Những lời kêu gọi kiểm soát súng đạn chắc chắn sẽ xuất hiện, sau mỗi sự kiện xả súng kinh hoàng như vụ vừa diễn ra tại Las Vegas, Mỹ, khiến 59 người chết và hơn 500 người bị thương. Tuy nhiên sẽ chẳng có thay đổi lớn nào xảy ra, khi dư luận Mỹ vẫn chưa hiểu hết về tác động khủng khiếp mà viên đạn gây ra khi nó đi vào cơ thể người.
Những lời kêu gọi kiểm soát súng đạn chắc chắn sẽ xuất hiện, sau mỗi sự kiện xả súng kinh hoàng như vụ vừa diễn ra tại Las Vegas, Mỹ, khiến 59 người chết và hơn 500 người bị thương. Tuy nhiên sẽ chẳng có thay đổi lớn nào xảy ra, khi dư luận Mỹ vẫn chưa hiểu hết về tác động khủng khiếp mà viên đạn gây ra khi nó đi vào cơ thể người.
Sự nguy hiểm không nằm ở viên đạn
Ít nhất đây là điều bác sĩ Amy Goldberg tin tưởng và bày tỏ trong cuộc trò chuyện với phóng viên trang tin Huffington Post. Bà là chuyên gia đầu ngành, đã có 30 năm làm việc trong vai trò bác sĩ phẫu thuật điều trị chấn thương ở Bệnh viện Đại học Temple, thành phố Philadelphia. Đây là nơi điều trị các nạn nhân bị trúng đạn, với số lượng nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên đất Mỹ. Bệnh viện cũng nằm tại thành phố chết chóc nhất trong nhóm 10 thành phố nguy hiểm hàng đầu Mỹ, với tỉ lệ giết người là 17,8 vụ/100.000 dân vào năm 2015.
Goldberg không biết nhiều về súng đạn hoặc tình trạng bạo lực liên quan tới súng đạn cho tới khi bà gia nhập bệnh viện Temple. Trong năm đầu tiên hoặc năm thứ hai làm việc ở Temple, thời điểm Goldberg vẫn trong độ tuổi giữa 20, bà tham gia điều trị một bé trai vô tình bị em họ dùng súng bắn trúng ngực. Các bác sĩ đã không thể cứu cậu bé. Cái chết vô nghĩa của cậu bé khiến bà vô cùng phẫn nộ.
Cảm giác này không tan biến theo năm tháng, bất chấp việc Goldberg đã xử lý rất nhiều vụ nạn nhân bị súng bắn. Bà còn nhớ từng cứu chữa cho một thiếu niên vào tháng 8.1992. Nạn nhân bị bắn vào tim và khi được đưa vào viện, con tim đã ngừng đập. Goldberg khiến quả tim đập trở lại và cứu mạng thiếu niên kia.
Nhưng chỉ vài tuần sau khi ra viện, cậu này lại được đưa vào viện lần thứ hai, với một vết đạn xuyên vào động mạch nằm ở tay. Cậu ta suýt chảy máu tới chết, nhưng vẫn được Goldberg cứu sống. “Dĩ nhiên là cậu ta lại được đưa vào đây thêm lần thứ ba nữa”, bà nói. “Lần này viên đạn xuyên vào đầu và cậu ta toi mạng”.
Bà bắt đầu nghĩ rằng Temple nên tìm ra cách nào đó để ngăn chặn bạo lực súng đạn, như tuyên truyền cho các bệnh nhân để họ không phải trở lại đây thêm lần nào nữa. Nhưng khi ấy bà không có quyền. Bà chỉ là một bác sĩ phẫu thuật giỏi, với tay nghề càng lúc càng nâng cao do phải điều trị quá nhiều người bị súng bắn.
Và cứ thế, bà ở lại cùng bệnh viện. Thời gian 5 năm dần kéo dài thành 10 năm rồi 20 năm. Suốt quãng thời gian đó, Goldberg đã có sự hiểu biết rất sâu sắc về các nạn nhân của súng đạn, về việc viên đạn có thể gây ra những tác động gì, điều mà đại đa số dư luận Mỹ, gồm đông đảo người ủng hộ sở hữu súng đạn tự do, không hề biết tới.
Goldberg nói rằng đa số người nghĩ trong các vụ bị trúng đạn thì viên đạn là vấn đề chính. Họ cho rằng các mảnh kim loại, hình thành do viên đạn vỡ ra khi găm vào cơ thể, hẳn sẽ gây ra nhiều vấn đề. Họ tin chỉ cần lấy được viên đạn hoặc các mảnh đạn ra là vấn đề được giải quyết xong. Giống như trong một bộ phim Hollywood vậy, khi một người hùng bị trúng đạn vào bụng, anh ta sẽ lết đi chỗ nào đó an toàn, tìm cách mổ moi viên đạn ra và lập tức trở nên khỏe hơn.
