Sáng 15-8, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ cảnh báo về nguy cơ xảy ra một trận “siêu động đất” dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của nước này.
Theo hãng thông tấn Kyodo, cảnh báo sẽ chính thức chấm dứt vào 17h cùng ngày (giờ địa phương).
Quyết định chấm dứt trạng thái khẩn cấp vốn đã kéo dài suốt một tuần được đưa ra sau khi Nhật Bản nhận thấy không còn hoạt động địa chấn đáng kể nào được ghi nhận xung quanh Rãnh Nankai, được cho là nơi có thể phát sinh siêu động đất.
Trước đó, cảnh báo về siêu động đất ở Rãnh Nankai được phát đi lần đầu tiên kể từ khi hệ thống giám sát được triển khai vào năm 2017, đã đặt chính quyền trung ương và các địa phương của Nhật Bản vào trạng thái khẩn trương chuẩn bị cho thảm họa và tạo ra những tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ hè.
Nhật Bản, một quốc gia dễ bị động đất, từ lâu đã lo ngại khả năng cao xảy ra một trận động đất có cường độ từ 8 đến 9 độ richter dọc theo Rãnh Nankai trong vòng 30 năm tới, với dự đoán một khu vực rộng lớn bị rung chuyển và sóng thần có thể nhấn chìm một số khu vực ven biển rộng lớn.
Chính phủ Nhật Bản ước tính, trong trường hợp xấu nhất, một trận động đất lớn ở Rãnh Nankai có thể dẫn đến thiệt hại hơn 200 nghìn tỷ yên (khoảng 1,36 nghìn tỷ USD).
Rãnh Nankai là một rãnh đáy đại dương chạy dọc theo bờ biển Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo Á-Âu và biển Philippines gặp nhau.
Thực tế, cảnh báo mới nhất cũng được đưa ra chỉ vài giờ sau khi một trận động đất M7.1 làm rung chuyển phía tây nam Nhật Bản vào ngày 8-8, với tâm chấn nằm ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Miyazaki, tức rìa phía tây của Rãnh Nankai.
Ngày đăng: 09:13 | 15/08/2024
Hoàng Linh / HNM