Sách trắng quốc phòng Nhật sắp công bố được cho là sẽ công nhận Triều Tiên sở hữu đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ lắp cho tên lửa đạn đạo.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (đội mũ) đứng cạnh thiết bị hạt nhân hồi năm 2016. Ảnh: KCNA. |
Nhận định về năng lực hạt nhân Triều Tiên được đưa ra trong dự thảo Sách trắng quốc phòng Nhật Bản 2019, theo một tài liệu được tờ Yomiuri công bố hôm qua. Trong Sách trắng quốc phòng hồi năm ngoái, Tokyo chỉ đánh giá rằng "Bình Nhưỡng có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân" để gắn lên tên lửa đạn đạo.
Dự thảo sách trắng sẽ được Bộ Quốc phòng Nhật Bản trình bày trong cuộc họp nội các vào giữa tháng 9. "Tài liệu này vẫn duy trì quan điểm rằng các hoạt động của quân đội Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng và cấp thiết", quan chức quốc phòng Nhật giấu tên cho biết.
Triều Tiên bắt đầu chương trình hạt nhân từ thập niên 1980, tuyên bố tiến hành thành công vụ thử hạt nhân lần thứ nhất vào năm 2006. Tới nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành tổng cộng 6 vụ thử hạt nhân với quy mô khác nhau.
Theo các chuyên gia vũ khí, việc sở hữu bom hạt nhân kích thước lớn hoàn toàn nằm trong khả năng về công nghệ của Triều Tiên, nhưng bom hạt nhân chỉ có thể ném bằng máy bay, vốn không phải là thế mạnh của Triều Tiên. Muốn phát huy được tối đa uy lực của vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng phải thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Thách thức lớn nhất mà họ phải đối mặt là đầu đạn hạt nhân sử dụng uranium có kích thước rất cồng kềnh. Lượng nguyên liệu hạt nhân, thuốc nổ cùng các hệ thống cảm biến, dẫn đường đều phải được thu gọn hết mức để nằm vừa trong đầu đạn tên lửa. Nếu đầu đạn quá cồng kềnh hoặc quá nặng, tên lửa sẽ không thể bay xa như thiết kế.
Chuyên gia hạt nhân Geoff Brumfiel của NPR nhận định các kỹ sư Triều Tiên có thể đã tìm ra phương án loại bớt thuốc nổ hoặc vật liệu hạt nhân trong đầu đạn để giảm kích thước nhưng vẫn đảm bảo khả năng kích hoạt phản ứng, nhằm trang bị đầu đạn này cho các tên lửa đạn đạo cỡ lớn.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Ngày đăng: 08:41 | 21/08/2019
/ vnexpress.net