Nhật Bản và Australia tuyên bố áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với doanh nhân, quan chức chính phủ và quan chức quốc phòng Nga.

Hôm 8/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố các biện pháp trừng phạt đối với thêm 20 người Nga bao gồm các doanh nhân và quan chức có liên quan đến tình hình Ukraine và hoạt động quân sự của Nga thời gian qua.

Danh sách này có người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Phó Chánh Văn phòng thứ nhất Điện Kremlin Sergei Kiriyenko, Phó Chánh Văn phòng Điện Kremlin Dmitry Kozak, nhà lãnh đạo Chechnya - Ramzan Kadyrov... Danh sách này cũng bao gồm hai tổ chức là Cơ quan Nghiên cứu Internet và công ty quân sự tư nhân Wagner.

Nhật - Australia công bố loạt trừng phạt mới với Nga - 1
Nhật Bản tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt sau chiến dịch quân sự Nga vào Ukraine. (Ảnh: EPA)

Ngoài ra, Nhật Bản cũng công bố danh sách trừng phạt bổ sung đối với Belarus, bao gồm 12 cá nhân và 10 công ty, tổ chức của Belarus.

Cùng ngày, Australia cũng giáng đòn trừng phạt vào các sĩ quan quân đội cấp cao, cũng như các cá nhân liên quan đến việc tuyên truyền "thông tin sai lệch cho điện Kremlin".

Danh sách bao gồm 6 chỉ huy cấp cao của quân đội Nga "chịu trách nhiệm thực hiện các cuộc tấn công hải quân, trên bộ và trên không vào Ukraine" cũng như người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova và những người Nga liên kết với các nỗ lực của nhà nước nhằm hợp pháp hóa cuộc tấn công Ukraine.

Australia sẽ cấm xuất khẩu hàng hóa của nước này cho các thực thể được cho sẽ cung cấp nguồn cung này cho quân đội Nga.

Trước đó, Australia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt trên phạm vi rộng đối với nhiều tổ chức của Nga và một loạt các nhà lãnh đạo cấp cao của nước này, trong đó có cả Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov.

Đây là một phần của chiến dịch toàn cầu do Mỹ dẫn đầu nhằm cô lập Moskva về mặt tài chính và làm tê liệt các tổ chức tài chính của nước này, trong đó có cả việc đóng băng tài sản đối với các ngân hàng trung ương Nga và chặn một số tổ chức của Nga khỏi các hệ thống thanh toán quốc tế.

Mỹ và các nước châu Âu cũng đang thảo luận về lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Nga, mặc dù Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo rằng bước đi này có thể gây nguy hại cho an ninh năng lượng của châu Âu.

Ngày đăng: 15:10 | 08/03/2022

/ vtc.vn