Theo cách diễn giải mới, lực lượng tuần duyên của Nhật có thể bắn vào tàu nước ngoài cố tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với cáo buộc gây bạo lực.
Lực lượng tuần duyên của Nhật Bản có thể trực tiếp khai hỏa đối phó tàu công vụ của nước ngoài cố tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku (theo cách gọi của Nhật)/Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) nằm ở biển Hoa Đông, các thành viên của đảng cầm quyền dẫn nguồn tin từ các quan chức chính phủ nước này hôm qua (25/2) cho biết.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. (Ảnh: Kyodo News) |
Trong cuộc họp về chính sách quốc phòng của đảng Dân chủ Tự do (LDP) hôm 25/2, các quan chức chính phủ đã thông báo về cách diễn giải mới về các luật hiện hành của Nhật Bản. Động thái nhằm phản ứng trước việc Trung Quốc thông qua luật mới cho phép lực lượng hải cảnh của nước này sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền nước ngoài mà Bắc Kinh cho là “xâm phạm vùng biển của họ một cách bất hợp pháp”.
Các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết, trước đó, lực lượng tuần duyên của nước này chỉ được phép nổ súng trực tiếp vào tàu nước ngoài trong trường hợp tự vệ hoặc thoát hiểm khẩn cấp. Tuy nhiên, theo cách diễn giải mới, lực lượng tuần duyên của Nhật có thể bắn vào tàu nước ngoài cố tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với cáo buộc gây bạo lực.
Ông Taku Otsuka, người đứng đầu Ban phòng vệ quốc gia của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên các quan chức chính phủ đề cập việc lực lượng tuần duyên có thể nổ súng vào các tàu thuyền nước ngoài cố ý tiếp cận lãnh thổ của Nhật Bản”. Đã có nhiều lo ngại gia tăng tại Nhật Bản cho rằng nước này vẫn chưa hành động đủ để đối phó với các hành động quyết liệt của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cùng ngày, phát biểu tại một hội thảo trực tuyến, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng môi trường an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở nên xấu hơn. Ông bày tỏ lo ngại về “việc mở rộng sức mạnh quân sự một cách thiếu minh bạch và các nỗ lực đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc các hành vi cưỡng ép vẫn tiếp diễn”. Thủ tướng Suga cho rằng “một trật tự tự do, rộng mở, căn cứ vào luật lệ, không sử dụng vũ lực hoặc các hành vi cưỡng ép sẽ mang đến hòa bình và thịnh vượng cho khu vực và cho thế giới”.
Mỹ yêu cầu hải cảnh Trung Quốc ngừng "rình rập" tàu cá Nhật
Mỹ hối thúc Trung Quốc chấm dứt "hành động có thể gây tổn hại" sau vụ tàu hải cảnh rình rập tàu cá Nhật gần ... |
Tàu hải cảnh Trung Quốc lập kỷ lục xâm phạm Senkaku/Điếu Ngư
Các tàu thuộc lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc hôm 11/10 xâm phạm vùng Senkaku/Điếu Ngư và ở lại đây trong khoảng thời gian ... |
Ngày đăng: 16:56 | 26/02/2021
/ vtc.vn