Nhưng Goldberg nói rằng thực tế không phải như vậy và cảnh trong phim dĩ nhiên không hề phản ánh đúng hoạt động phẫu thuật điều trị chấn thương. Hoạt động này nhằm sửa chữa những thương tổn mà viên đạn gây ra khi nó xuyên qua cơ bắp, mạch máu, nội tạng và xương của nạn nhân. Viên đạn có thể nằm lại trong cơ thể mà không gây ra nhiều vấn đề. Nhưng hoạt động chảy máu sau khi đạn xuyên vào cơ thể thì lại cực kỳ nguy hiểm. Các bác sĩ phải gấp rút cầm máu ngay cả khi nạn nhân đang tỉnh táo và la hét, bởi anh ta vừa bị rạch rất sâu ở ngực để họ có thể chọc một cái ống vào khoang ngực của anh ta. Họ không có thời gian để gây mê nạn nhân.
Bắn người thì dễ, cứu người cực khó
Cấp cứu nạn nhân bị đạn bắn không phải là một tiến trình nhẹ nhàng. Một số bác sĩ mang vào phòng phẫu thuật các công cụ giống như từ một phòng tra tấn trong phim của Hollywood. Trong một số vụ nghiêm trọng, khoảng 70 vụ như thế tại Temple trong năm ngoái, các bác sĩ phải tìm cách mở lồng ngực bệnh nhân ngay tại phòng cấp cứu. Kỹ thuật này được gọi là thoracotomy - phẫu thuật mở lồng ngực.
Giả thuyết được đặt ra là một bệnh nhân được đưa tới bệnh viện trong tình trạng bất tỉnh, có thể đã ngưng tim nên Goldberg phải mở lồng ngực của anh ta để xem có chuyện gì đã diễn ra. Với một con dao mổ, bà cắt một vết sâu phía dưới núm vú bệnh nhân và rạch dài từ 12-20cm theo lồng ngực. Con dao sắc lẻm sẽ cắt xuyên qua da, qua lớp mỡ, và cơ, vào sâu tới tận xương sườn. Cú cắt này là rất cần thiết để các bác sĩ có thể thực hiện bước tiếp theo là dùng thiết bị chuyên dụng tách các xương sườn ra, ép chúng sang hai bên. Nhờ đó bác sĩ mới có thể chạm được vào các nội tạng nằm trong lồng ngực.
Thi thoảng Goldberg lại phải phá vỡ xương ức của bệnh nhân để tiếp cận được với lồng ngực. Bà làm việc này với một công cụ được gọi là dao Lebsche. Thực tế đó là một thanh thép với một lưỡi dao sắc ở một đầu. Goldberg sẽ phải dùng công cụ này và một chiếc búa làm từ bạc rồi cẩn trọng đục cho tới khi cắt đứt xương ức của bệnh nhân. “Bạn sẽ không bao giờ quên âm thanh “tinh tinh tinh” vang lên sau mỗi lần búa gõ vào dao. Nghe giống như tiếng kim loại, nhưng thực tế đó là tiếng dao ăn vào xương”, bà nói.
Sau khi khoang lồng ngực được mở ra, Goldberg đã có thể làm việc. Nếu quả tim bệnh nhân ngừng đập, bà sẽ cố khiến nó đập trở lại. Việc này sẽ cần hoạt động mát xa tim mạch - về cơ bản bà sẽ cầm quả tim bệnh nhân trong tay và nhẹ nhàng mát xa nó để máu có thể được bơm lên não. Nếu bệnh nhân bị xuất huyết trong khoang lồng ngực, bà sẽ ngăn chặn bằng cách đặt kẹp thép vào tim hoặc phổi của bệnh nhân. Bà cũng có thể kẹp động mạch, để máu thay vì chảy xuống khoang bụng, sẽ chảy ngược lên não.
Tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều nếu bệnh nhân bị đạn bắn xuyên qua nhiều vùng trên cơ thể. Các bác sĩ sẽ phải đối mặt với những câu hỏi như: “Vết thương nguy hiểm nhất nằm ở đâu nhỉ? Có phải nó ở ngực không? Hay ở bụng?”. Các bác sĩ phải tìm kiếm vết thương nguy hiểm nhất, trong áp lực khổng lồ về thời gian và tâm lý.
