Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất cho phép Cục Thú y đánh giá rủi ro để nhập khẩu chính ngạch lợn sống từ các nước để tăng lượng thịt lợn trên thị trường.
Lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu lợn sống
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến giá lợn hơi trong nước bị đẩy lên 100.000 đồng/kg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã thống nhất nhập khẩu chính ngạch lợn sống từ các nước để tăng lượng thịt lợn trên thị trường.
Trao đổi với PV Lao Động chiều 29.5, Cục trưởng Cục Thú y – ông Phạm Văn Đông, cho biết: Hiện nay Cục Thú y và các doanh nghiệp đang đánh giá rủi ro đối với việc nhập khẩu lợn sống về Việt Nam. Trong đó, cần xem xét quy định cách ly 30 ngày để theo dõi sức khỏe của lợn trước nhiều loại bệnh tật như lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, tai xanh và các dịch bệnh khác.
Về thời hạn cách ly lợn sống 30 ngày liệu có đảm bảo an toàn, ông Phạm Văn Đông cho rằng: Hiện nay Việt Nam đang hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thì thời hạn cách ly 30 ngày là khá phù hợp với các loại dịch bệnh gia súc.
"Trước mắt, lợn sống sẽ được nhập khẩu từ các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan" - ông Đông thông tin.
Sau khi hoàn thành các bước đánh giá hồ sơ, Cục Thú y phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu liên hệ và tổ chức họp trực tuyến với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để trao đổi với các vướng mắc, thu thập các thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quy trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.
"Lợn nhập khẩu vào Việt Nam phải đảm bảo khỏe mạnh, không gây nguy hiểm cho vật nuôi trong nước, không làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước" - Cục trưởng Phạm Văn Đông khẳng định.
Theo Thứ trưởng NNPTNT Phùng Đức Tiến, bên cạnh việc đẩy mạnh tái đàn lợn trong nước, nhập khẩu thịt lợn từ các nước Mỹ, Canada, Nga, Ba Lan..., thì việc nhập khẩu lợn sống sẽ góp phần tăng nguồn cung thịt lợn.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn lợn cũng như các gia súc trong nước, lợn sống nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện cách ly kiểm dịch đủ 30 ngày; các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu.
"Bộ NNPTNT sẽ kiểm soát chặt chẽ số lượng cũng như chất lượng lợn nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng nhập khẩu ồ ạt gây ảnh hưởng đến chăn nuôi lợn trong nước"-Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ quy định kiểm dịch để bảo vệ đàn lợn trong nước. Ảnh: Khánh Vũ |
Như vậy, đàn lợn nhập khẩu bổ sung vào đàn lợn giống hiện có trong nước, sẽ đảm bảo đủ lợn giống cho chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2024.
Các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước nói gì?
Theo một số chủ trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai và khu vực Đông Nam Bộ, lợn thịt Thái Lan hiện nay ở mức 55.000 đồng/kg, nếu nhập khẩu về Việt Nam bán giá thấp sẽ giảm được giá thịt lợn xuống.
Hiện nay, lợn sống chưa được nhập khẩu chính ngạch về việt Nam nên giá thương lái bán tại biên giới là 87.000 đồng/kg, bao mọi thủ tục và bắt lợn lên xe theo đường tiểu ngạch là 92.000 đồng/kg.
Nếu lợn sống được nhập khẩu chính ngạch, tăng thêm nguồn cung ra thị trường, giá thịt lợn sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, mức giảm nhiều hay ít tùy thuộc nguồn cung. Ông Nguyễn Hòa Bình-Chủ trại chăn nuôi Hòa Bình (Bình Dương) cho hay: Hiện nay Việt Nam có 24 tỉnh bị tái phát dịch tả lợn Châu Phi, nên việc nhập khẩu lợn sống từ các nước về Việt Nam phải hết sức thận trọng, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho đàn lợn trong nước.
Giá lợn hơi tăng trở lại
Ngày 29.5, giá lợn hơi trên thị trường đã tăng trở lại sau 2 ngày giảm nhẹ. Khu vực phía Bắc phổ biến mức giá 98.000 đồng/kg, cá biệt có nơi 102.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, giá lợn hơi ở mức cao, từ 95.000 - 100.000 đồng/kg.
Thịt lợn cao chót vót, dân bớt khẩu phần, chợ ế chưa từng có |
Vì sao giá thịt lợn tăng “phi mã”? |
Thịt lợn bán buôn 130.000 đồng/kg, tiểu thương kìm giá để giữ khách |
Ngày đăng: 06:30 | 30/05/2020
/ laodong.vn