Đầu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ chìa nhành ô liu cho Hàn Quốc, kêu gọi hòa bình và đàm phán, và Tổng thống Moon Jae-in cũng đã đồng ý. Nhưng cùng lúc, Bình Nhưỡng vẫn giữ thái độ cứng rắn với Washington khi tuyên bố, sẽ tiếp tục thúc đẩy sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân.

nhanh o liu dau nam moi tren ban dao trieu tien

Trong thông điệp năm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề xuất đối thoại với Hàn Quốc và cử vận động viên tham dự Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang. Ảnh: Yonhap

Nhành ô liu bất ngờ

Hãng thông tấn Yonhap ngày 2.1 cho biết, Hàn Quốc đề xuất đối thoại cấp cao với Triều Tiên vào tuần tới về việc Bình Nhưỡng tham dự Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang vào tháng 2. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon cho biết, đề xuất đàm phán đã được bàn thảo với Mỹ và dự kiến, cuộc đàm phán cấp cao được tổ chức vào ngày 9.1 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. “Chúng tôi hy vọng Hàn - Triều có thể cùng ngồi xuống bàn thảo về việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội, và cùng tìm cách cải thiện quan hệ liên Triều theo cách thẳng thắn” - ông Cho phát biểu tại cuộc họp báo, và bổ sung rằng, chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên bất kể thời gian, địa điểm và hình thức nào. Nếu được tổ chức, đây sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai bên kể từ cuộc gặp cấp thứ trưởng vào tháng 12.2015.

Trong thông điệp năm mới ngày 1.1, nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi hai bên làm việc cùng nhau để giảm căng thẳng và cân nhắc cử phái đoàn Triều Tiên dự Olympic mùa Đông 2018 từ ngày 9-25.2. “Chúng tôi chân thành hy vọng Hàn Quốc sẽ tổ chức thành công Olympic. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết, bao gồm cử đoàn vận động viên của chúng tôi tham gia, vì vậy, giới chức Hàn - Triều có thể gặp mặt khẩn cấp. Ngoài Thế vận hội, đã đến lúc miền Bắc và miền Nam cần ngồi xuống và thảo luận nghiêm túc về việc cải thiện và thúc đẩy nhanh chóng quan hệ liên Triều” - ông Kim Jong-un nói.

Nhành ô liu bất ngờ của Triều Tiên được đưa ra đúng vào thời điểm Hàn Quốc hy vọng và tin tưởng rằng, việc Bình Nhưỡng tham dự Thế vận hội sẽ giúp giảm căng thẳng. Văn phòng của Tổng thống Moon Jae-in hoan nghênh nhành ô liu của ông Kim Jong-un. Phát biểu khai mạc cuộc họp nội các ngày 2.1, Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi thực hiện nhanh chóng các biện pháp để nối lại đối thoại liên Triều. Ông cũng yêu cầu Bộ Thống nhất và Bộ Thể thao lập tức tiến hành các biện pháp giúp Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang sắp tới.

Hoài nghi

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, ông Chun Yung-woo được Reuters dẫn lời cho rằng, Seoul nên cân nhắc trước khi trả lời đề nghị của Bình Nhưỡng. “Tiếc là chính phủ thậm chí đã không cần từ 1-2 ngày để phân tích kỹ càng động cơ kín đáo của ông Kim Jong-un trước khi vội vàng ra tuyên bố hoan nghênh”.

Trong khi đó, giới phân tích nhìn nhận, đề xuất đối thoại của Triều Tiên là công cụ để ngăn chặn áp lực quốc tế ngày càng gia tăng với nước này. “Ông Kim Jong-un đang sử dụng Thế vận hội Pyeongchang như một cách để làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của quốc tế” - tờ New York Times dẫn lời ông Kim Yong-hyun, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại ĐH Dongguk (Seoul), nhận định.

Ngay trong bài phát biểu năm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn tỏ ra không khoan nhượng về chương trình hạt nhân của mình khi tuyên bố “toàn bộ Mỹ nằm trong phạm vi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên” và “nút hạt nhân luôn ở trên bàn làm việc” của mình. Ông Kim Jong-un cũng tuyên bố, trong năm 2018 sẽ thúc đẩy “sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân, tạo đà nỗ lực để đưa chúng vào hoạt động”.

Điều này có nghĩa là, gần như chắc chắn Triều Tiên sẽ tiến hành thêm các vụ thử tên lửa, tập trung vào các bài tập “thực tế” hơn là thử nghiệm phát triển - Reuters dẫn lời ông Joshua Pollack, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California. Ông cho rằng, trong năm nay, Bình Nhưỡng sẽ chuyển từ nghiên cứu phát triển sang sản xuất hàng loạt, triển khai và tăng cường sẵn sàng. Còn giám đốc Dự án hợp tác an ninh Đông Bắc Á ở New York, ông Leon Sigal nhận định, nếu Mỹ muốn tận dụng cơ hội để giảm thiểu căng thẳng thì nên đặt ra yêu cầu tiên quyết để đàm phán là Triều Tiên ngừng thử tên lửa.

Cũng theo giới phân tích, với đề nghị tham gia Thế vận hội mùa Đông, Triều Tiên có thể cố tình tạo ra sự rạn nứt giữa Hàn Quốc và Mỹ - nước khẳng định mọi lựa chọn, bao gồm cả quân sự, đang đặt trên bàn. Nhà Trắng chưa có phản hồi chi tiết, song thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho rằng, Mỹ sẽ tẩy chay Olympic nếu Triều Tiên tham dự. “Điều này đặt Hàn Quốc vào tình thế oái ăm vì có thể rơi vào căng thẳng với Mỹ và Nhật Bản - hai nước luôn nhấn mạnh cần gây áp lực và trừng phạt tối đa Triều Tiên” - ông Graham nói.

nhanh o liu dau nam moi tren ban dao trieu tien Nút bấm hạt nhân của Kim Jong-un và Trump thực sự như thế nào?

Kho vũ khí hạt nhân được kích hoạt bằng một quy trình phức tạp, không thể chỉ bằng một nút bấm như Kim Jong-un và ...

nhanh o liu dau nam moi tren ban dao trieu tien Nét tương đồng trong thông điệp năm mới của Trump và Kim Jong-un

Dù ở hai phía đối địch nhau, thông điệp năm mới của Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn có nhiều điểm ...

nhanh o liu dau nam moi tren ban dao trieu tien Hàn Quốc nói gì trước đề nghị bất ngờ của Triều Tiên?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố, việc cải thiện mối quan hệ hai miền Triều Tiên có liên quan đến giải quyết chương ...

Ngày đăng: 00:19 | 03/01/2018

/ Lao động