Các bác sĩ hoàn toàn có thể bị thu hút sự chú ý bởi những vết thương nhẹ mà không nhận ra những vết thương nguy hiểm hơn. Nguyên nhân do những vết thương nguy hiểm nhất thường trông không quá tệ. Một người bị bắn vào đầu và một phần não của anh ta sẽ chảy ra tong tỏng từ lỗ thủng ở hộp sọ, nhưng đó có thể không phải vết thương gây chết người. Vết thương chí mạng có thể là từ một viên đạn khác đã xuyên thủng ngực anh ta.
Goldberg kể rằng cách đây một vài năm, một người đàn ông nợ tiền đã bị kẻ khác cầm súng săn bắn ở cự ly gần vào giữa mặt. Anh ta giơ áo khoác che đi gương mặt nát bét của mình rồi đi vào khu vực cấp cứu của bệnh viện Temple, tiến tới gần một nữ y tá. Khi cô ngước nhìn lên, anh ta mới từ từ hạ tay áo xuống. Khỏi phải nói nữ y tá đó đã bị sốc như thế nào. Tuy nhiên nó cho thấy một vết thương trông rất khủng khiếp đôi khi lại không đoạt mạng nạn nhân. Người đàn ông đó đã sống sau khi được cứu chữa.
Chẳng ai có thể dự đoán được người nào sẽ sống hoặc chết sau khi trúng đạn. Một số bệnh nhân sẽ chết rất nhanh, ngay trên bàn phẫu thuật cấp cứu. Nhưng không ít người sẽ qua khỏi, dù họ phải trả cái giá rất đắt - thường là việc bị tật nguyền nặng nề. Một số bệnh nhân, đa phần là thanh niên trẻ tuổi, sẽ phải mang theo các túi hỗ trợ bài tiết trong suốt phần đời còn lại, bởi họ không thể làm điều này bình thường. Họ sẽ đại tiện qua một cái ống gắn thẳng vào ruột mình.
Số khác có thể bị liệt, do viên đạn cắt đứt đốt sống. Một số vĩnh viễn mất đi chân hoặc tay - hậu quả từ hoạt động điều trị cứu mạng họ. Trong các cuộc phẫu thuật điều trị vết đạn bắn, do dòng máu chảy bị chuyển hướng bằng kẹp thép để chạy tới não, các khu vực khác trên cơ thể sẽ không nhận được máu và bị chết.
Thường thì các mô ở phần thân dưới sẽ chết trước và gây hoại tử. Nếu tình huống này xảy ra, các bác sĩ sẽ phải phẫu thuật cắt bớt chân hoặc tay bệnh nhân để ngăn nhiễm trùng. Đầu tiên họ cắt cụt chi ở các vùng thấp như bàn chân, trước khi chuyển dần lên mắt cá nhân, đầu gối hoặc toàn bộ vùng đùi. Cách đây vài năm, Goldberg từng điều trị cho một cô gái trẻ đẹp bị bạn trai bắn vào chân. Viên đạn cắt đứt động mạch đùi và khiến cô mất máu gần chết. Goldberg đã phải phẫu thuật cắt bỏ cái chân để có thể cứu mạng cô gái ấy. Vụ việc vẫn ám ảnh bà cho tới tận giờ.
Sẽ chẳng có thay đổi sau các vụ xả súng
Theo Goldberg, 80% số người bị thương do đạn bắn ở Philadelphia đã sống sót. Đây là con số khiến dư luận ngạc nhiên. Người bình thường nghĩ rằng nếu ai đó bị bắn vào bụng, vào ngực, vào mặt, họ sẽ chết. Thực tế thì họ vẫn sống, nhờ sự can thiệp tích cực của các bác sĩ như Goldberg. Các nạn nhân bị súng bắn sẽ sống tiếp, nhưng đó là khi nỗi khổ đau thực sự của họ bắt đầu.
Rafi Colon từng bị trúng một viên đạn 9mm vào vùng bụng trong một vụ kẻ trộm đột nhập nhà anh hồi năm 2005. Viên đạn xuyên thủng ruột Colon. Các bác sĩ ở Temple phải mổ phanh bụng Temple để chữa thương tích. Tuy nhiên vết thủng ở ruột anh mất rất nhiều thời gian để lành. Kết quả là trong 11 tháng tiếp theo, anh gần như phải nằm liệt giường, chờ chỗ ruột thủng lành lại. Và khi ruột chưa lành, các bác sĩ không thể khâu kín khoang bụng của anh lại.
