Sáng 5/8, Bí thư thành uỷ Nguyễn Văn Nên đã có buổi làm việc, gặp gỡ và trực tiếp lắng nghe tâm tư của nhân viên ngành y tế TP Hồ Chí Minh. Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị các cán bộ y tế nói thật những tâm tư tình cảm và khúc mắc trong quá trình hành nghề.
Trải lòng về thu nhập của nhân viên y tế còn quá thấp so với mặt bằng thu nhập chung, PGS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã không cầm được cảm xúc, chảy nước mắt khi đề cập tới vấn đề lương bổng của nhân viên y tế.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng thừa nhận, ông thường nhận được nhiều chia sẻ của nhân viên y tế về khó khăn của nghề. Theo đó, không chỉ là lương, mà môi trường làm việc, áp lực công việc và lãnh đạo đơn vị cũng khiến họ căng thẳng. Ông nhận định, lương cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng môi trường làm việc, môi trường làm việc cho người bác sĩ phải tạo điều kiện cho họ được cống hiến. “Áp lực cao, lãnh đạo phải là người chia sẻ, tạo điều kiện, là điểm tựa cho anh em”. Ông nhấn mạnh.
PGS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, chia sẻ, chị có 2 người con cũng vừa trở thành bác sĩ. Từ kinh nghiệm của người làm nghề Y nhiều năm, chị khuyên con rằng muốn làm giàu thì không chọn ngành y, hãy chọn nghề khác. Và chị dẫn chứng: “Lương một bác sĩ trẻ mới ra trường là 7-8 triệu/ tháng. Mức lương này rất khó để sống ở TP Hồ Chí Minh”. Đồng thời bày tỏ thành phố có cơ chế hỗ trợ để nhân viên y tế yên tâm cống hiến. Nếu nhân viên y tế nghỉ việc sẽ ảnh hưởng tới công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trong đại dịch COVID-19, không một nhân viên y tế nào trốn tránh trách nhiệm. Họ đã làm việc hết sức mình, không từ bỏ vì đó là trách nhiệm của nghề. “Dịch COVID-19 đi qua, mọi sự chịu đựng đều đến giới hạn. Nhân viên y tế như cục pin đã cạn, họ chỉ mong được nghỉ ngơi một chút vì quá mệt mỏi. Ngành y hay nghề giáo, hay bất cứ ngành nghề nào cũng có gia đình, phải lo cho cuộc sống. Trong khi đó, môi trường bệnh viện rất đặc thù, áp lực. Thu nhập cũng khiến nhiều y bác sĩ đành lựa chọn sang y tế tư nhân làm việc, hoặc bỏ nghề sang kinh doanh. Chúng tôi rất tự hào về nghề nhưng cũng chạnh lòng”.
Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng thông tin thêm, gần đây, có hiện tượng một số cán bộ quản lý cũng nghỉ việc. Đang có tình trạng biến động nhân lực lớn trong ngành y tế TP Hồ Chí Minh. Sở Y tế thống kê, từ đầu năm đến nay, 891 nhân viên y tế công lập của TP đã nghỉ việc. Cụ thể, cuối năm 2021, có 42.914 người làm việc trong các cơ sở y tế công lập, thời điểm này là 42.608 người. Lo ngại hơn khi những người nghỉ việc là nhân viên y tế có thâm niên, kinh nghiệm. Đặc biệt hiện nay, ở các trạm y tế, hiện 48 cơ sở chỉ có Phó trạm, 67 cơ sở phải tạm điều hành, chưa có Trưởng trạm.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng cho hay, một bác sĩ trẻ vừa về trạm y tế đã chia sẻ riêng với ông, người này phải làm việc quần quật thứ 7, chủ nhật. Dù tham gia chống dịch COVID-19 nhiệt tình, nhưng đến giờ này, bác sĩ trẻ vẫn chưa được nhận… thù lao.
Một nữ bác sĩ có 27 năm công tác tại Trung tâm Y tế quận 1 TP Hồ Chí Minh đã bày tỏ với bí thư Nguyễn Văn Nên: “Y tế cơ sở có tất cả 29 đầu việc, các em quần quật suốt bao nhiêu tháng qua, làm việc cả thứ 7 chủ nhật từ khi dịch COVID-19 cho đến nay. Trong khi đồng lương lại rất thấp".
Theo đó, 1 năm qua, Trung tâm Y tế quận 1 có 21 nhân viên nghỉ việc, có những phòng ban nghỉ toàn bộ, kể cả người làm lâu năm. Cũng có bác sĩ trẻ về trạm, nhưng sau đó đều nghỉ việc vì thu nhập thấp, không có cơ hội phát triển.
Nữ BS này đề nghị phải có những thay đổi trong chính sách để xứng đáng với sự cống hiến của nhân viên y tế cơ sở.
Ngày đăng: 20:54 | 05/08/2022
Huyền Nga / cand.com.vn