay, theo Guardian.
Một số thành viên của giáo phái đã được chuyển tới trại giam ngoài Tokyo tuần trước, làm dấy lên suy đoán những phạm nhân này sắp bị thi hành án. Nhật Bản thường không thi hành án tử cho tới khi mọi vụ án liên quan kết thúc. Những vụ liên quan tới sự kiện tấn công tàu điện ngầm đã hoàn tất vào tháng 1 năm nay.
2008 là năm có nhiều người bị xử tử nhất ở Nhật Bản trong lịch sử cận đại, với số người lên tới 15. Hiện chưa rõ các thành viên của Aum Shinrikyo có bị xử tử cùng ngày hay không, bởi những vụ thi hành án tử hình ở Nhật thường được giữ bí mật tới phút chót. Trong những vụ trước đây, tù nhân phải chờ đợi nhiều năm và chỉ được thông báo vài giờ trước khi bị treo cổ. Gia đình họ đôi khi chỉ biết tin sau khi lệnh xử tử được thi hành.
Chuyên gia Hiroka Shoji của Tổ chức Ân xá Quốc tế phản đối việc xử tử các thành viên Aum Shinrikyo, cho rằng "án tử hình không bao giờ đem lại công lý vì nó là sự phủ nhận nhân quyền".
Ngày 20/3/1995, các thành viên giáo phái Aum Shinrikyo đã chọc thủng những túi chứa đầy chất lỏng sarin mang lên 5 toa tàu điện ngầm ở Tokyo vào giờ cao điểm buổi sáng. 13 thành viên đã bị kết án tử hình, trong đó 7 người đã được chuyển tới những trại giam khác nhau ngoài Tokyo. Shoko Asahara, 63 tuổi, người đứng đầu giáo phái, cũng bị kết án tử hình nhưng chưa bị di dời.
Tổ chức JSCPR đã viết thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Nhật, kêu gọi chỉ xử tử Asahara và hạ mức án tù chung thân với những tên khác.
"Asahara là chủ mưu, 12 tên kia chỉ là tay chân sai vặt", Taro Takimoto, một thành viên của JSCPR, người cũng là nạn nhân của một vụ tấn công bằng khí độc sarin do Aum Shinrikyo thực hiện, tuyên bố.
Gần đây, Nhật Bản bị chỉ trích về án tử hình trong một diễn đàn nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Một vài quốc gia kêu gọi Nhật bãi bỏ hình thức này. Nhưng Nhật Bản tuyên bố quốc gia có chủ quyền được phép đưa ra quyết định độc lập.
"Đa số người dân Nhật chấp nhận tử hình trong những vụ phạm tội cực kỳ tàn ác. Do đó, Nhật Bản hiện không có kế hoạch lập một diễn đàn thảo luận về hệ thống tử hình", trích thông báo của chính phủ.
Bà Shizue Takahashi, 71 tuổi, vợ của Kazumasa, nạn nhân tử vong trong vụ tấn công, đã tới đặt hoa ở nhà ga Kasumigaseki, trung tâm Tokyo hôm 20/3.
"Tôi hy vọng chúng sẽ bị xử tử theo luật pháp mà không gây ồn ào", bà nói.
Aum Shinrikyo có nghĩa là "sự thực tối thượng", được thành lập năm 1984 bởi Asahara, một giáo viên yoga gần như mù lòa. Học thuyết của giáo phái này bao gồm các thành tố từ đạo Thiên chúa, Phật và Hindu. Asahara thường tự coi mình là hiện thân của Chúa, cho rằng Hoàng gia Anh có âm mưu chống lại ông ta, và cho rằng thế giới sẽ tận thế vào năm 1997 sau một cuộc chiến do Mỹ châm ngòi. Vào thời điểm năm 1995, ước tính giáo phái này có 10.000 tín đồ ở Nhật và khoảng 30.000 ở Nga.
Hồng Hạnh
Giáo phái của tổng thống Syria dính tới vụ tấn công căn cứ Nga?
Truyền thông Nga và Syria đang suy đoán người đứng sau một loạt vụ tấn công bí ẩn nhằm vào các căn cứ quân sự ... |
Lãnh đạo giáo phái \'sát thủ\' của Mỹ qua đời ở tuổi 83
Charles Manson, lãnh đạo giáo phái đã gây nên những vụ giết người khét tiếng vào thập niên 1960 ở Mỹ, vừa qua đời ở ... |
Ngày đăng: 15:55 | 21/03/2018
/ https://vnexpress.net