Dần dần, Colon đã quen với việc nhìn xuống bụng và thấy ruột mình tòi ra ngoài. Một lần khi bạn bè tới thăm, Colon đã gọi một cốc kem Rita có màu đỏ và chậm rãi nhâm nhi. Chừng 30 giây sau khi anh nuốt miếng kem đầu tiên, một dòng nước màu đỏ đã ộc ra khỏi cái lỗ nằm ở vùng ruột thò ra ngoài bụng Colon. Vài người bạn của anh đã nôn tại chỗ khi nhìn thấy cảnh ấy.
Phải mất tổng cộng 14 cuộc phẫu thuật, các bác sĩ mới chữa lành thương tích cho Colon. Tất cả chỉ do một viên đạn duy nhất gây ra.
Do phải mất quá nhiều công sức để cứu người, Goldberg luôn cảm thấy phẫn nộ trước tính chất vô nghĩa của tình trạng bạo lực do súng đạn gây ra. Khi được thăng chức lên trưởng khoa phẫu thuật điều trị chấn thương, bà đã nghĩ về cách thức để ngăn chặn các vụ nổ súng và qua đó giảm lượng bệnh nhân phải tới đây cấp cứu. Bà biết việc này sẽ bao gồm các hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng nên quyết định hợp tác cùng Scott Charles, một giảng viên đại học có những quá khứ đâu thương với súng đạn. Thời Charles còn sống ở Sacramento, ông đã chứng kiến hai anh trai của mình bị bắn. Trong khi đó, chị gái ông tự sát bằng súng ngắn. Năm ông lên 19 tuổi, ông lại chứng kiến một người bạn bị bắn chết.
Cùng nhau, Charles và Goldberg đã phát triển một chương trình tuyên truyền ngăn chặn bạo lực do súng đạn gây ra. Theo đó họ sẽ đưa các nhóm người lớn và trẻ em vào khu vực điều trị chấn thương để họ tận mắt chứng kiến các bác sĩ cứu chữa người bị súng bắn ra sao.
Họ còn tạo ra một chương trình khác có tên Turning Point, nơi các nạn nhân bị súng bắn được tư vấn, được xem video về hoạt động điều trị đã giúp cứu mạng mình, để thay đổi thái độ và hành vi. “Khi các nạn nhân bị súng bắn được đưa tới đây, họ thường rất sợ hãi. Họ hỏi những câu như liệu tôi có chết không? Mẹ tôi đâu?”, Goldberg kể. “Nhưng ngay sau khi bình phục, họ quên khuấy nỗi sợ hãi và đó không phải là điều hay ho”.
Turning Point ban đầu gây tranh cãi, với một số bác sĩ ở Temple cho rằng việc để bệnh nhân xem lại video về hoạt động cấp cứu chính họ là hành động phi đạo đức. Tuy nhiên Goldberg nói rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề là đương đầu trực tiếp với nó. Những gì bà đang làm chỉ là cố giáo dục công chúng, để giảm bớt bạo lực.
Tháng 11 năm ngoái, bệnh viện đã công bố kế quả nghiên cứu khoa học đầu tiên từ Turning Point. Nó cho thấy các bệnh nhân đã thay đổi mạnh thái độ của họ, giảm rất nhiều tư tưởng bạo lực, sau khi tham gia chương trình. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Huffington Post, Goldberg chia sẻ rằng bà rất tự hào về chương trình này, không chỉ bởi đây là một sản phẩm hiệu quả mà còn là chiến thắng hiếm hoi trước thực tế đáng buồn về bạo lực liên quan tới súng đạn ở Mỹ.
Thực vậy, Turning Point đã sinh ra từ trải nghiệm của Goldberg với bệnh nhân từng được bà điều trị hồi năm 1992, kẻ ba lần bị trúng đạn và đã chết hẳn trong lần thứ ba. Phải mất chừng đó thời gian để bà mới được trao quyền, có cơ hội thu thập dữ liệu và xuất bản nghiên cứu của mình, với kết quả có thể chỉ gây tác động chút xíu tới nhận thức chung của người Mỹ. Phải mất 24 năm để Goldberg làm được những điều này, nên không ngạc nhiên khi bà chẳng tin các vụ xả súng khiến nhiều người chết sẽ sớm làm thay đổi quan điểm dư luận Mỹ về tình trạng bạo lực do súng đạn gây ra.
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nhan-vu-xa-sung-kinh-hoang-tai-las-vegas-my-dieu-gi-se-xay-ra-khi-dan-xuyen-vao-co-the-nguoi-568467.ldo
Ngày đăng: 19:00 | 09/10/2017
/ Lao động